Quy hoạch phát triển giáo dục-đào tạo: Cần một tầm nhìn chiến lược
01/04/2014 07:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 28-3, Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức một Hội thảo khá quy mô để bàn đến vấn đề quy hoạch phát triển giáo dục-đào tạo tỉnh Gia Lai giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030. Nhiều mục tiêu chung cũng như mục tiêu cụ thể đã được đưa ra trao đổi thẳng thắn, tuy nhiên vẫn còn những ý kiến hoài nghi về tính khả thi của một số nội dung trong dự thảo.
Chiều 28-3, Sở Giáo dục-Đào tạo tổ chức một Hội thảo khá quy mô để bàn đến vấn đề quy hoạch phát triển giáo dục-đào tạo tỉnh Gia Lai giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030. Nhiều mục tiêu chung cũng như mục tiêu cụ thể đã được đưa ra trao đổi thẳng thắn, tuy nhiên vẫn còn những ý kiến hoài nghi về tính khả thi của một số nội dung trong dự thảo. Được nhìn nhận như là điểm tựa, là xương sống định hướng cho sự phát triển chung của toàn ngành, dự thảo “Quy hoạch phát triển giáo dục-đào tạo tỉnh Gia Lai giai đoạn 2012-2020, định hướng đến năm 2030” được xây dựng công phu với nhiều đề mục liên quan đến quy hoạch theo cấp học, quy hoạch mạng lưới trường lớp và quy hoạch đội ngũ cũng như các giải pháp phát triển…
Những mục tiêu dài hạn Theo dự thảo quy hoạch, trong giai đoạn 2012-2015 ngành sẽ tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi, tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số bậc mầm non; đầu tư nâng cấp, xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú, đào tạo học sinh dân tộc thiểu số chất lượng cao; tách các trường nhiều cấp học thành trường độc lập, xây dựng các trường chất lượng cao, xây dựng trường chuẩn quốc gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phát triển, sớm trở thành trường đại học tại Gia Lai; nâng cấp Trường Trung cấp Y tế Gia Lai thành trường cao đẳng … Trong giai đoạn 2016-2020 và 2030 tiếp tục thực hiện các mục tiêu của giai đoạn trước ở mức cao hơn, trong đó tập trung hoàn thiện hệ thống mạng lưới trường học các cấp, tăng cường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Dự thảo cũng đưa ra một số mục tiêu cụ thể như: hỗ trợ cho 100% học sinh khuyết tật đến lớp; đến năm 2020 trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 35% và năm 2030 đạt 50%; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường chất lượng cao để đến năm 2015 mỗi cấp học có 1 trường chất lượng cao “kiểu mẫu”; tỷ lệ số phòng học kiên cố các cấp học đạt 100% vào năm 2020; 100% trường có phòng học bộ môn vào năm 2030; có 40% huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học năm 2020 và đến 2030 đạt 90%; hệ giáo dục thường xuyên phấn đấu đến năm 2020 có 100% các huyện, thị xã, thành phố có trung tâm giáo dục thường xuyên hoạt động có hiệu quả... Về mạng lưới giáo dục-đào tạo, dự thảo quy hoạch hướng đến mục tiêu hoàn thành việc tách các trường tiểu học ra khỏi các trường PTCS, đảm bảo mỗi xã có 1 trường tiểu học, nâng số trường ở cấp học này từ 267 lên thành 300 trường vào năm 2020; phấn đấu có 250 trường THCS trên địa bàn tỉnh (hiện có 197 trường); nâng số trường THPT lên thành 47 trường (so với 40 trường trong năm học này)… “Cần xem lại một số nội dung dự thảo” TS. Trịnh Đào Chiến-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, nhận định: Xây dựng Đại học Gia Lai là một vấn đề rất lớn của tỉnh. Từ trước năm 2000, mục tiêu phấn đấu xây dựng Đại học Gia Lai đã được đưa vào Nghị quyết nhưng đến nay, sau gần 15 năm, vẫn chưa thành hiện thực. Quy hoạch nhưng không thực hiện rồi cũng không ai nhắc nhở. “Vậy có nên bỏ mục tiêu này ra khỏi dự thảo”-TS. Trịnh Đào Chiến băn khoăn. Ông Nguyễn Chớ-Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku, lại đặt câu hỏi: Có quá lý tưởng hay không khi đưa ra mục tiêu tách các trường nhiều cấp học thành những trường độc lập? Bởi lẽ, ở những địa bàn xa xôi, số lượng học sinh quá ít, nếu tách ra thì mỗi trường chỉ có… 2-3 lớp. Bên cạnh đó còn là vấn đề quỹ đất để xây trường học. Cũng theo ông Nguyễn Chớ, việc xây dựng mỗi cấp học có 1 trường chất lượng cao “kiểu mẫu” vào năm 2015 cũng cần phải bàn đến nhiều vì khái niệm trên còn khá mơ hồ, chưa có hình hài rõ nét. Với mục tiêu tăng cường dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku nêu thực trạng: Trên địa bàn thành phố hiện đang xảy ra một bất cập, đó là giáo viên tiếng Anh tiểu học thiếu nhưng không được tuyển thêm, trong khi giáo viên tiếng Anh bậc THCS thì thừa nhưng… không được chuyển xuống bậc tiểu học. Về vấn đề giáo dục dân tộc, bà Ksor H’Nga-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai-kiến nghị nên có lộ trình đầu tư cho các trường THCS DTNT để đạt chuẩn. Theo bà H’Nga, Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Ia Grai chuyển về địa điểm mới từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn hưa được đầu tư nhiều nên khó đạt chuẩn, diện tích phòng học nhỏ, trang-thiết bị còn rất thiếu thốn. Cũng liên quan đến chuyện cơ sở vật chất, ông Trần Văn Lượng-Hiệu trưởng Trường THPT Tôn Đức Thắng (Đức Cơ), cho rằng “đừng đẻ non” mà nên xây dựng có lộ trình, đầu tư cơ sở vật chất xứng tầm khi đưa ra mục tiêu nâng số trường THPT lên thành 47 trường vào năm 2020. “Trường chúng tôi chỉ có 10 phòng, phải dành 3 phòng làm việc, chỉ còn 7 phòng học. Trường có 8 lớp mà phải học 2 buổi/ngày mới đủ”-ông Lượng trình bày. Trong khi đó, ở mảng giáo dục thường xuyên, ông Thái Quang Tiệp-Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thường xuyên tỉnh-cũng bày tỏ hoài nghi với mục tiêu đến năm 2030 mỗi địa phương đều có một Trung tâm Giáo dục Thường xuyên hoạt động hiệu quả. “Điều này là rất tốt nhưng không biết có được không? Hay là lại theo phong trào ngành ngành quy hoạch, cả đất nước quy hoạch?” Kết thúc Hội thảo, Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Phạm Ngọc Thạch đã ghi nhận các ý kiến đóng góp, trên cơ sở đó sẽ hoàn thành quy hoạch và trình lãnh đạo tỉnh xem xét. Ông Phạm Ngọc Thạch cũng đề nghị các địa phương tùy theo điều kiện thực tế để đưa ra kế hoạch dài hơi từ nay đến năm 2015 và 2015-2020 về quy mô trường lớp, con người, quỹ đất.., sau này khi có quy hoạch chính thức của tỉnh sẽ có cơ sở triển khai tốt hơn.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024