Thúc đẩy nông nghiệp phát triển

15/01/2014 07:33 AM


Sau 5 năm thực hiện, Dự án cạnh tranh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (với 4 hợp phần chính là tăng cường công nghệ nông nghiệp, hỗ trợ liên minh sản xuất, cung cấp hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ dự án và tăng cường thể chế) tổng vốn đầu tư hơn 8,2 triệu USD chính thức kết thúc vào cuối năm 2013.

Sau 5 năm thực hiện, Dự án cạnh tranh nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (với 4 hợp phần chính là tăng cường công nghệ nông nghiệp, hỗ trợ liên minh sản xuất, cung cấp hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ dự án và tăng cường thể chế) tổng vốn đầu tư hơn 8,2 triệu USD chính thức kết thúc vào cuối năm 2013.

Trong 4 hợp phần trên-theo đánh giá của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, chủ đầu tư dự án thì hợp phần hỗ trợ liên minh sản xuất giữ vị trí hết sức quan trọng nhờ mối liên kết sản xuất và tiêu thụ nông phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp. Khơi dậy lợi thế này, từ nguồn vốn phân bổ 34,05% trong tổng vốn đầu tư của dự án, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) đã hỗ trợ thành lập 7 liên minh sản xuất cà phê, hồ tiêu, mật ong, nấm, bò, tiêu sọ tại các huyện Chư Prông, Ia Grai, Chư Sê…, tổng số hộ tham gia là 596 hộ.
 

Theo tính toán của cơ quan quản lý, một số liên minh sản xuất đạt mức lợi nhuận cao so với kế hoạch đề ra như liên minh sản xuất cà phê Chư Prông đạt 89,75%; liên minh sản xuất tiêu sọ Al Bá đạt mức 57,8%... Thực tế cho thấy dù doanh nghiệp tham gia liên minh thu mua bình quân 57,39% sản lượng nông phẩm nông dân sản xuất nhưng giá mua cao hơn mặt bằng chung của thị trường từ 200 đồng đến 1.000 đồng/kg cũng là động lực thúc đẩy nông nghiệp phát triển ổn định trong điều kiện khó khăn về đầu ra, giá bán nông phẩm bấp bênh hiện nay.

Động lực để nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định được nhân lên khi năng suất các loại cây trồng được chọn để xây dựng liên minh tăng, chi phí đầu tư giảm; sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn cạnh tranh thị trường nhờ tác động của công nghệ nông nghiệp. Điển hình là các mô hình áp dụng quy trình canh tác 3 giảm 3 tăng trên cây lúa, năng suất tăng 33,9% so với cây trồng không áp dụng quy trình này. Tăng cường ứng dụng công nghệ phòng trừ tổng hợp IPM trên cây cà phê giảm chi phí đầu tư từ 573 ngàn đồng đến 680 ngàn đồng/ha; chi phí thuê công lao động giảm từ 800.000 đồng đến 1.800.000 đồng/ha/vụ lại giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nhờ giải pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng.

Thông qua công tác tuyên truyền, chuyển giao công nghệ nông nghiệp vào sản xuất, đặc biệt là lồng ghép chương trình nâng cao kiến thức cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tất cả các hợp phần của dự án thông qua 27 lớp tập huấn với chủ đề kỹ thuật nuôi bò; thâm canh trồng cỏ; kỹ thuật IPM cho cây lúa, cà phê, cây tiêu, kỹ thuật ghép chồi cải tạo vườn cà phê…

Nhờ lượng kiến thức tiếp cận được đại đa số nông dân đã dần thay đổi tập quán sản xuất thông thường sang sản xuất lúa, rau sạch theo hướng Vietgap, tiêu sạch… để nâng cao chất lượng nông phẩm cung ứng cho thị trường tiêu thụ. Giá trị lợi nhuận và tính ổn định phát triển nông nghiệp tiếp tục được khẳng định khi nguồn vốn từ dự án gần 63 tỷ đồng đầu tư 32,63 km đường giao thông nông thôn tăng sức lưu chuyển hàng hóa, giảm 54,22% chi phí vận chuyển. Nâng cấp 1 hồ thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch 65,69%.

5 năm thực hiện dự án-thời gian chưa phải là dài, song việc thực hiện các hợp phần của dự án ít nhiều đáp ứng được nguyện vọng phát triển nông nghiệp theo hướng thị trường, ổn định có lợi của chính nông dân.  

Kết quả thực hiện Dự án cạnh tranh nông nghiệp đã được thực tế kiểm chứng. Tuy nhiên, làm gì để tiếp tục nhân rộng thành công các mô hình, các chủ đề đã được triển khai tại các huyện, xã trong vùng dự án; duy trì khả năng phát triển bền vững của các liên minh sản xuất sau khi dự án kết thúc, tạo đòn bẩy cho ngành Nông nghiệp phát triển bền vững, hiện đại là câu hỏi đặt ra. Giải quyết vấn đề này, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh đã chính thức kiến nghị Ngân hàng Thế giới, Bộ Nông nghiệp và PTNT, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục tài trợ dự án phát triển nông nghiệp bền vững cho Gia Lai.

Bên cạnh đó, các địa phương cần xem xét bố trí ngân sách tiếp tục thực hiện chương trình chuyển giao công nghệ nông nghiệp mới tại các địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ xây dựng liên minh sản xuất bền vững; hỗ trợ kinh phí bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nông thôn thiết yếu đã xây dựng từ nguồn vốn đầu tư của dự án.

Theo Báo Gia Lai