Triển vọng từ Dự án nông thôn miền núi
25/10/2013 07:16 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau hơn một năm thực hiện, Dự án nông thôn miền núi-Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi ở xã Trang, huyện Đak Đoa, nhiều mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả tốt và có thể nhân rộng.
Sau hơn một năm thực hiện, Dự án nông thôn miền núi-Xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi ở xã Trang, huyện Đak Đoa, nhiều mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả tốt và có thể nhân rộng. Ông Nguyễn Trường Sinh-Chủ tịch UBND xã Trang, huyện Đak Đoa cho biết: Đây là xã thuần nông đặc biệt khó khăn của huyện, gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ canh tác còn lạc hậu nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Để góp phần thay đổi cách nghĩ cách làm, nâng cao đời sống người dân, tiến đến xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững, huyện Đak Đoa đã đưa dự án xây dựng mô hình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn miền núi ở xã Trang.
Dự án triển khai trong 2 năm (2012-2013), với tổng kinh phí thực hiện 1,77 tỷ đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học Trung ương 700 triệu đồng, ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh 400 triệu đồng, nhân dân đóng góp 670 triệu đồng. Để ứng dụng thực hiện mô hình khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa đã phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai tổ chức 4 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi cho hơn 200 người dân tham gia; đào tạo 6 kỹ thuật viên cơ sở hỗ trợ kỹ thuật; tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm ở Đak Lak. Triển khai thực hiện mô hình trồng đậu phộng (giống L14, MD27) xen canh trong vườn mì, quy mô 10 ha cho 34 hộ dân, qua hội thảo đầu bờ, năng suất đạt khá cao 16 tạ/ha. Mô hình mang lại lợi ích kép cho người dân, vừa tạo thêm thu nhập từ cây đậu phộng, vừa có tác dụng cải tạo đất rất tốt, năng suất vườn mì cũng được nâng lên. Để cải tạo đàn bò địa phương, nâng cao hiệu quả kinh tế, trong năm 2012, dự án đã hỗ trợ 5 con bò đực lai cho 5 hộ người dân tộc thiểu số ở 5 làng (làng Breng, Krôl, Blưng, Kô, Ghe) có điều kiện và kinh nghiệm nuôi bò để phối giống lai cho đàn bò gia đình và các hộ trong làng, đồng thời, kết hợp với mô hình trồng cỏ VA-06 để phục vụ cho chăn nuôi bò. Dự án đã hỗ trợ cho các hộ trồng 1 ha và hiện 5 con bò đực giống đang sinh trưởng và phát triển tốt. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ người dân trồng được 6 ha bơ ghép; ghép cải tạo 6 ha diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp với tỷ lệ cây sống đạt 100%. Hỗ trợ giống, lưới, thức ăn cho 2 hộ người dân tộc thiểu số thực hiện mô hình nuôi cá trong ruộng lúa nước với quy mô 0,5 ha. Ông Blưch, ở làng Kô vui mừng: “Cá mới thả 5 tháng mà lớn rất nhanh. Dù không cần bón phân nhưng lúa vẫn phát triển tốt, không sâu bệnh, mình rất thích”. Ông Nguyễn Đình Hiệp-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết: Các mô hình đang thực hiện khá triển vọng, tạo được niềm tin trong nhân dân và khả năng nhân rộng khá cao. Trong thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tuyên truyền nhân rộng các mô hình trên địa bàn xã Trang cũng như cho các địa phương khác, góp phần đẩy nhanh mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024