Giữ nhịp cồng chiêng tương lai
05/01/2015 07:08 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ bao đời nay, tiếng cồng chiêng truyền thống của đồng bào Jrai ở Chư Pah luôn được các thế hệ trân trọng, gìn giữ bởi đó là nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những giá trị văn hóa đáng tự hào một thời đang dần nhạt phai bởi sự thờ ơ của một bộ phận thanh niên.
Từ bao đời nay, tiếng cồng chiêng truyền thống của đồng bào Jrai ở Chư Pah luôn được các thế hệ trân trọng, gìn giữ bởi đó là nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những giá trị văn hóa đáng tự hào một thời đang dần nhạt phai bởi sự thờ ơ của một bộ phận thanh niên. Trăn trở trước thực tế đó, Huyện đoàn Chư Pah đã tổ chức các lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh niên ở tất cả các làng, xã với mong muốn tiếp lửa để duy trì và phát huy không gian văn hóa đặc sắc ấy. Thức dậy sức sống cồng chiêng Anh Rah Lan Ven (Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Chư Pah)-một trong những người đề xuất thành lập các đội cồng chiêng thanh niên của huyện chia sẻ: Đã quen nghe các bài nhạc hiện đại nên để thuyết phục được các em đến học và tập luyện trong những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn. Để làm được điều đó, chúng tôi đã cùng các già làng uy tín đến từng nhà để vận động các bậc phụ huynh, dành nhiều thời gian để giúp các em hiểu ra ý nghĩa của việc học cồng chiêng. Giờ thì khác rồi, không cần chờ ai nhắc nhở, chỉ cần đến giờ tập là các em lại tập trung đông đủ đến nhà rông hoặc nhà của các nghệ nhân để học.
Để tạo niềm tin cho các thành viên của lớp học, huyện đoàn Chư Pah đã nhờ sự giúp đỡ của các nghệ nhân có uy tín, giỏi sử dụng nhạc cụ của từng làng, như: nghệ nhân Rơ Châm Hmút (làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka), Rơ Châm Uêk (làng Mrông Ngó 4, xã Ia Ka)… “Mới đầu, mình dạy bọn trẻ cách phân biệt, gọi tên từng chiếc cồng, chiêng trong một bộ. Sau đó, dạy cho chúng cách đánh sao cho đúng vị trí và giai điệu, cách chơi nhiều người cùng một lúc. Phải hướng dẫn tỉ mỉ, cầm tay hướng dẫn từng động tác để cho các em dễ tiếp thu nhanh, chứ thấy khó là chúng nản rồi bỏ học, tiếc lắm”-nghệ nhân Rơ Châm Hmút kể về những khó khăn trong việc hướng dẫn thanh niên chơi cồng chiêng. Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Rơ Châm Hmút đã tập hợp thanh niên trong làng đến nhà mình biểu diễn cho chúng tôi xem. Đúng như lời nói, trong trang phục truyền thống của người Jrai, những đôi tay uyển chuyển theo từng điệu nhạc, từng hồi trống dồn dập, từng nhịp chiêng vang vọng của bài Kơ Rum (thường đánh trong lễ đâm trâu) vang lên tạo thành bản nhạc rừng trầm hùng. Khi tiếng chiêng vừa dứt, gương mặt ai cũng rạng ngời niềm tự hào. “Ngoài lớp dành cho các em từ 16 đến 20 tuổi, mình còn nhận dạy thêm một lớp cồng chiêng cho các em từ 10 đến 14 tuổi. lúc đầu chỉ có vài đứa trẻ nhưng đến nay thì luôn duy trì số lượng khoảng 18-25 em”-ông Rơ Châm Hmút tự hào khoe. “Tiếp lửa” cho niềm đam mê Khi được hỏi “Học đánh cồng chiêng có khó không?”, anh Rơ Châm Tiu (thành viên đội cồng chiêng thanh niên làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) hào hứng cho biết: “Khó nhất là đánh chiêng cho đúng theo điệu nhạc để tránh lạc lõng với các thành viên khác trong đội. Lúc mới tập muốn bỏ cuộc vì khó quá, nhưng khi đánh thuần thục bài chiêng đầu tiên, mình lại muốn được học nhiều hơn”. Sau một thời gian chăm chỉ luyện tập dưới sự chỉ dẫn nhiệt tình của các nghệ nhân, đến nay, các thành viên của đội cồng chiêng đã có thể đánh thuần thục những bài chiêng truyền thống trong lễ Pơ thi, lễ đâm trâu… Những sự kiện, lễ hội do các cấp tổ chức, đội cồng chiêng thanh niên của các làng đều có mặt. Cũng như các đội của người lớn, đội cồng chiêng thanh niên cũng được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, ưu tiên trang bị đầy đủ các loại trống, chiêng, cồng… đó là nguồn động viên, khích lệ to lớn, giúp các em hăng say hơn trong việc gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Chính vì thế, mỗi lần đi biểu diễn, đội cồng chiêng của huyện luôn để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem và luôn giành giải cao. Tiếng cồng, chiêng truyền thống giờ đây lại tiếp tục được ngân nga trong các ngày hội lớn của làng. Sau những buổi làm việc vất vả, nhà rông của làng lại trở nên rộn ràng hơn bởi những tiếng cồng chiêng ngân vang. “Hiện nay, toàn huyện có 14/15 xã có đội cồng chiêng thanh niên. đây là một cách làm thiết thực để gìn giữ và tiếp nối truyền thống văn hóa của cha ông để lại”-anh Rah Lan Ven cho biết.
Theo Báo Gia Lai
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...