Mùa Xuân kể chuyện hiến đất xây dựng công trình

21/01/2014 07:27 AM


Họ là những con người bình dị, cuộc sống vẫn còn nghèo, nhưng khi cộng đồng cần thì sẵn sàng hiến đất để con đường rộng hơn, ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng đẹp hơn…

Họ là những con người bình dị, cuộc sống vẫn còn nghèo, nhưng khi cộng đồng cần thì sẵn sàng hiến đất để con đường rộng hơn, ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng đẹp hơn…

Để làng thêm đẹp

Chiều cuối năm, cái se lạnh của miền bán sơn địa làm cho ai đó phải kéo dài tay áo. Ngôi nhà của lão nông Dương Văn Phóng (ở thôn 2, xã Lơ Ku, huyện Kbang) rộn vang tiếng cười. Tôi ghé lại nhà ông, ghè rượu cần được đổ thêm một cang mới, ông mời tôi uống một cang và hồ hởi nói: “Hôm nay nhà mình hoàn thành việc hái bắp, trừ chi phí ra cũng được hơn 40 triệu đồng, thế là mời bạn bè, hàng xóm đến chung vui”.
 

Nhà văn hóa và trường học mới xây trên diện tích đất bà Má Thị Tuyên hiến. Ảnh: V.H
Nhà văn hóa và trường học mới xây trên diện tích đất bà Má Thị Tuyên hiến. Ảnh: V.H

Uống xong cang rượu, tôi hỏi chuyện hiến đất, ông bảo: “Có gì đâu, không có đường ra khu sản xuất nên mình hiến thêm ít đất để làm con đường cho rộng ấy mà”. Như không muốn để mình nằm ngoài câu chuyện, lão nông Dương Văn Thanh chen vào: “Giờ thì khỏe cái vai, cái chân nhiều lắm rồi. Chỉ có lo làm để có nhiều nông sản bán thôi. Cũng là nhờ có mấy con đường mới được mở ra đó...”. “Nhờ có con đường được bà con mở ra vài năm nay nên mình mới đưa xe máy, xe tải vô tận rẫy được. Trước thì chỉ có gùi trên vai, đưa được cả tạ cà phê này về nhà thì toát mồ hôi hột chứ dễ đâu...”-ông Phóng chỉ tay về phía rẫy xa.

Ông Phóng kể, rẫy của mình nằm ở đầu khu sản xuất Bãi Cháy. Nhờ gần đường nên xe chuyển nông sản từ rẫy về nhà không quá khó nhọc như những người có rẫy nằm ở giữa hay cuối khu sản xuất. Không so tính hơn thiệt, ông bàn với người em ruột hiến thêm vào một ít để có 2.400 m2 đất mở con đường vào khu sản xuất.
 

Chủ tịch UBND huyện Trần Vĩnh Hương cho biết:

“Ở huyện có rất nhiều hộ hiến đất, chính sức mạnh của cộng đồng đã làm cho nông thôn thêm phần khởi sắc”.

“Nghe tui nói chuyện mở đường bà con nửa tin nửa ngờ vì thấy tui cũng không giàu có gì lại bỏ đất ra nhiều quá. Nhưng khi nghe tui bàn chuyện 7 hộ khá hơn trong số 10 hộ này bỏ ra mỗi người 1 triệu đồng, còn tui với Dương Văn Đức, em trai tui, bỏ ra 8 triệu đồng gánh phần cho những hộ khó khăn để thuê xe làm đường thì bà con mới tin. Vậy là tui đến báo cáo với thôn-xã rồi đi kêu xe ủi xe múc đến làm liền. Cùng dựa vào nương rẫy mà sống, phải thương yêu, giúp đỡ nhau...”. Câu chuyện hiến đất trở nên sôi nổi hơn, những cang rượu cần cứ rót tràn qua miệng ghè, tiếng cười nói rôm rả của những người dân xen lẫn với tiếng xe chở nông sản đi trên con đường vừa được làm càng làm cho câu chuyện hiến đất trở nên ý nghĩa…

Chia tay Lơ Ku, theo đường Trường Sơn Đông tôi tiếp tục hành trình đến xã Tơ Tung. Cũng giống như ở Lơ Ku, chuyện hiến đất để làm con đường lớn vào khu sản xuất, vào mấy xóm nhỏ ở làng Nam Cao (xã Tơ Tung) cũng xuất phát từ tấm lòng vì cộng đồng.

Dẫn tôi ra cánh đồng, Trưởng thôn Nam Cao-Châu Minh Kiệt kể: “Mình rất vui khi nghe trên nói mở đường vào khu sản xuất, vào mấy xóm ở cuối làng. Thấy lũ nhỏ ở đó phải xắn quần lội bùn đi học thương lắm. Người làm ruộng-rẫy cũng khổ không ít vì khi thu hoạch phải thuê xe đầu kéo chuyển nông sản từng đoạn ngắn, đã tốn kém lại vất vả. Mình bỏ ra một ít đất nhưng người trong làng được lợi lâu dài...”. Chị Long Thị Bách đã hiến 400 m2 đất để mở đường. Noi gương chị, một số hộ trong làng thuận lòng bỏ ra mỗi người dăm bảy chục mét vuông đất cho con đường mở ra sự phát triển của làng quê.

Vì tương lai của con trẻ

Đường vào làng Suối Lơ (xã Tơ Tung) mới được trải bê tông. Trường mẫu giáo và nhà văn hóa làng đứng bên đường sáng rạng màu ngói, màu sơn. Kề trường mẫu giáo là một ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng. Đó là nhà của bà Má Thị Tuyên người đã hiến đất để xây 2 công trình nói trên. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng bà sẵn lòng hiến đến hơn 430 m2 đất mặt tiền đường liên thôn. “Có gì đâu, mình bỏ ra một ít đất mà được việc cho bà con trong làng”-bà Tuyên nói.

Theo người làng Suối Lơ, số đất của bà Tuyên hiến hiện nay giá ít nhất cũng khoảng 60-70 triệu đồng, trong khi chồng bà Tuyên bị bệnh tai biến mấy năm nay, do phải tốn tiền chữa bệnh cho chồng, gia đình bà xếp diện hộ nghèo.

Cũng ở Kbang, dưới chân dãy núi Ba Mõm sừng sững là làng Tơ Pang, xã Lơ Ku. Mới đây, làng xây dựng nhà văn hóa khang trang nằm ở bên đường. Phó Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-Dương Thị Thanh Xuân cho biết: “Tuy đất đai ở đây không đến nỗi thiếu nhưng để có đất ở vị trí đẹp để xây nhà văn hóa thì không dễ. Được cụ Đinh Khiêm tự nguyện hiến cho làng 300 m2, chúng tôi không còn lo nữa. Cũng như bà Má Thị Tuyên, người hiến đất xây nhà văn hóa làng Tơ Pang cho rằng, việc mình làm là không có gì đáng nói. “Mình một đời nhờ dựa vào rừng, vào làng. Nay bớt một ít đất để làm nhà văn hóa của làng thì có gì mà tiếc chứ. Mình cũng sống trong cái làng mà. Làng đẹp lên mình thấy sướng con mắt...”.

 

Theo Báo Gia Lai