Pơ thi "trái mùa"

16/06/2014 07:58 AM


Giữa trưa hè tháng 6, bất chợt tôi nhận được cuộc điện thoại mời dự lễ pơ thi tại làng Glết 1 (thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ). Tôi thấp thỏm nhận lời, rồi tới thật sớm để xem một lễ pơ thi “trái mùa”…

Giữa trưa hè tháng 6, bất chợt tôi nhận được cuộc điện thoại mời dự lễ pơ thi tại làng Glết 1 (thị trấn Đak Pơ, huyện Đak Pơ). Tôi thấp thỏm nhận lời, rồi tới thật sớm để xem một lễ pơ thi “trái mùa”…
 

Đêm huyền diệu bắt đầu. Ảnh: Phương Linh
Đêm huyền diệu bắt đầu. Ảnh: Phương Linh

Trời về chiều, tia nắng cuối ngày rọi một màu hồng cam rực rỡ lên những đám mây bảng lảng nơi chân trời. Cách nơi làm lễ khoảng 300 mét, tôi đã thấy thấp thoáng mái liếp của ngôi nhà mồ mới toanh, xung quanh dân làng đã bắt đầu tụ tập. Hàng chục ghè rượu lớn nhỏ do mọi người đem tới được xếp thành hàng dài ngay lối vào, khói từ những bếp nấu nướng ngoài trời tan ra khiến không gian thêm phần mờ ảo…

Ngôi nhà mồ mới được hoàn thành, màu sơn vàng của bức tường bao xung quanh vẫn chưa kịp khô, trông nổi bật hơn hẳn so với chục ngôi mồ cũ kỹ, xập xệ ở phía sau nó. Phần mái cao vút như mái nhà rông được chính những người con trong gia đình tự tay đan liếp, sơn vẽ họa tiết tỉ mỉ trong hơn bốn ngày liền. Trước nhà mồ là cây nêu cao vút, trang trí cẩn thận, đẹp mắt. Bên trong nhà mồ, những đồ vật gắn liền với người đã khuất như gùi, quạt, giường chiếu, chăn màn, quần áo,… được cất đầy đủ, gọn gàng. Chỉ tiếc rằng, xung quanh nhà không còn là những tượng mồ-gợi nhớ đến sinh hoạt hàng ngày-do chính tay nghệ nhân trong làng đẽo gọt, duy nhất chỉ có hai bức phù điêu được sơn khắc sơ sài đặt cạnh lối ra vào. Chị Đinh Bơn-con gái thứ hai của người đã mất, cười buồn cho biết: “Bây giờ không có cây gỗ để đẽo nữa, trong làng cũng chẳng còn ai biết làm tượng nên chỉ có thể làm tượng trưng hai tấm trước cửa nhà mồ mà thôi”.

 

Nhà mồ mới có phần mái được làm công phu, tỉ mỉ. Ảnh: Phương Linh
Nhà mồ mới có phần mái được làm công phu, tỉ mỉ. Ảnh: Phương Linh

Với nhiều người trong làng Glết 1 thì đây hẳn là một lễ pơ thi lớn trong làng. Theo anh Đinh Beo-chủ nhân của lễ thì tất cả mọi khâu từ làm nhà mồ mới cho đến mua trâu, heo, gà, rượu đã tốn khoảng… 300 triệu đồng. “Ngày mai, chúng tôi sẽ thịt con trâu được mua tới 23 triệu đồng, còn hôm nay đã xẻ một con heo nặng tới 2 tạ rồi, ngày hôm trước cũng đã thịt một con heo nhỏ, ngoài ra còn có cả gà nữa. Rượu thì có khoảng 100 ghè, trong đó có tới một nửa là gia đình mua”-anh Beo nhẩm tính. Không chỉ thế, lễ pơ thi này còn có lượng khách mời khá đông đảo đến từ 4 làng lân cận và bà con từ 2 xã Yang Bắc và Ya Hội (huyện Đak Pơ), mỗi người tới lại xách theo một ghè rượu khiến hàng rượu cứ kéo dài thêm ra. Già Đinh Hrơi từ xã Ya Hội đến đây từ sáng sớm và cũng mang theo một ghè rượu thật lớn gật gù nói: “Chỉ có những gia đình có điều kiện mới làm lễ bỏ mả lớn thế này. Mình đã dự nhiều nơi rồi, như thế này là lớn lắm đấy”.

Lý giải thắc mắc của tôi vì sao lại tổ chức pơ thi “trái mùa” như vậy, chị Bơn chợt buồn buồn nói: “Nhà mình có 5 anh chị em nhưng đều đã ra ở riêng hết, không có ai chăm nom mồ mả cho cha. Trong khi đó, theo phong tục của người Bahnar, nếu người chết quá 3 tháng thì phải một năm sau mới được làm lễ bỏ mả nên gia đình mới làm gấp thế này”. Anh Beo cũng nói thêm rằng vì lý do gấp gáp nên lễ bỏ mả cho cha cũng khá đơn giản, nếu không còn to hơn nhiều. “Năm anh em trong gia đình mình làm lễ này là để chia lại của cải mà cha đã dành dụm khi còn sống. Cũng mong hồn ma của cha được siêu thoát, yên nghỉ và phù hộ cho con cháu được hạnh phúc, ấm no”-anh Beo ngậm ngùi.

 

Những ghè rượu đem tới được xếp thành một hàng dài. Ảnh: Phương Linh
Những ghè rượu đem tới được xếp thành một hàng dài. Ảnh: Phương Linh

Trời tối dần, chụp xuống không gian xung quanh một màu đen huyền bí. Đoàn người đi xung quanh nhà mồ đánh lên khúc cồng chiêng lúc trầm lúc bổng, vang vọng cả không gian. Khi chủ tế vừa dứt lời khấn, tiếng cồng chiêng cũng ngưng bặt thì tất cả mọi người cùng nhau ngồi sụp xuống, tay ôm mặt và cất lên những tiếng khóc thương tiếc cũng là tiếng khóc tiễn biệt với hồn ma của người đã khuất. Đoàn người từ khắp nơi vẫn tiếp tục kéo đến. Chiếc xe công nông chở bốn bồn nước lớn đã trở về, sẵn sàng đong đầy những ghè rượu, nồi lòng heo, nồi cháo sôi ùng ục đã được nhấc xuống, xiên thịt nướng cũng đã vàng ruộm, thơm lừng, sẵn sàng vào cuộc lễ. Trong đêm vọng (hrơi mut) này, bên ánh lửa chập chờn, làn khói lượn lờ ma mị, mọi người sẽ đắm chìm trong âm điệu cồng chiêng với vũ điệu xoang hoang dã, ngập tràn trong men rượu ngọt lừ với hồn ma cho tới tận sáng tinh sương hôm sau để rồi chia tay vĩnh viễn. Những hạt mưa lất phất, ánh trăng lẩn khuất sau những đám mây đen sì trên bầu trời sẽ là chất xúc tác tăng thêm sự huyền bí, ma mị cho đêm vọng-đêm huyền diệu nhất trong đời người…

 

Theo Báo Gia Lai