Thị trường bất động sản: Vẫn lặng như tờ

01/04/2014 10:12 AM


Khoảng lặng quá dài của thị trường bất động sản dường như đã làm cạn kiệt niềm tin về sự phục hồi của nó, dù rằng theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2014, bất động sản sẽ có những biến chuyển tích cực. Tại Gia Lai, thị trường này vẫn lặng như tờ. Gói 30.000 tỷ đồng hay 50.000 tỷ đồng vẫn chỉ là “chuyện thời sự” ở các buổi trà dư tửu hậu.

Khoảng lặng quá dài của thị trường bất động sản dường như đã làm cạn kiệt niềm tin về sự phục hồi của nó, dù rằng theo dự đoán của các chuyên gia, năm 2014, bất động sản sẽ có những biến chuyển tích cực. Tại Gia Lai, thị trường này vẫn lặng như tờ. Gói 30.000 tỷ đồng hay 50.000 tỷ đồng vẫn chỉ là “chuyện thời sự” ở các buổi trà dư tửu hậu.

Yên ắng ở tất cả các phân khúc

 

Khu cao ốc của Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Khu cao ốc của Tập đoàn Đức Long Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Theo thống kê chưa chính thức của cơ quan chức năng, số lượng đất nền đang được tung ra thị trường trên địa bàn tỉnh vào khoảng 1.800 lô và tất nhiên đang trong tình trạng ế ẩm. Nếu những năm trước, sự ế ẩm thể hiện rõ nhất ở phân khúc cao cấp thì từ năm 2013 đến nay, tất cả các phân khúc đều… ế. Các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Thương mại Vinh Quang I-Chi nhánh Gia Lai, Công ty cổ phần Tài chính và Phát triển Doanh nghiệp (FBS) tại Gia Lai, Công ty cổ phần Bất động sản VK.Highland, Hoàng Anh Gia Lai Group, Đức Long Group… cũng gặp khó từ đó đến nay, chủ yếu là khi có khách hàng, doanh nghiệp mới tiến hành xây-bán.

Trước tình hình đó, Hoàng Anh Gia Lai Group và Đức Long Group kịp thời chuyển đổi mục đích kinh doanh khu chung cư cao cấp. Được xây dựng vào thời điểm “vàng”, song cao ốc Hoàng Anh Gia Lai (cao 18 tầng với 160 căn hộ), sau 4 năm hoàn thành vẫn có số người mua và ở tại chung cư không nhiều, chỉ vài chục căn. Doanh nghiệp đã linh động giải quyết cho công nhân viên của Công ty hoặc các bác sĩ đang làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược Hoàng Anh Gia Lai. Cao ốc Đức Long cũng chịu chung tình trạng kinh doanh ỳ ạch. Cao 22 tầng (với tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng), Đức Long Tower từng là hy vọng sinh lời của doanh nghiệp. Song sau 2 năm đưa vào sử dụng, tòa cao ốc bề thế, hiện đại vẫn trong tình trạng đìu hiu. Trước lượng căn hộ bán ra một cách ì ạch, doanh nghiệp đã xin chuyển đổi công năng sử dụng. Hiện phần lớn của cao ốc đã được chuyển nhượng cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, số ít phòng còn lại được chuyển thành khách sạn.

Lượng nhà, đất được rao bán trong dân ở thời điểm này dễ thấy là một số lượng “khủng”. Thông thường, khi hàng hóa quá nhiều, giá cả sẽ phải hạ thấp để cạnh tranh. Song thực tế, giá nhà đất trên địa bàn TP. Pleiku vẫn không hề giảm. Và để “tậu” được một căn nhà vừa phải, đáp ứng vừa đủ nhu cầu của một gia đình công chức là điều vô cùng khó. Theo nhận định của chuyên gia, giá nhà đất hiện đang cao gấp 20 lần thu nhập trung bình người dân (trong khi ở các nước khác, giá một căn nhà chỉ cao gấp khoảng 7-8 lần thu nhập của người dân). Vậy nên, trên các trục đường cả chính lẫn hẻm trên địa bàn thành phố, nhan nhản các biển bán đất, bán nhà, cho thuê nhà… song ít có người hỏi tới.

Khi nào “băng” tan?

 

  Một dự án bất động sản đang trong tình trạng im lìm. Ảnh: Hà Duy
Một dự án bất động sản đang trong tình trạng im lìm. Ảnh: Hà Duy

Khi được hỏi câu này, hầu như không ai dám khẳng định một mốc thời gian cụ thể khi thị trường bất động sản vẫn như con rùa… đang ngủ với giá bán khá cao, trong khi đầu ra mờ mịt. Một nghịch lý đã tồn tại khá lâu là trên thực tế, nhu cầu nhà ở của người dân rất nhiều nhưng phân khúc bình dân này vẫn đang bỏ ngỏ. Vẫn còn hàng trăm khu nhà trọ đang phục vụ nhu cầu ở của cả cán bộ công chức lẫn người lao động chân tay. Rõ ràng, doanh nghiệp chưa hiểu rõ nhu cầu của khách hàng. Sự bế tắc của thị trường bất động sản hiện nay vốn chỉ là một phần, phần còn lại là đầu ra sản phẩm. Mấu chốt quan trọng nhất hiện nay vẫn là nhu cầu của khách hàng. Nếu doanh nghiệp có đất, có tiền đầu tư nhưng không có khách hàng thì không thể triển khai dự án.

Về gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng, đây là gói ưu đãi dành cho người dân mua sản phẩm nhà ở xã hội với diện tích nhỏ hơn 70 m2 và cho doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội với những điều kiện cho vay ưu đãi như kéo dài thời gian cho vay, mở rộng đối tượng được vay, tăng số ngân hàng tham gia cho vay... những tưởng sẽ có tác động khả quan, mạnh mẽ tới thị trường bất động sản, nhưng tới nay, cả người dân lẫn doanh nghiệp tiếp cận vào nguồn tín dụng này còn chậm. Phần vì doanh nghiệp không dám vay khi chưa thấy một tín hiệu sáng sủa nào, còn người dân thì chưa tìm được sản phẩm phù hợp với nhu cầu.

Cũng nhằm phá “băng” bất động sản, cuối tháng 3, Ngân hàng Xây dựng phối hợp với các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, ACB, MD Bank, LienVietPostBank… và Tập đoàn Thiên Thanh giới thiệu gói tín dụng hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản trị giá 50.000 tỷ đồng. Gói tín dụng này sẽ được các ngân hàng triển khai thông qua chuỗi liên kết xây dựng 4 nhà: ngân hàng người mua-chủ đầu tư-nhà thầu cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng-ngân hàng người bán. Tuy nhiên, điều đó đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, nhà thầu không cùng hệ thống này sẽ không được chọn, dẫn đến tình trạng độc quyền và những doanh nghiệp không tham gia gói này sẽ bị đẩy ra xa.

Theo tin từ một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh, nhiều ngân hàng đang dư thừa vốn và đang tiến tới giảm lãi suất. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta không thể hy vọng sự tác động đột phá vào thị trường bất động sản bằng việc hạ lãi suất. Và nếu có lạc quan tin vào việc phục hồi trước mọi nỗ lực hỗ trợ nhằm phá “băng” bất động sản thì sự phục hồi đó cũng chỉ ở phân khúc nhà giá rẻ.

Theo Báo Gia Lai