Kon Pne nỗ lực vận động học sinh tới trường

11/03/2014 07:00 AM


Toàn xã Kon Pne (huyện Kbang) chỉ có một Trường Tiểu học Kon Pne dành cho cả ba cấp học: mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Những năm qua, chính quyền cũng như các thầy cô giáo luôn cố gắng, nỗ lực để vận động các em học sinh đến trường thường xuyên và đầy đủ.

Toàn xã Kon Pne (huyện Kbang) chỉ có một Trường Tiểu học Kon Pne dành cho cả ba cấp học: mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở. Những năm qua, chính quyền cũng như các thầy cô giáo luôn cố gắng, nỗ lực để vận động các em học sinh đến trường thường xuyên và đầy đủ.
 

Ảnh: Phương Linh
Ảnh: Phương Linh

Khi chúng tôi đến, Trường Tiểu học Kon Pne đang giờ ra chơi. Sau khi tiếng trống vào học vang lên, các em lại lục tục kéo vào lớp, trả lại khoảng sân vắng lặng vàng rực nắng, chỉ còn vọng ra từ các lớp học tiếng thầy cô giảng bài và tiếng học trò đánh vần răm rắp…

Năm học 2013-2014, toàn trường có 507 học sinh đều là dân tộc Bahnar, trong đó mẫu giáo có 103 em, tiểu học có 205 em, THCS có 199 em. Được biết, toàn xã còn tới 67,5% là hộ nghèo. Nhiều người vẫn còn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học con chữ nên các em nhỏ vẫn thường bỏ học để theo cha mẹ lên nương. Thêm vào đó, tính thụ động và tâm lý ngại ngùng vì học kém, chậm hiểu khiến các em học sinh chán nản dẫn tới bỏ học. Các thầy cô ở đây cho biết thêm, cứ tới khoảng thời gian khi ruộng bắt đầu vào mùa cấy, nương đến mùa trồng trỉa là trường học lại thưa thớt học sinh. Gần đây, nhiều học sinh nghỉ học để đi nhặt phân bò khô bán kiếm thêm tiền tiêu vặt khiến cho công tác dạy và học bị gián đoạn. Trước tình hình đó, nhà trường cũng như chính quyền xã đã có những biện pháp tuyên truyền, vận động, bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Thầy Đào Công Sâm-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “So với các năm trước thì năm học này tỷ lệ huy động học sinh tới lớp cao hơn rất nhiều. Cụ thể bậc tiểu học đạt trên 90%, bậc THCS đạt trên 70%. Độ tuổi khó vận động đến lớp nhất là các em THCS bởi ở độ tuổi đó, các em đã có thể bắt đầu phụ giúp gia đình”. Thầy Sâm chia sẻ thêm, các thầy cô ở trường thường xuyên tìm tới nhà để tuyên truyền và vận động phụ huynh. Nhiều lúc giáo viên phải dậy sớm, xuống từng thôn, từng nhà để chở các em tới trường. Ban đầu, phụ huynh phản ứng rất gay gắt vì họ thích con của mình ở nhà đi làm hơn là đến trường. Dần dần, nhờ các thầy cô kiên trì giải thích, bà con cũng thuận theo, thậm chí có người còn tự mình đưa con đến lớp.

 

Ảnh: Phương Linh
Ảnh: Phương Linh

Cô Nguyễn Thị Liên tâm sự: “Vì nhận thức của bà con cũng như của học sinh còn hạn chế nên chúng tôi thường xuyên phải trực tiếp đến nhà đưa các em đi học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải thường xuyên đổi mới cách dạy sao cho thật hấp dẫn, thú vị để tạo sự hứng thú cho các em, từ đó giúp các em yêu thích đến trường. Ngoài ra, cứ tới ngày 15 và 30 hàng tháng, giáo viên trong trường lại xuống họp làng cùng với bà con để tuyên truyền, vận động già làng và phụ huynh cho con em đi học. So với trước, suy nghĩ của bà con đã chuyển biến theo hướng tích cực rất nhiều”.

Đề cập đến trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận động học sinh đến lớp, ông Trương Văn Tư-Bí thư Đảng ủy xã Kon Pne cho biết: Chúng tôi phân công mỗi đảng viên phụ trách một làng để cùng kết hợp với các thầy cô giáo, các đoàn thể khác vận động bà con cho trẻ đến trường. Kết quả vận động sẽ là một trong những tiêu chí để chúng tôi đánh giá, xếp loại đảng viên. Cũng nhờ đó mà nhận thức của bà con ngày càng được nâng cao, số trẻ được đến lớp cũng ngày càng đông hơn.

Theo Báo Gia Lai