Lợi ích từ giao khoán quản lý, bảo vệ rừng

22/10/2013 07:32 AM


Nhiều năm nay, 320 hộ dân tộc thiểu số ở 5 xã thuộc các huyện Mang Yang, Đak Đoa và Kbang có thêm thu nhập ổn định từ việc tham gia nhận giao khoán quản lý, bảo vệ 8.000 ha rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (xã Ayun, huyện Mang Yang). Đời sống của bà con không ngừng được cải thiện, quan trọng hơn là ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân xung quanh khu vực vùng đệm được nâng cao

Nhiều năm nay, 320 hộ dân tộc thiểu số ở 5 xã thuộc các huyện Mang Yang, Đak Đoa và Kbang có thêm thu nhập ổn định từ việc tham gia nhận giao khoán quản lý, bảo vệ 8.000 ha rừng của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (xã Ayun, huyện Mang Yang). Đời sống của bà con không ngừng được cải thiện, quan trọng hơn là ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của người dân xung quanh khu vực vùng đệm được nâng cao, từ đó giảm thiểu được tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy, khai thác rừng trái phép…

Cả làng giữ rừng

Sáng 17-10, anh Kuh-làng Hyêr, xã Ayun, huyện Mang Yang-dậy sớm hơn thường lệ để có mặt tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nghe cán bộ của Vườn tuyên truyền, hướng dẫn về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Cùng với 24 hộ khác, anh được trưởng thôn, già làng lựa chọn là đại diện cho 91 hộ dân của làng đến đây ký hợp đồng và nhận tiền giao khoán rừng. Tranh thủ trong lúc đang chờ đến lượt mình, anh Kuh cho biết: Theo danh sách thì diện tích anh nhận là 30 ha với số tiền là 1,5 triệu đồng/quý, lần này anh nhận 2 quý với tổng số tiền 3 triệu đồng. Tuy nhiên số tiền thực nhận của anh chỉ từ 450.000 đồng đến 500.000 đồng vì sau khi nhận tiền về sẽ nộp hết lại cho làng, sau đó chia đều tất cả các hộ.
 

Ảnh: Duy Lê
Ảnh: Duy Lê

“Nếu mình lấy hết số tiền đó thì số anh em khác không có tiền giao khoán sẽ đi phá rừng nên phải chia lại cho anh em, như vậy thì sẽ không phá rừng nữa. Nếu có phá rừng thì lúc đó mình mới nói được, đã nhận tiền người ta rồi mà, không phá được đâu”. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn đối với người cha 31 tuổi này là “giữ cho con cái mình sau này còn nhìn thấy được những cây to, nếu trong rừng không còn những cây to thì mưa lũ sẽ về”-anh Kuh chia sẻ thêm.  

Đại diện cho làng đến xác nhận việc nhận tiền giao khoán của các hộ dân, anh Ying-thôn phó làng Hyêr-phấn khởi cho biết: Làng Hyêr đứng ra nhận giao khoán bảo vệ 600 ha rừng với Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, với số tiền được chi trả là 120 triệu đồng/năm (200.000 đồng/ha/năm), được Vườn trả theo từng quý. Lần này, nhận cả 2 quý (quý I và quý II) là 60 triệu đồng, theo quy định của làng, số tiền này sẽ được chia đều cho tất cả 91 hộ dân trong làng vì ai cũng đều có trách nhiệm tham gia giữ rừng.

Theo anh Ying, làng đã chia những hộ này ra làm 5 tổ, mỗi tổ từ 15 đến 20 người để đôn đốc bà con trong làng kiểm tra thường xuyên đối với phần diện tích rừng đã nhận giao khoán để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những trường hợp xâm hại đến rừng. Ngoài ra, mỗi tháng 2 lần, làng đều cử ra 2 tổ phối hợp với cán bộ trạm kiểm lâm của Vườn tham gia tuần tra, kiểm tra, nhờ đó mà diện tích mà làng Hyêr đã nhận giao khoán từ trước đến nay không bị xâm hại, bị cháy hay bị lấn chiếm đất rừng làm rẫy…

Dân có thu nhập, rừng được bảo vệ

Ông Nguyễn Văn Hoan-Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh-cho biết: Từ khi chương trình giao khoán theo Quyết định 661 kết thúc, tháng 9-2012, Vườn chuyển sang chi trả tiền giao khoán rừng cho người dân từ nguồn Quỹ bảo vệ và phát triển rừng được hỗ trợ khoảng 6 tỷ đồng/năm. Hiện Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh thực hiện giao khoán đối với 320 hộ dân của 15 làng thuộc các xã Ayun, Đak Jơ Ta (huyện Mang Yang); xã Hà Đông (huyện Đak Đoa); xã Kon Pne, Đak Rong và Krong (huyện Kbang) với diện tích 8.000 ha, tổng kinh phí chi trả cho việc khoán quản lý, bảo vệ rừng là gần 1,8 tỷ đồng.

Việc giao khoán cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng không những giúp rừng không bị xâm hại, được bảo vệ tốt hơn mà người dân còn có thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống vì ở đây hầu hết là những làng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đây cũng là những hộ được trưởng thôn, già làng đề cử sau khi đã tổ chức họp dân bình xét, lựa chọn đứng ra ký hợp đồng nhận giao khoán với Vườn.

Trước mỗi đợt phát tiền cho những hộ nhận giao khoán này, cán bộ của Vườn, kiểm lâm phụ trách khu vực cùng người dân kiểm tra từng diện tích giao khoán, đồng thời phải có biên bản xác nhận, đánh giá lại thực trạng của rừng so với thời điểm trước khi giao khoán. “Đến thời điểm hiện nay thì diện tích rừng giao khoán của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh không bị xâm hại, không những bảo vệ tốt được diện tích rừng hiện có mà diện tích rừng còn có dấu hiệu tăng lên. Người dân nhận giao khoán, không phá rừng đã là một thành công rồi; thêm một thành công nữa là người dân trở thành tai mắt cung cấp thông tin cho mình để rừng được bảo vệ từ xa”-ông Hoan phấn khởi nói.
 

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Duy Danh
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Duy Danh

Chia sẻ thêm niềm vui với người dân, Giám đốc Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh còn thông tin thêm: Ngoài việc được hưởng lợi những nông sản phụ (củi khô, mật ong, nấm, măng, đót…), có thêm thu nhập từ diện tích nhận khoán, người dân còn được Nhà nước đầu tư cho cộng đồng thôn làng vùng đệm với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn làng/năm để đồng quản lý rừng đặc dụng. Theo ông Hoan, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng giai đoạn 2011-2020.

Trong năm nay sẽ có 20 làng thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh sẽ được hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng như: đường sá, nhà rông, giếng nước, tường rào, hỗ trợ phân bón, giống cây con để phát triển sản xuất, hệ thống phát thanh phục vụ cộng đồng… “Hiện tại chúng tôi đang triển khai và đã cho cán bộ của Vườn phối hợp với các làng tổ chức họp lấy ý kiến về nhu cầu của từng làng, sau đó sẽ lên kế hoạch cấp kinh phí triển khai thực hiện”- ông Hoan nói.

Theo Báo Gia Lai