Hàng năm đồng khô chờ nước

19/02/2014 07:04 AM


Khi ánh nắng chói chang báo hiệu mùa khô đến, cánh đồng Kja rộng 200 ha của xã Chư Gu (huyện Krông Pa) lại đến thời kỳ khô hạn…

- Khi ánh nắng chói chang báo hiệu mùa khô đến, cánh đồng Kja rộng 200 ha của xã Chư Gu (huyện Krông Pa) lại đến thời kỳ khô hạn…

Trạm bơm điện tại tập đoàn 6, (xã Chư Gu) phập phù hoạt động. 3 km kênh mương dẫn nước chạy dọc cánh đồng không phát huy hiệu quả như thiết kế ban đầu. Dân xã Chư Gu ngóng nước trời để gieo trồng như thủa mới lập làng.

Có kênh, thiếu nước, đồng khô…

 

Kênh mương xuống cấp trầm trọng, không thể dẫn nước. Ảnh: Nguyễn Tú
Kênh mương xuống cấp trầm trọng, không thể dẫn nước. Ảnh: Nguyễn Tú

Krông Pa mùa này nắng, xuống khỏi đèo Tô Na đã nghe hơi nóng qua từng kẽ lá. Cánh đồng Kja trong thời kỳ hạn hán. Trên đồng trơ gốc rạ của mùa lúa trước, đất đai nứt nẻ, hơi nóng từ đất bốc lên muốn bỏng rát người, cỏ cây cháy khô, lác đác một vài bóng người đi lại. Ngồi tránh nắng dưới bóng cây, già Ksor Toét (buôn Ma Rúc) nói: “Nhà già có 3 sào đất trồng lúa, thu hoạch xong một vụ thì để không vì ruộng đồng thiếu nước, không cày cấy được. Mùa nắng này chỉ biết đi chăn bò thôi”.

Dõi đôi mắt về phía đàn bò đang gặm cỏ, Già Toét kể, từ thủa biết bắt cây lúa khô xuống nước cho năng suất ổn định. Già mừng, dân làng mừng. Nhưng cũng chỉ làm được một vụ lúa mùa, nhờ vào nước của Yàng. Đến khoảng năm 2009, sau khi trạm bơm nước và hệ thống kênh mương nội đồng dẫn nước xây dựng xong. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng nhân dân xã Chư Gu xuống đồng sản xuất vụ lúa Đông Xuân. Từ đó đến nay dân làng vẫn cứ gieo trồng một vụ lúa từ tháng 4 đến tháng 11. Mưa xuống thì làm đất, gieo trồng, thu hoạch xong bỏ trống đất, chờ năm tới. Nhà nào có rẫy thì lên rừng làm mì, nhà không có đất thì đi làm thuê xã khác hoặc ở nhà ăn chơi.

 

Đồng Kja vào mùa khô hạn, ruộng đất nứt nẻ, mỗi năm cấy được một vụ lúa. Ảnh: Nguyễn Tú
Đồng Kja vào mùa khô hạn, ruộng đất nứt nẻ, mỗi năm cấy được một vụ lúa. Ảnh: Nguyễn Tú

Cách chỗ già Toét ngồi không xa, một mương dẫn nước quanh co, chạy dọc theo cánh đồng. Trong mương cỏ cây chết khô vì nắng hạn, nhiều đoạn bị đất bồi lấp hoặc nứt vỡ khiến đá, vôi vữa đổ sụp xuống gây hư hỏng nặng.

Tại khu vực trạm bơm, sông Ba vào mùa khô rút nước trơ bùn đất bồi lấp điểm đặt ống hút, xung quanh cỏ mọc. Phía trên 3 máy phát điện bị rỉ sét nằm trên mấy giá đỡ, dây điện nối vào máy đã gỡ bỏ. Dưới sông, dân làng tập đoàn 6 tổ chức đánh bắt cá. Họ đánh cá bằng nhiều hình thức, có người già, lớp trẻ và trẻ con, nhiều nhất trong số đó là thanh niên. Siu Rét-cán bộ địa chính xã Chư Gu, người dẫn dường đưa chúng tôi đến trạm bơm điện duy nhất của xã ghé tai nói nhỏ: “Họ bắt cá để về chia nhau uống rượu đấy, không có việc làm mà”.

Trăn trở miền đất khát

Phó Chủ tịch UBND xã Chư Gu-Siu Thép cho biết, xã có 14 thôn làng, trong đó có 10 thôn người dân tộc Jrai và 4 thôn người Kinh. Tỷ lệ hộ nghèo của xã tương đối cao 37,3%, chiếm đa số là người dân tộc thiểu số. Sản xuất nông nghiệp ở đây chủ yếu là trồng lúa nước một vụ tại cánh đồng Kja. Những năm qua, UBND xã tập trung mọi nguồn lực, huy động sức dân, vận động cấp trên hỗ trợ vốn, vật nuôi và giống cây trồng mới có khả năng chịu hạn cao, nhằm phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, thiếu nước tưới luôn là vấn đề nóng bỏng nhất. Điều này, khiến mọi nỗ lực chuyển đổi cây trồng có khả năng chịu hạn của nhân dân trong xã bất thành, khát vọng vượt khó vươn lên như mơ.

 

Trạm bơm “đắp chiếu”, lãng phí tiền của Nhà nước.Ảnh: Nguyễn Tú
Trạm bơm “đắp chiếu”, lãng phí tiền của Nhà nước. Ảnh: Nguyễn Tú

Theo ông Siu Thép thì trạm bơm điện và hệ thống kênh mương được xây dựng từ năm 2009 nhưng hoạt động không hiệu quả là do: hệ thống kênh mương dẫn nước trên cánh đồng Kja khi thiết kế, thi công thiếu khoa học, không theo địa hình của đất, dẫn đến việc sau khi xây dựng xong, hệ thống kênh mương đã bộc lộ khuyết điểm lớn. Độ chênh lệnh giữa nơi cao và nơi thấp quá lớn khiến nước không thể tự chạy. Bên cạnh đó, việc thủy điện Hoàng Anh Gia Lai chặn dòng phía trên, tích nước cho máy móc hoạt động khiến sông Ba bị biến dòng, nước chảy xa khu vực trạm bơm. Đồng thời, việc xả nước điều tiết không đúng quy trình, khiến việc hút nước gặp nhiều khó khăn. “Mùa mưa, nước sông Ba dâng cao cuốn theo đất cát bồi lấp hoàn toàn ống hút dưới sông. Mùa nắng sông Ba biến dòng, nước sông xuống thấp, cách xa khu vực đặt ống hút. Hệ thống đường dây điện và máy điện không đủ công suất để chạy máy, phải dừng để sửa chữa, nạo vét nhiều lần. Từ đầu năm 2012 đến nay, trạm bơm dừng hoạt động hẳn”- ông Ksor Thép nói.

Trạm bơm điện và hệ thống kênh mương hoạt động không hiệu quả như thiết kế, gây lãng phí tiền của Nhà nước đã nhiều năm. Trong khi, chính quyền dường như bất lực và cái đói nghèo tiếp tục đeo bám người dân nơi đây. Có một tín hiệu đáng mừng mà mãi đến khi kết thúc buổi trò chuyện, Phó Chủ tịch UBND xã Chư Gu tiết lộ là: “Dự kiến tháng 4 tới, khi bắt đầu vụ lúa mùa mới, UBND huyện sẽ đưa trạm bơm từ cầu Hai lên lắp đặt tại xã. Nếu tận dụng được nguồn nước tưới thì mỗi năm có thể sản xuất từ 2 đến 3 vụ. Làm được điều này thì người dân nơi đây sẽ xóa được cái đói nghèo”.

Theo Báo Gia Lai