Kinh nghiệm đưa học sinh dân tộc thiểu số ra lớp

17/01/2014 07:25 AM


Tại Hội thảo về “Tình hình học sinh dân tộc thiểu số bỏ học” do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào cuối tháng 12-2013, nhiều đại biểu đưa ra nhưng con số khiến nhiều người giật mình. Theo đó, năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 1.189 học sinh bỏ học. Riêng huyện Kbang, nơi có nhiều học sinh dân tộc thiểu số (chủ yếu Bahnar), số học sinh bỏ học thấp nhất, chỉ 80 em.

Tại Hội thảo về “Tình hình học sinh dân tộc thiểu số bỏ học” do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào cuối tháng 12-2013, nhiều đại biểu đưa ra nhưng con số khiến nhiều người giật mình. Theo đó, năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 1.189 học sinh bỏ học. Riêng huyện Kbang, nơi có nhiều học sinh dân tộc thiểu số (chủ yếu Bahnar), số học sinh bỏ học thấp nhất, chỉ 80 em.

Theo ông Nguyễn Tiến Bình-chuyên viên phụ trách mảng giáo dục tiểu học huyện Kbang, năm 2013-2014, toàn huyện có 15.079 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số là 8.116 em (chiếm hơn 50%). Kết quả trên không phải tự dưng đạt được mà là sự nỗ lực của cả một tập thể, ngoài ra là những phương án, chiến lược phù hợp với đặc thù địa phương. “Chúng tôi nhận thấy, nguyên nhân chính khiến học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn bỏ học là do phụ huynh vì hoàn cảnh khó khăn nên chưa ý thức được tầm quan trọng của việc học hành, vẫn còn quan niệm “cái chữ không làm no cái bụng”.

 

Thầy-cô giáo cõng học sinh qua đoạn đường khó khăn. Ảnh: Ngọc Linh
Thầy-cô giáo cõng học sinh qua đoạn đường khó khăn. Ảnh: Ngọc Linh

Bên cạnh đó, rào cản ngôn ngữ, lối sống, phong tục tập quán cũng khiến phụ huynh, học sinh tự ti, ngại tiếp xúc. Giải pháp của vấn đề này chính là ngoài công tác quản lý và chỉ đạo chuyên môn thì phải gần dân đồng thời phối, kết hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại”. Ông Bình cho biết.

Những người làm giáo dục huyện Kbang xác định, việc quan trọng, tiên quyết đó chính là gần dân. Phải gần dân thì mới có thể đối thoại, tuyên truyền vận động cho dân hiểu ý nghĩa của việc học. Để làm tốt việc này, giáo viên phải học thêm tiếng Bahnar là chuyện đương nhiên. Ngoài ra, mỗi khi xuống làng vận động, thầy cô còn phải mang theo một can rượu đầy.

Người nghĩ ra diệu kế này là ông Phạm Quốc Tuấn-Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đak Roong (xã Đak Roong). Nghe qua thì tưởng chừng là biện pháp phản giáo dục, phản khoa học song có một thực trạng là người Bahnar nơi đây vẫn đang tồn tại quan niệm coi rượu là thứ không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Cho dù là quen thân hay sơ, nhưng khi trò chuyện, tâm sự với dân làng mà không có chén rượu thì chẳng ai được xem là bạn.

Thế là, để trở thành bạn của dân, mỗi khi xuống làng vận động, các giáo viên trường Tiểu học Đak Roong lại lai theo từ 5 đến 10 lít rượu trắng. Tại đây, trong các cuộc giao lưu, những ly rượu cay nồng dường như đã phá tan mọi rào cản khiến giáo viên và dân làng gần gũi, thân thiện nhau hơn. Khi đã tạo được niềm tin với dân, giáo viên khéo léo yêu cầu phụ huynh ký vào bản cam kết phải tạo điều kiện tốt cho con em đến trường. Lúc này, vai trò của cán bộ xã rất quan trọng, họ sẽ là chứng nhân cho việc này. Và người Bahnar một khi đã hứa thì chắc như đinh đóng cột, không bao giờ thay lời.

Đầu đã xuôi, kế tiếp nhà trường chia nhóm giáo viên phụ trách từng làng để đưa đón các em qua những đoạn đường nguy hiểm; chăm lo cho các em miếng ăn, giấc ngủ tại trường; dạy các em biết gấp chăn, màn vuông vắn như trong quân đội đồng thời yêu cầu các em phải thực hiện việc này lúc ở nhà, tạo thói quen gọn gàng, ngăn nắp. Khi học sinh đau ốm thì cũng chính giáo viên là người thuốc thang, chăm sóc, nhiều thầy cô còn theo học sinh lên bệnh viện tuyến trên để chăm bệnh.

Từ những hành động thiết thực trên, dân làng đã cảm nhận được sự quan tâm chân thành của thầy cô giáo cũng như thấy rõ lợi ích của việc đi học nên luôn khuyến khích con em đến trường, không yêu cầu lên rẫy mỗi khi đến mùa vụ.

Theo Báo Gia Lai