Để các gói hỗ trợ phát huy hiệu quả

21/10/2013 07:59 AM


Tháo gỡ khó khăn về vốn, giải phóng hàng tồn kho, tìm đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Với tính chất đó, tỉnh Gia Lai đã tích cực chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ. Đặc biệt, việc bám sát sự chỉ đạo và điều hành của ngành Ngân hàng

Tháo gỡ khó khăn về vốn, giải phóng hàng tồn kho, tìm đầu ra cho sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Với tính chất đó, tỉnh Gia Lai đã tích cực chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ. Đặc biệt, việc bám sát sự chỉ đạo và điều hành của ngành Ngân hàng, của từng hệ thống trong khi thực hiện nhiệm vụ kế hoạch, các gói tín dụng hỗ trợ có ý nghĩa rất quan trọng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế (KT) , tác động tích cực đến hoạt động của DN.
 
Với Gia Lai, từ chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức lạm phát, đặc biệt là đối với 5 lĩnh vực, ngành KT ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; DN nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; công nghệ cao. Đến nay, lãi suất của các NHTM đã điều chỉnh giảm khoảng 3% so với đầu năm, lãi suất ngắn hạn chỉ còn 9%/ năm. Tính đến giữa tháng 10-2013, các NHTM đã cho vay mới đối với các nhóm lĩnh vực, ngành KT ưu tiên cho 15.240 khách hàng (309 DN) với dư nợ 3.550 tỷ đồng chiếm 10,7% tổng dư nợ trên địa bàn. 
 

 

Là tỉnh miền núi nên nông nghiệp nông thôn có ý nghĩa rất quan trọng đến sự phát triển của Gia Lai. Tinh thần này cũng nằm trong các chương trình cho vay ưu đãi. Do đó, các NHTM đã tích cực triển khai đầu tư vốn và dư nợ cho vay của các NHTM thuộc lĩnh vực này là 16.407 tỷ đồng chiếm 49,5% tổng dư nợ, tăng 14,9% so với cuối năm 2012. Trong đó, ngắn hạn là 10.949 tỷ đồng chiếm 66,7%; trung-dài hạn 5.458 tỷ đồng chiếm 33,3% với 214.757 khách hàng còn dư nợ (794 DN). 

 
Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây nguyên lần thứ II tổ chức hồi đầu năm tại Gia Lai, từ đề xuất của các tỉnh, ngân hàng nông nghiệp và PTNT các tỉnh trong khu vực, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đồng ý dành cho khu vực Tây Nguyên gói hỗ trợ 12 ngàn tỷ đồng cho vay tái canh cây cà phê (Gia Lai có 2.000 ha/tổng diện tích trên 70 ngàn ha) với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay trung- dài hạn 2%-2,5%/năm so với cùng kỳ và giao cho ngân hàng nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện. Sau quyết định quan trọng này, ngành ngân hàng, ngành Nông nghiệp và PTNT, chính quyền các địa phương còn phải phối hợp triển khai một loạt công việc trước khi đồng vốn được giải ngân. 
 
Tổng hợp, các chi nhánh NHTM đã tích cực triển khai cho vay 28 gói sản phẩm có lãi suất ưu đãi 7-9%/năm cho 1.377 khách hàng; trong đó có 182 DN với doanh số cho vay 1.890 tỷ đồng (trong đó DN là 1.590 tỷ đồng chiếm 84%). Ví dụ với Chi nhánh 
Sacombank Gia Lai là gói hỗ trợ cho vay bổ sung vốn kinh doanh, phát triển nông thôn lãi suất 3 tháng đầu là 8-10,5%/năm, cho vay tiêu dùng lãi suất tối thiểu 14%/ năm và cho vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh cá nhân, hộ gia đình trong lĩnh vực đầu tư phương tiện vận chuyển (vốn trung-dài hạn) tối thiểu với lãi suất 14,5% cho 331 khách hàng, dư nợ 51,845 tỷ đồng. 
 
Với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT, gói hỗ trợ đang thực hiện gồm: sản xuất, thu mua, chế biến, xuất khẩu hàng hóa nông sản thực phẩm và sản xuất kinh doanh các hàng hóa khác với lãi suất 9-11%; và nhập khẩu vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp, chế biến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa khác lãi suất 7-9%. Đã có 14 khách hàng DN tiếp cận với các gói hỗ trợ này, dư nợ 473,194 tỷ đồng. Trong khi đó, VCB Gia Lai triển khai gói hỗ trợ cho vay mua xe ô tô lãi suất 10% và cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh lãi suất 8-9% (VND) và 2,8-3,7% (USD) và 23 khách hàng (22 DN) đã được vay vốn, dư nợ 221,604 tỷ đồng…  
 
Đồng hành với các NHTM, với ý nghĩa phục vụ, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cũng đã cho vay với dư nợ đạt 2.554 tỷ đồng tăng 5,1% so với đầu năm. Vốn vay tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo, học sinh-sinh viên, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường, hộ nghèo xây dựng nhà ở, hộ cận nghèo…
 
Cũng cần nói thêm, ngoài những động thái tích cực trên, chấp hành sự chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các NHTM trên địa bàn cũng đã tiến hành rà soát điều chỉnh lãi suất các món vay cũ về mức tối đa 15%/năm cho 51.838 khách hàng. Trong đó, 1.116 DN với dư nợ được điều chỉnh là 15.681 tỷ đồng chiếm 99% tổng dư nợ lãi suất trên 15%/năm. Các NHTM cũng đang tích cực điều chỉnh lãi suất các món vay cũ về mức 13%/năm theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Khảo sát cho thấy, các NHTM đang áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 9-10%/năm và trung-dài hạn là 12-13%/năm. Đây là mức lãi suất có tính cạnh tranh cao và được điều chỉnh đến lần thứ 5 kể từ đầu năm đến nay.  
 
Hy vọng với việc chấp hành sự chỉ đạo và điều hành của ngành, của hệ thống và chính quyền địa phương, các NHTM trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ tích cực, kịp thời cho các đối tượng vay vốn, các DN nhằm vượt qua khó khăn hiện nay.

Theo Báo Gia Lai