Thăm làng cách mạng Hòa Bình

20/03/2014 07:29 AM


Làng Hòa Bình, xã Tú An, thị xã An Khê vốn có truyền thống cách mạng từ lâu đời. Trong những năm kháng chiến, dù đối mặt với đạn bom ác liệt và gian khổ trăm bề nhưng người dân Hòa Bình vẫn một lòng chung thủy theo Đảng và Bác Hồ, góp sức mình phục vụ cách mạng. Kết thúc chiến tranh, nhân dân làng Hòa Bình lại tiếp tục lao động sản xuất để đấu tranh với cái đói, cái nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

Làng Hòa Bình, xã Tú An, thị xã An Khê vốn có truyền thống cách mạng từ lâu đời. Trong những năm kháng chiến, dù đối mặt với đạn bom ác liệt và gian khổ trăm bề nhưng người dân Hòa Bình vẫn một lòng chung thủy theo Đảng và Bác Hồ, góp sức mình phục vụ cách mạng. Kết thúc chiến tranh, nhân dân làng Hòa Bình lại tiếp tục lao động sản xuất để đấu tranh với cái đói, cái nghèo và vươn lên trong cuộc sống.

Tôi đến thăm làng khi mặt trời đã đứng bóng. Tiếp chuyện với tôi dưới tán cây Sanh giữa buổi trưa nắng của Tây Nguyên tháng 3 lịch sử là già Đinh Rong, Đinh Xrứk và trưởng làng Đinh Dơn. Theo lời kể của mọi người, làng trước đây có tên gọi là làng Đê Hpin, song vì cách phát âm của từ Hpin gần giống với hai chữ Hòa Bình nên dần dần được mọi người gọi là làng Đê Hòa Bình. Trải qua bao thăng trầm của làng, cùng với sự biến thiên của thời gian, cuối cùng, làng được gọi tắt với cái tên là làng Hòa Bình.

 

Thỉnh thoảng, già làng, trưởng làng lại ngồi quây quần dưới các gốc cây lâu năm của làng để kể chuyện làm cách mạng của dân làng Hòa Bình. Ảnh: Hồng Thương
Thỉnh thoảng, già làng, trưởng làng lại ngồi quây quần dưới các gốc cây lâu năm của làng để kể chuyện làm cách mạng của dân làng Hòa Bình. Ảnh: Hồng Thương

Làng Hòa Bình nay được chuyển về nơi ở mới, cách làng cũ chừng 200 mét với 102 hộ và 746 nhân khẩu (101 hộ là người Bahnar). Trong những năm kháng chiến, dân làng Hòa Bình không những có công nuôi giấu cán bộ mà còn đóng góp sức người, sức của tham gia kháng chiến. Truyền thống ấy đã trở thành niềm tự hào của dân làng mỗi khi nhắc lại. “Hồi đó, nói làm cách mạng là dân làng mình ai cũng háo hức lên đường. Người đi bộ đội, người tham gia du kích, người nào ở nhà thì nuôi giấu cán bộ cách mạng và chăm chỉ sản xuất để hỗ trợ về lương thực. Ai có lúa thì hỗ trợ lúa, ai có mì thì hỗ trợ mì, ai không sản xuất thì xung phong đi nấu ăn cho bộ đội…”- Già Đinh Rong, một trong những dân quân du kích lâu năm của làng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tự hào.

Chiến tranh kết thúc, trở về với cuộc sống đời thường, người dân làng Hòa Bình tiếp tục đoàn kết để đấu tranh bảo vệ bình yên cho buôn làng. Hễ có người lạ vào làng là người dân nhanh chóng báo lên chính quyền để tránh kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền đạo trái phép hoặc gây ảnh hưởng xấu đến làng. Đồng thời, nhắc nhở con cháu sống và làm việc theo quy định của pháp luật, không vi phạm an toàn giao thông. Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn từ đó luôn được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

 

Những trục đường chính của làng đã được bê tông hóa sạch, đẹp. Ảnh: Hồng Thương
Những trục đường chính của làng đã được bê tông hóa sạch, đẹp. Ảnh: Hồng Thương

Tuy vậy, trên lĩnh vực đời sống, người dân làng Hòa Bình vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Sau giải phóng, đa phần dân làng Hòa Bình thuộc diện nghèo, hộ khá không có, nhà cửa tạm bợ, trường học chưa được đầu tư xây dựng, tình trạng thiếu đói vào những mùa giáp hạt xảy ra thường xuyên. Trong những năm từ 1986-2003, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, đời sống của người dân làng Hòa Bình phần nào được cải thiện, song việc thiếu đất sản xuất đã khiến cho cái đói, cái nghèo vẫn luôn hiện hữu ở làng.

Trước tình thế đó, năm 2004, UBND thị xã An Khê đã quy hoạch và vận động dân làng Hòa Bình chuyển về làng mới để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Có nhà ở ổn định, người dân làng Hòa Bình tập trung vào sản xuất, nhiều hộ từ đó đã thoát nghèo và có cuộc sống đủ đầy hơn trước. Đến năm 2009, làng chỉ còn lại 20 hộ nghèo.

 

Từ đó đến nay, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các Chương trình 134, 135 và những kết quả đạt được trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới mà đời sống của người dân Hòa Bình đã thay đổi rõ nét với những con số khá ấn tượng. Thu nhập bình quân đầu người 7 triệu đồng/năm; số hộ nghèo giảm còn 10 hộ; gia đình văn hóa có 45 hộ; hơn 700 mét trong tổng số 1 km đường trục chính của làng được bê tông hóa sạch đẹp; lớp học, nhà sinh hoạt của làng và nhà rông văn hóa cũng được xây mới; những ngôi nhà của bà con dột nát, tạm bợ nay đã nhường chỗ cho những ngôi nhà xây kiên cố, vững chắc…
 

Nhà Rông văn hóa và trụ sở làng đã được đầu tư xây mới khang trang hơn. Ảnh: Hồng Thương
Nhà rông văn hóa đã được đầu tư xây mới khang trang hơn. Ảnh: Hồng Thương

Song đến nay, điều khiến chính quyền xã Tú An và dân làng Hòa Bình trăn trở nhất vẫn là việc tồn tại của một số hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ cùng với việc thiếu đất sản xuất vẫn là nguyên nhân chính khiến cho cuộc đấu tranh đẩy lùi cái đói, cái nghèo ở làng gặp khó khăn. Ngoài trồng lúa rẩy, hiện cả làng chỉ có 50 ha mía, 10 ha mì, đất trồng lúa nước không có, trình độ tiếp thu và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của một bộ phận người dân còn thấp. Trong khi đó, làng không còn thuộc vùng 3 nên các chế độ hỗ trợ trước đây đều bị cắt giảm…

Nói về điều này, ông Từ Ngọc Hậu-Phó Chủ tịch UBND xã Tú An cho biết: Trong 5 năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ thị xã An Khê, sự giúp đỡ của chính quyền thị xã và xã Tú An, mà cuộc sống của người dân làng Hòa Bình đã khởi sắc hơn. Song, bên cạnh đó, những khó khăn mà dân làng Hòa Bình phải đối mặt vẫn còn nhiều. Thời gian tới, ngoài sự quan tâm của thị xã, UBND xã Tú An cũng sẽ sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách làm kinh tế, vận động nhân dân xóa bỏ những hũ tục lạc hậu để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, phấn đấu đến năm 2015, làng chỉ còn 5 hộ nghèo.

Tạm biệt làng ra về, thong dong trên những cũng đường trải rộng thênh thang, chiêm ngưỡng khu nhà mồ với những kiến trúc độc đáo nằm bên phải trục đường chính của làng mà tôi nhớ mãi câu nói của già làng Đinh Xrứk: “Sắp tới đây, 3 làng Hòa Bình, làng Nhoi và làng Pnang sẽ được UBND thị xã An Khê quy hoạch một khu đất xây dựng chung một nghĩa địa mới, cách xa khu vực ở của dân làng để đảm bảo vệ sinh môi trường cho bà con. Gìa cũng nghe nói, năm 2014, thị xã An Khê sẽ không hỗ trợ bằng tiền mặt mà sẽ hỗ trợ về cây, con giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật để bà con dân làng thay đổi phương thức sản xuất, chăm chỉ làm ăn, vươn lên thoát nghèo.

Như vậy, so với hồi mới giải phóng, làng mình no ấm hơn nhiều, trong làng, hầu như nhà nào cũng có ti vi và xe máy. Trẻ con thì được đến trường, người nghèo và hộ gia đình chính sách luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, làm kinh tế đã có cán bộ xã hướng dẫn… Hy vọng một ngày không xa, làng sẽ hoàn toàn thoát nghèo, người dân sẽ có cuộc sống no ấm và sung túc hơn”.

 

Theo Báo Gia Lai