TP Pleiku: Làng trong phố

28/02/2011 07:21 AM


Tôi ngắm Plei Ốp từ nhiều góc độ. Ngược từ giọt nước Ia Grông lên con đường nhỏ heo hắt tàn nắng cuối ngày, dăm đứa trẻ tóc rối bù mắt to lố đuổi nhau cười khanh khách, cứ giơ máy ảnh lên là chúng dồn lại úp mặt vào lưng nhau xấu hổ, trong sân mấy bà mẹ trẻ vừa địu con vừa thu nhặt củ mì phơi se, khói củi ngun ngút bên hông nhà, mùi cơm chín thơm ngòn ngọt. Thoảng trong gió chiều hương hoa cà phê lịm rịm.

Tôi ngắm Plei Ốp từ nhiều góc độ. Ngược từ giọt nước Ia Grông lên con đường nhỏ heo hắt tàn nắng cuối ngày, dăm đứa trẻ tóc rối bù mắt to lố đuổi nhau cười khanh khách, cứ giơ máy ảnh lên là chúng dồn lại úp mặt vào lưng nhau xấu hổ, trong sân mấy bà mẹ trẻ vừa địu con vừa thu nhặt củ mì phơi se, khói củi ngun ngút bên hông nhà, mùi cơm chín thơm ngòn ngọt. Thoảng trong gió chiều hương hoa cà phê lịm rịm.
 
 
Hầu như nhà nào trong làng cũng có giếng nhưng chị em vẫn ưng rủ nhau ra đây lấy nước vào những quả bầu khô và chai nhựa, túm tụm tắm rửa cho con cái, giặt giũ… xong xuôi chất tất cả vào gùi ngược dốc cõng về, cái lạnh chớm đêm dường như không hiện hữu ở đây. Những mái tóc ướt sũng giọt đẫm vai áo và ngực, những em bé gái trần mình chạy quanh chân mẹ trêu chọc, những chuyện trò ríu rít giòn tươi vang động.
 
 
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
Suối Ia Nin và Ia Nak bao quanh làng, suối mùa cạn nước đục lờ, dân làng đắp bờ xẻ rãnh dẫn nước vào các ruộng lúa trong thung lũng và gánh tưới cho các triền rau men dọc hai bờ. Những bãi rau xanh mướt mắt, hoa cải cúc già vàng rã ngả ngiêng trong gió. Đồng chiều đẹp như tranh, muốn hít hà mãi mùi thơm của đất của muôn hoa lá, rêu cỏ… ngỡ mình trên cánh đồng làng quê xa xôi xứ Bắc, thấy mình như một bông mây.
 
 
Tôi ngắm làng từ sân nhà rông, hoàng hôn trùm lên nóc nhà, trùm lên đỉnh cây xà cừ dậy thì, quét thành vạt lên những tượng người đứng ngồi sẫm màu gỗ và nước sơn. Bức tượng người đàn ông cõng con trên vai thu hút tôi, khuôn mặt anh ta tràn niềm phấn khích, hạnh phúc tình phụ tử.
 
 
Tôi đi vòng quanh các bức tượng tò mò ngắm nghía và ngộ ra chút gửi gắm âm thầm của người nghệ nhân vào tượng. Đối diện nhà rông, có nhà một thanh niên mai lên đường nhập ngũ, họ hàng bè bạn gùi rượu đến chia tay, tiếng cười nói mời mọc, tiếng đàn hát xôn xao. Bất chợt chạm một khuôn mặt đỏ nhừ vì rượu, một đôi mắt Jrai to thẳm bối rối sau hàng rào thấp, hỏi sao không ở trong chơi cùng các bạn, em cúi mặt chẳng nói gì tay vân vê chiếc mũ len màu đà. Tôi đoán em định tặng nó cho người bạn mai vào quân ngũ.
 
 
Tôi chỉ một khách lạ đến làng mà lúc rời đi cũng cảm thấy bâng khuâng quyến luyến huống chi những người sinh ra lớn lên từ làng, uống nước giọt Ia O, Ia Grông, ăn hạt gạo dẻo thơm thung lũng Ia Lâm, tập đi, chạy nhảy trên khắp các con đường làng ngai ngái mùi phân bò phân dê mà phổng phao chắc khỏe sẽ dày bao nhung nhớ khi xa.
 
 
Trưởng thôn Ksor Blíu lang thang cùng tôi dọc con đường làng chính láng nhựa sạch quang, với anh làng như vợ con, thương lắm. Làng có từ khi nào người già cũng ít ai nhớ được chính xác, chỉ biết ngày ấy có già làng tên Ốp dẫn dân làng đến đây, thấy cây cối tốt tươi, cua cá đầy suối, thung lũng rộng bằng, già bảo dân làng dừng lại chặt cây dựng nhà, phát cỏ làm đường, trồng lúa trồng mì sinh sống. Từ bấy đến nay, già trẻ gái trai chăm chỉ làm ăn, sinh con đẻ cái, yên ấm sống bên nhau đói no chia sẻ.
 
 
Mỗi lúc làng có công việc chung, trưởng thôn đánh kẻng, rồi bảo bọn thanh niên dán giấy thông báo lên cửa các quán bán tạp hóa trong làng của mấy hộ người Kinh, nhờ thêm mấy bà mấy chị nhắc bà con tối họp hành sinh hoạt. Mỗi dịp có lễ hội mừng lúa mới, mừng ngày giải phóng tỉnh, lễ cầu xin sự bình yên cho dân làng sau nhiều mùa vụ thất bát… bà con tha hồ rộn ràng tưng bừng, trang phục đẹp trang sức quý, rượu cần, lửa, thịt nướng, cơm lam, trống chiêng và xoang thâu đêm. Chủ khách ngây ngất trong men rượu và tình người hiếu khách nồng hậu. Hội tan chẳng muốn về, luấn quấn, bịn rịn và nhớ mãi.
 
 
Một chiều rảnh rang bạn ghé Plei Ốp, làng trong phố yên bình và đẹp như tranh.

Theo Báo Gia Lai