Thành phố Pleiku với những bước phát triển đáng tự hào

17/03/2014 01:21 PM


39 năm kể từ sau ngày quê hương sạch bóng quân thù, Pleiku ngày càng khẳng định là một đô thị trẻ phát triển năng động bậc nhất khu vực Tây Nguyên. Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng tỉnh, Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN ĐÌNH TIẾN-Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku về những thành tựu đã đạt được cũng như mục tiêu, phương hướng trong thời gian đến để đưa thành phố phát triển nhanh và vững chắc.

L.T.S: 39 năm kể từ sau ngày quê hương sạch bóng quân thù, Pleiku ngày càng khẳng định là một đô thị trẻ phát triển năng động bậc nhất khu vực Tây Nguyên. Nhân dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng tỉnh, Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN ĐÌNH TIẾN-Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku về những thành tựu đã đạt được cũng như mục tiêu, phương hướng trong thời gian đến để đưa thành phố phát triển nhanh và vững chắc.
 

P.V: Ông có thể khái quát những thành tựu nổi bật mà Pleiku đã đạt được trong thời gian qua?

- Ông Nguyễn Đình Tiến: Pleiku là đô thị nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội của tỉnh Gia Lai. Với tổng diện tích tự nhiên hơn 26 ngàn ha và trên 22 vạn dân, 23 đơn vị hành chính xã, phường, Pleiku được biết đến là một thành phố trẻ và năng động với nhiều tiềm năng phát triển kinh tế. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, kinh tế Pleiku có điểm xuất phát thấp, đại bộ phận nhân dân sản xuất tự cung, tự cấp, cơ sở vật chất hầu như không có gì, giao thông chỉ có một số tuyến đường chính nhưng bị chiến tranh tàn phá nặng nề.

Từ một thị xã hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, quân và dân Pleiku bắt tay xây dựng lại từ đầu. Vượt qua khó khăn, Pleiku đã trở thành một thành phố trẻ năng động và giàu tiềm năng kinh tế-xã hội. Những năm qua, thành phố đã tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế, phát huy nguồn lực, đưa kinh tế tăng trưởng ngày càng cao với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm gần 15%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hàng năm tăng bình quân trên 20%. Năm 2013, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước liên tục gặp khó khăn song thu ngân sách của thành phố vẫn đạt 550,50 tỷ đồng.

 

Một góc Pleiku hôm nay. Ảnh: Lê Hòa
Một góc Pleiku hôm nay. Ảnh: Lê Hòa

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2013 đạt 44,03 triệu đồng. Đến nay, thành phố không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn 306 hộ, chiếm tỷ lệ 0,61% (theo tiêu chí mới giai đoạn 2011-2015). Cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm… luôn được quan tâm đầu tư xây dựng mới. Đến nay, thành phố có 100% đường nhựa đến tận trung tâm xã, 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư mở rộng, công tác chỉnh trang đô thị ngày càng được quan tâm. Các công trình hiện đại được xây dựng, như: khách sạn 5 sao, chung cư cao ốc của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Siêu thị Co.op Mart, Khách sạn Tre Xanh Plaza, khu vui chơi giải trí Đồng Xanh, hồ Diên Hồng, Làng văn hóa Plei Ốp... góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc, làm cho Pleiku có một vóc dáng mới ngày càng khang trang, hiện đại hơn. Thành phố tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho công tác kêu gọi thu hút đầu tư, hợp tác đầu tư từ bên ngoài để phát triển nhanh và bền vững, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của tỉnh.
 

Đường Nguyễn Tất Thành-tuyến phố kiểu mẫu của thành phố Pleiku. Ảnh: Lê Hòa
Đường Nguyễn Tất Thành-tuyến phố kiểu mẫu của thành phố Pleiku. Ảnh: Lê Hòa
Với những kết quả đạt được, TP. Pleiku đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Độc lập hạng nhì, ba, Huân chương lao động hạng nhất, nhì, ba và nhiều bằng khen của các bộ và UBND tỉnh..

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn các xã vùng ven. Trong năm 2013, thành phố đã hoàn thành 25 tiêu chí, nâng tổng số tiêu chí đã đạt lên 131/171 tiêu chí của 9 xã. Đến nay, đã có 3 xã (Biển Hồ, Diên Phú và An Phú) hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Cùng với các mặt tiến bộ xã hội nêu trên, công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được chú trọng; các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, y tế dự phòng được triển khai thường xuyên. Sự nghiệp giáo dục-đào tạo của thành phố tiếp tục được quan tâm đầu tư, đổi mới theo hướng toàn diện. Cùng với phát triển kinh tế-xã hội, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

P.V: Các mục tiêu cũng như giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian đến nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố phát triển, thưa ông?

 

- Ông Nguyễn Đình Tiến: Năm 2014 là năm thứ 4 thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015. Dự lường trước những khó khăn và thách thức, thành phố đề ra các mục tiêu nhằm thúc đẩy kinh tế-xã hội thành phố phát triển như: Nỗ lực phấn đấu đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2011-2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X đã đề ra, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý.
 

Phát triển hạ tầng du lịch được xác định là một trong những ưu tiên trong thời gian đến của thành phố. Ảnh: Lê Hòa
Phát triển hạ tầng du lịch được xác định là một trong những ưu tiên trong thời gian đến của thành phố. Ảnh: Lê Hòa

Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tập trung các nguồn lực đầu tư để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục-đào tạo, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bảo đảm ổn định an ninh chính trị, an ninh nông thôn và trật tự an toàn xã hội; kiềm chế có hiệu quả tai nạn giao thông, tội phạm ma túy…

Để triển khai hoàn thành các mục tiêu trên, trong thời gian đến, thành phố sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, cụ thể: Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển ổn định, bền vững. Cải thiện môi trường đầu tư, huy động va sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

 

Pleiku với lợi thế là cầu nối quan trọng với các quốc gia và trong khu vực, đang hình thành vóc dáng của một đô thị trẻ phát triển năng động bậc nhất Bắc Tây Nguyên. Ảnh: Lê Hòa
Pleiku với lợi thế là cầu nối quan trọng với các quốc gia và trong khu vực, đang hình thành vóc dáng của một đô thị trẻ phát triển năng động bậc nhất Bắc Tây Nguyên. Ảnh: Lê Hòa

Đặc biệt, thành phố sẽ tập trung triển khai lập điều chỉnh quy hoạch chung TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020, làm cơ sở triển khai nhiệm vụ phát triển thành phố trong thời gian đến. Tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị. Đảm bảo nguồn thu cân đối ngân sách địa phương; chi ngân sách đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển và các nhu cầu thiết yếu khác… Cùng với đó, thành phố sẽ phát huy tốt hơn nữa lợi thế cầu nối liên kết giữa khu vực cũng như các quốc gia (Việt Nam-Lào-Campuchia) để phát triển.

P.V: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Báo Gia Lai