Công tác xúc tiến đầu tư: Không bỏ phí tiềm năng!

28/12/2011 07:28 AM


Sau Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2009 đến nay, tình hình thu hút đầu tư ở tỉnh Gia Lai có những biến chuyển đáng kể. Ông Lê Quang Đạt- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Gia Lai từng đánh giá: Nhờ những chính sách thu hút đầu tư mà thời gian qua, số lượng doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh gia tăng đáng kể, các dự án đầu tư dựa trên những thế mạnh của tỉnh đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Sau Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2009 đến nay, tình hình thu hút đầu tư ở tỉnh Gia Lai có những biến chuyển đáng kể. Ông Lê Quang Đạt- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Gia Lai từng đánh giá: Nhờ những chính sách thu hút đầu tư mà thời gian qua, số lượng doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh gia tăng đáng kể, các dự án đầu tư dựa trên những thế mạnh của tỉnh đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, xóa đói giảm nghèo, tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, năm 2012, công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh vẫn sẽ còn khó khăn nếu không tận dụng triệt để những lợi thế, tiềm năng cùng những chính sách cải thiện môi trường đầu tư…

 
Hấp dẫn những tiềm năng
 
Với những lợi thế về đất đai, khoáng sản, điều kiện tự nhiên… sẵn có, Gia Lai xác định các lĩnh vực chủ yếu để thu hút đầu tư, đi đầu là phát triển chế biến nông sản, khai thác khoáng sản và phát triển du lịch. Về nông nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp chưa được khai thác hết mà cùng với sự thuận lợi về khí hậu sẽ là tiền đề để phát triển các vùng cây chuyên canh lớn, có giá trị kinh tế cao, cũng như nhiều lợi thế cạnh tranh như tiêu, cà phê, cao su, mía đường… Trên 50.000 ha đồng cỏ để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi đại gia súc, triển vọng kéo theo là đẩy mạnh xuất khẩu thực phẩm và phát triển công nghiệp thuộc da. 
 
Với trữ lượng khá lớn về vàng, bô xít và đá quý thì đây chính là thế mạnh để phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng. Những mỏ đá với trữ lượng khá lớn ở các vùng như Chư Sê, Pleiku, Chư Pah… (riêng đá granít trữ lượng lên tới gần 100 triệu m3). Nói về tiềm năng để phát triển du lịch, Gia Lai có những cánh rừng nguyên sinh với hệ động thực vật đa dạng; nhiều sông suối, hồ nước; những thắng cảnh nổi tiếng; những buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số hoang sơ… Tất cả đều là cơ sở để xây dựng những tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng… 
 
Tiềm năng hấp dẫn, song những tác động từ sự bất ổn kinh tế vĩ mô từ đầu năm 2011 đến nay khiến công tác thu hút đầu tư của tỉnh gặp vô vàn khó khăn. Doanh nghiệp gần như bất lực trong tiếp cận nguồn vốn cũng như phát triển thị trường nên dẫu được coi là vùng đất “màu mỡ” và giàu tiềm năng, Gia Lai vẫn không đủ sức để cải thiện tình hình thu hút đầu tư. 
 
Nỗ lực thu hút đầu tư
 
Trong nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, thông qua việc hoàn thiện cơ chế một cửa liên thông. UBND tỉnh đã có một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các nhà đầu tư như hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho các dự án đầu tư trên địa bàn; hỗ trợ ngân sách đầu tư cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ đối với doanh nghiệp đầu tư sản xuất- kinh doanh trên địa bàn tỉnh thông qua các ứng dụng công nghệ; hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn cũng như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa…
 
Kết quả từ những nỗ lực đó là từ năm 2009 đến nay, việc thu hút đầu tư của tỉnh ta khá sôi động với gần 60 dự án ngoài khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 11.500 tỷ đồng; gần 10 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án trong khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư gần 130 tỷ đồng, và hiện có trên 10 doanh nghiệp đang làm thủ tục xin thuê đất. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là khai thác chế biến gỗ, khai thác đá granít, chế biến thức ăn gia súc… Hiện tỉnh có 4 dự án đầu tư nước ngoài là: Dự án chế biến cà phê và nông sản của Công ty TNHH Louis Dreyfus Commodities Việt Nam; dự án Nhà máy chế biến điều của Chi nhánh Công ty TNHH Olam Việt Nam; Nhà máy chế biến tinh bột mì của Công ty TNHH Ve Yu và dự án Nhà máy chế biến đá của Công ty Đá Viet- Euro Stone Gia Lai với tổng vốn đầu tư 7,73 triệu USD.
 
Khai thác và chế biến đá. Ảnh: Minh Thi
Khai thác và chế biến đá ở Gia Lai. Ảnh: Minh Thi
Tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư ra nước ngoài. Thời gian qua có nhiều đơn vị tham gia như: Xí nghiệp tư doanh Đức Cường triển khai dự án trồng cao su tại Campuchia với vốn đầu tư 30 triệu USD; Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai trồng cao su và khai thác mủ tại Campuchia với quy mô 10.000 ha, xây dựng nhà máy chế biến gỗ công suất 10.000 m3/năm, tổng vốn đầu tư gần 74 triệu USD. Lào cũng là nước được các doanh nghiệp Gia Lai “chọn mặt gửi vàng” để đầu tư ở lĩnh vực khai thác khoáng sản và trồng cây cao su như Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với tổng vốn đầu tư trên 75 triệu USD; trồng cây cao su thiên nhiên và cây keo lai như: Công ty cổ phần Hoàng Anh Quang Minh với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD; dự án đầu tư phát triển kinh tế- xã hội tỉnh Attapeu của Công ty HTKT 385 thuộc Tổng Công ty 15 với tổng vốn đầu tư trên 26 triệu USD...
 
Tiếp tục phát huy những nỗ lực cải thiện tình hình thu hút đầu tư, hy vọng tiềm năng của tỉnh sẽ được tận dụng triệt để, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong năm 2012.

Theo Báo Gia Lai