Gia Lai: Tăng cường phòng chống thiên tai, bão lũ

30/06/2014 07:21 AM


Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang bước vào mùa mưa lũ. Công tác phòng-chống thiên tai, bão lũ đang được các cấp, ngành và nhân dân địa phương đặc biệt quan tâm.

Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang bước vào mùa mưa lũ. Công tác phòng-chống thiên tai, bão lũ đang được các cấp, ngành và nhân dân địa phương đặc biệt quan tâm.

 

 

Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Tây Nguyên, do tác động của biến đổi khí hậu, mùa mưa năm 2014 ở Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng sẽ diễn biến bất thường, không theo quy luật thời tiết. Mùa mưa dự báo sẽ kết thúc muộn, lượng mưa xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, cần đề phòng lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất.
 

Đảm bảo an toàn hồ chứa là một trong những vấn đề đáng lưu tâm trong mùa mưa bão năm nay. Ảnh: Lê Hòa
Đảm bảo an toàn hồ chứa là một trong những vấn đề đáng lưu tâm trong mùa mưa bão năm nay. Ảnh: Lê Hòa

Nhìn từ những con số

Năm 2013, tỉnh Gia Lai chịu ảnh hưởng của 7 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới. Bên cạnh đó, còn xảy ra nhiều đợt lũ lớn, hạn hán, lốc xoáy, mưa đá… gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Gia Lai, ước giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra trong năm vừa qua là 75,71 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp là 50,654 tỷ đồng, giao thông 14,763 tỷ đồng, nhà cửa 2,333 tỷ đồng, thủy lợi 7,1 tỷ đồng… Cụ thể, hơn 4.376 ha lúa và hoa màu và hàng ngàn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi; 467 ngôi nhà bị hư hỏng, ngập lụt; 37 km đường bi sạt lở, hư hỏng… Đặc biệt, đã có 2 người chết, 1 người bị thương nhẹ do bão lũ.

Người dân vùng hạ du công trình thủy điện An Khê-Ka Nak thuộc địa phận các huyện: Kbang, An Khê, Đak Pơ, Kông Chro… vẫn chưa thể quên trận lụt chưa từng có trong lịch sử nhiều năm. Theo số liệu tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Gia Lai, do ảnh hưởng của cơn bão số 15 cộng với việc thủy điện xả lũ, mực nước lúc 19 giờ ngày 15-11-2013 là 410,15 mét, vượt báo động III là 3,65 mét, cường suất lũ 1,43 m/giờ. Lưu lượng đỉnh lũ là 3310 m3/s, lớn nhất trong chuỗi số liệu thực đo trong vòng 35 năm qua.

 

Nông dân Đak Pơ chuẩn bị đất gieo trồng sau trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Lê Hòa
Nông dân Đak Pơ chuẩn bị đất gieo trồng sau trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Lê Hòa

Ngoài ra, cũng trên hệ thống sông Ba xuất hiện các đợt lũ với biên độ từ 2,5-5m, đỉnh lũ phổ biến ở mức báo động II-III, có nơi trên báo động III như tại Ayun Pa lúc 21 giờ ngày 3-10-2013 đỉnh lũ là 157,05 mét (vượt báo động III là 1,15 mét)… Riêng kinh phí hỗ trợ cho các huyện, thị xã để khôi phục sản xuất, sửa chữa cơ sở hạ tầng bị thiệt hại do trận lũ lụt lịch sử này là 11,636 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian các tháng 3,4 và 5-2013 đã xảy ra lốc xoáy, mưa đá trên địa bàn một số huyện: Kbang, Đak Đoa, TP. Pleiku, Krông Pa… gây thiệt hại lớn về nhà cửa, hoa màu. Ước giá trị thiệt hại do mưa đá, lốc xoáy gây ra là 7,42 tỷ đồng, làm 1 người chết (do bị sét đánh ở huyện Krông Pa), 2 người bị thương, gần 222 ha cà phê bị giảm năng suất, 164 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, 1.300 mét đường giao thông nông thôn bị hư hỏng, sạt lở…

An toàn hồ chứa: Vấn đề không thể xem nhẹ

Sau trận lũ lịch sử hồi tháng 11 năm ngoái và việc công trình thủy điện Ia Krêl 2 bị vỡ đập ngay trong quá trình thi công tích nước đã gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn hồ chứa, trở thành chủ đề “nóng” thu hút sự quan tâm của dư luận bởi liên quan tới đời sống, sự an toàn của hàng ngàn người dân. Đây là một trong số vấn đề đáng quan ngại nhất trong mùa mưa bão năm nay ở tỉnh ta.

 

Nông dân Đak Pơ tận thu rau màu sau khi lũ lớn đi qua. Ảnh: Lê Hòa
Nông dân Đak Pơ tận thu rau màu sau khi lũ lớn đi qua. Ảnh: Lê Hòa

Gia Lai hiện có 99 hồ chứa nước thủy lợi và 39 hồ chứa nước thủy điện. Hiện tại có khoảng gần 20 công trình hồ chứa cần được nâng cấp, trong đó có 2 hồ đến kỳ kiểm định độ an toàn đập nhưng hiện chưa bố trí được kinh phí để thực hiện; toàn tỉnh mới chỉ có hồ thủy lợi Ayun Hạ đang thực hiện việc kiểm định. Ngoài ra, còn có 90 hồ chứa nhỏ (dung tích dưới 1 triệu m3) thuộc các công ty, đơn vị tự quản lý, khai thác hầu như chưa thực hiện việc kiểm định, kiểm tra thường xuyên. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, mất an toàn trong quá trình vận hành, khai thác.

Trước mùa mưa lũ năm nay, Ban chỉ huy Phòng-chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các cấp trong tỉnh đã tổ chức các đợt kiểm tra mức độ an toàn của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn yêu cầu các công ty quản lý, khai thác các công trình thủy lợi, thủy điện phải xây dựng quy chế phối hợp với địa phương trong việc vận hành xả lũ, tránh trường hợp như hồi giữa tháng 11-2013 gây thiệt hại nặng nề cho nhân dân vùng hạ du công trình thủy điện An Khê-Ka Nak…

Ông Nguyễn Văn Bảy-Trưởng phòng Thủy lợi (Chi cục Thủy lợi-Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh), nhận định: Để đảm bảo chủ động phối hợp tổ chức tốt công tác phòng, chống lụt bão theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, đảm bảo tốt nhất an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền các địa phương rất cần sự chủ động ứng phó với thiên tai của nhân dân.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2014 sẽ có khoảng 4-5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; khả năng xảy ra các cơn bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp và không theo quy luật khí hậu hoặc bão, áp thấp nhiệt đới xảy ra dồn dập trong thời gian ngắn. Khu vực miền núi và Tây Nguyên cần đề phòng xảy ra mưa lớn trong thời đoạn ngắn gây lũ quét, sạt lở đất.

Theo Báo Gia Lai