Những bước đi cụ thể trong xây dựng nông thôn mới

17/01/2011 07:39 AM


Sau nhiều lần triển khai thí điểm, năm 2010, Chính phủ đã ban hành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ảnh: K.N.B
Ảnh: K.N.B
Sau nhiều lần triển khai thí điểm, năm 2010, Chính phủ đã ban hành chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
 
Theo đó, NTM được lượng hóa theo 19 tiêu chí; công tác triển khai xây dựng NTM được cụ thể hóa thành 11 nội dung, 31 phần việc. Cơ cấu đầu tư xây dựng NTM đã được xác định theo tỷ lệ nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách chiếm 40%; vốn vay tín dụng 30%; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã 20%; nội lực của nhân dân đóng góp 10%. Đây là một tỷ lệ khá hài hòa, hợp lý trong điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam hiện nay.
 

Thời gian qua, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh đã tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh ban hành các quyết định về việc hướng dẫn xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 và phê duyệt danh sách xã xây dựng NTM của tỉnh Gia Lai giai đoạn 2010-2015. Theo đó từ nay đến năm 2015, toàn tỉnh sẽ triển khai xây dựng 45 xã nông thôn mới, theo 19 tiêu chí (mỗi đơn vị cấp huyện xây dựng 2 xã; riêng huyện Kbang do Trung ương chỉ đạo, xây dựng 13 xã).

 
 
Tuy nhiên để đưa công tác xây dựng NTM vào thực tiễn cuộc sống, cần có những bước đi, những việc làm cụ thể chi tiết hơn nữa.
 
 
Về đội ngũ cán bộ, theo ông Hồ Xuân Hùng- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, đội ngũ cán bộ giỏi về chỉ đạo nông nghiệp song làm phát triển nông thôn thì chưa có bài bản hệ thống. Đội ngũ cán bộ phát triển nông thôn chưa được đào tạo theo quy chuẩn, chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Thời gian tới cần phải có động thái chuyển dần cán bộ nông nghiệp sang làm phát triển nông thôn, có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ này cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Riêng đối với địa bàn Gia Lai, do những đặc thù về kinh tế- xã hội, đất rộng người thưa, địa bàn phức tạp, hạ tầng kém, dân cư nghèo, dân trí thấp nên công tác xây dựng NTM rất cần sự thấm nhuần của người dân, sự hiểu biết của cán bộ cơ sở.
 
 
Theo các chuyên gia, để làm tốt công tác xây dựng NTM trước mắt cần xúc tiến ngay một số công việc mang tính đột phá, trọng tâm. Cần củng cố đội ngũ cán bộ làm công tác phát triển nông thôn, đảm bảo đủ cán bộ có năng lực, đặc biệt cần có đội ngũ chuyên trách cho công tác này. Công tác rà soát quy hoạch phải đi trước một bước. Yêu cầu của công tác quy hoạch xây dựng NTM vừa phải thể hiện được ý chí của dân, của chính quyền cơ sở, vừa phải đảm bảo tính quy chuẩn theo các chế định đầu tư hiện hành. Công tác tuyên truyền về xây dựng NTM cần được chú trọng đúng mức, tạo sự đồng thuận giữa các ngành, các cấp và người dân. Hiện tại, Gia Lai có 186 xã thuộc khu vực nông thôn, nằm trong đối tượng phải quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn 2010-2015, Ban chỉ đạo của tỉnh đã chọn 45 xã trên toàn tỉnh (mỗi huyện, thị xã chọn 2 xã, huyện Kbang 13 xã) để triển khai làm trước. Toàn bộ hệ thống chính trị ở các cấp cần dốc sức làm tốt công tác xây dựng NTM tại các xã được lựa chọn để có cơ sở hình mẫu nhân ra diện rộng ở giai đoạn sau.
 
 
Công tác xây dựng NTM là một chương trình kinh tế-xã hội toàn diện trên địa bàn nông thôn, không phải là các dự án đầu tư đơn thuần. Vì vậy cần phải có cơ chế lồng ghép các chương trình kinh tế xã hội ở nông thôn, mọi nguồn lực đầu tư ở địa bàn nông thôn đều phải khuôn theo 19 tiêu chí về nông thôn mới. Ngoài ra cần  xã hội hóa các bước công việc trong quá trình xây dựng NTM, nhằm phát huy vai trò trung tâm của người dân nông thôn. Để triển khai tốt công tác xây dựng NTM, nhất thiết phải xây dựng và củng cố các tổ chức kinh tế-xã hội ở nông thôn như hợp tác xã, tổ hợp tác...
 
Đây là những tổ chức nòng cốt của người dân nông thôn nhằm chuyển tải các chế độ chính sách của Nhà nước đến người dân một cách chủ động, dân chủ, hiệu quả và bền vững nhất.
 
 

Theo Báo Gia Lai