Mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp: Hướng đến phát triển hồ tiêu bền vững

04/11/2013 07:26 AM


Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh sâu bệnh hại hồ tiêu bùng phát khá mạnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Trong khi đó, do tiêu được giá khiến bà con ồ ạt mở rộng diện tích, càng làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát. Để giúp nông dân khắc phục tình trạng này, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã xây dựng và chuyển giao

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh sâu bệnh hại hồ tiêu bùng phát khá mạnh, nhất là bệnh chết nhanh, chết chậm, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Trong khi đó, do tiêu được giá khiến bà con ồ ạt mở rộng diện tích, càng làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và khó kiểm soát. Để giúp nông dân khắc phục tình trạng này, Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đã xây dựng và chuyển giao mô hình phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM trên cây hồ tiêu, bước đầu thu được kết quả khả quan.

Khoa Nông học (Trường Đại học Nông-Lâm Huế) là đơn vị trúng thầu, thực hiện chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân tham gia mô hình. Dự án xây dựng tại Chư Sê và Chư Pưh mỗi huyện 1 điểm trình diễn với diện tích 1 ha, có 5 hộ tham gia. Dự án đã tổ chức ba lớp tập huấn: 1 lớp tiểu giáo viên (TOT) và 2 lớp tập huấn hiện trường (FFS) cho nông dân nhằm nâng cao năng lực cho mạng lưới khuyến nông viên cơ sở và nhận thức của bà con về quản lý tổng hợp bệnh chết nhanh, chết chậm. Ngoài ra, dự án còn tổ chức hội thảo đầu bờ nhằm thông báo cho nông dân và các bên liên quan trong khu vực dự án về kết quả thành công của biện pháp quản lý tổng hợp bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu…

 

Tổ chức hội thảo tại vườn tiêu để người dân học tập kinh nghiệm. Ảnh: H.T
Tổ chức hội thảo tại vườn tiêu để người dân học tập kinh nghiệm. Ảnh: H.T

Anh Nguyễn Do-chuyên gia tư vấn của dự án cho biết: Vườn áp dụng mô hình quản lý tổng hợp tuy có xuất hiện bệnh chết nhanh sau mùa mưa nhưng tỷ lệ này tương đối thấp (2,5-4,8%), trong khi vườn đối chứng bị nhiễm 10-13,8%. Đối với bệnh chết chậm, nguyên nhân chủ yếu là do tuyến trùng, tiếp đến là rệp sáp và các loại nấm (Fusarium, Pythium...).

Việc áp dụng các biện pháp tổng hợp đã hạn chế sự phát sinh và lây nhiễm mới trên các vườn, bình quân tỷ lệ số trụ bị nhiễm 1,6-2,5% (trên mô hình) và 6,5-8,1% (đối chứng). Bên cạnh đó, đối với cây tiêu bị bệnh chết chậm, dự án đã áp dụng các biện pháp tổng hợp để trị và phòng ngừa lây lan. Có khoảng 75,5-82,1% số trụ bị bệnh đã phục hồi bộ rễ và phát triển tương đối tốt. Bón phân cân đối là một trong những biện pháp tổng hợp trong phòng trừ sâu bệnh hại.


Kết quả, mô hình tại huyện Chư Sê cho năng suất bình quân 6.124,5 kg/ha, cao hơn 11,3% so với vườn đối chứng (5.500,8 kg/ha); mô hình tại huyện Chư Pưh đạt 6.105,6 kg/ha, cao hơn 19,5% vườn đối chứng (5.111,4 kg/ha). Bình quân chung trên cả 2 huyện, năng suất các vườn mô hình cao hơn đối chứng 15,2%. Áp dụng mô hình quản lý tổng hợp bệnh hại đã làm tăng lợi nhuận 15,6-25,9%.


Khả năng tăng lợi nhuận là rất rõ ràng do chi phí thuốc hóa học giảm và giá bán sản phẩm sạch tăng, sự bền vững của năng suất hạt được kéo dài. Về môi trường, sản xuất hồ tiêu theo hướng quản lý tổng hợp làm giảm đáng kể lượng thuốc hóa học, hạn chế ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng các chế phẩm sinh học và bón nhiều phân hữu cơ đã bổ sung một lượng vi sinh vật có lợi cho đất, hướng đến phát triển hồ tiêu bền vững.


Đến thăm vườn tiêu của gia đình anh Nguyễn Văn Bảo (xã Kông Htok, huyện Chư Sê)-hộ được chọn thực hiện mô hình, chúng tôi thấy vườn tiêu khá xanh tốt, dây tiêu phủ kín trụ, báo hiệu vụ mùa bội thu. Anh Bảo phấn khởi cho biết: “Khi được chọn thực hiện mô hình, tôi tham gia các lớp tập huấn và triển khai trên 300 trụ tiêu và 300 trụ làm đối chứng. Trong quá trình thực hiện, tôi được cán bộ của Khoa Nông học (Trường Đại học Nông-Lâm Huế) hướng dẫn kỹ thuật. Mùa thu hoạch vừa qua, số trụ tiêu thực hiện theo mô hình đạt năng suất cao hơn đối chứng khoảng 15%; giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Năm nay dù mưa nhiều nhưng vườn tiêu của gia đình không bị chết trụ nào, nhiều hộ đã đến học tập kinh nghiệm và làm theo. Tôi đang nhân rộng sang số trụ tiêu còn lại”.


Ông Nguyễn Xuân Vỵ-Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp tỉnh thì nhận xét: “Quy trình IPM về quản lý bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu được xây dựng phù hợp với điều kiện sản xuất tại Gia Lai nên người dân dễ dàng áp dụng ngay tại vườn của mình. Mô hình đã thành công trong việc kiểm soát dịch hại, hạn chế bệnh lây nhiễm. Kết quả cho thấy, các vườn tiêu tham gia mô hình sinh trưởng, phát triển ổn định, năng suất cao hơn so với đối chứng. Các địa phương cần nhân rộng mô hình để sản xuất hồ tiêu bền vững”

Theo Báo Gia Lai