Nhà nông trẻ xây dựng nông thôn mới
16/10/2013 07:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Họ là những cán bộ Đoàn năng nổ, có nhiều sáng kiến hay để phát triển phong trào Đoàn tại địa phương. Những “thủ lĩnh” thanh niên này còn là những người biết làm giàu. Đây chính là những “viên gạch đỏ” góp phần cùng với tuổi trẻ toàn tỉnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” do Tỉnh đoàn phát động.
Họ là những cán bộ Đoàn năng nổ, có nhiều sáng kiến hay để phát triển phong trào Đoàn tại địa phương. Những “thủ lĩnh” thanh niên này còn là những người biết làm giàu. Đây chính là những “viên gạch đỏ” góp phần cùng với tuổi trẻ toàn tỉnh thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” do Tỉnh đoàn phát động. Thủ lĩnh thanh niên làm kinh tế giỏi Nhà của nữ thủ lĩnh thanh niên Nguyễn Thị Vân (30 tuổi, ở thôn Tung Chrêh, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) nằm giữa sự xanh tươi trù phú của vườn tiêu, cà phê-hai loại cây trồng mang về lợi nhuận cho gia chủ 500-700 triệu đồng mỗi năm.
Trước nhà, những trụ tiêu sum suê, trĩu quả nối nhau chạy dài tăm tắp. Cạnh đó thêm vườn tiêu mới trồng đang vươn những dây mầm xanh tốt bám quanh thân trụ. Chị Vân nói: “Ngoài vườn cây đang cho thu hoạch, hàng năm mình xuống giống thêm từ vài trăm đến ngàn trụ mới”. Nhìn những trụ tiêu cao ngút, trĩu quả đủ thấy sự chăm bón kỹ càng của bàn tay con người. Thế nhưng mới cách đây 5 năm, chị Vân thừa nhận còn hoàn toàn xa lạ với loại cây cho thu nhập cao này. Chị kể: “Năm 2007, theo lời khuyên của người họ hàng, vợ chồng mình bán hết gia sản ở Đak Lak về Chư Pưh lập nghiệp. Toàn bộ số tiền 200 triệu đồng mình mua 2 ha đất nông nghiệp, trên đất có sẵn 700 trụ tiêu đang cho thu hoạch. Mặc dù lúc ấy hoàn toàn “mù” về cây tiêu nhưng vụ đầu tiên thu hoạch được 7 tạ đã cho mình nhiều hy vọng về cây trồng này”. Đó cũng là lý do khiến chị từng là người trồng cà phê nhưng khi đến vùng đất mới quyết định chọn cây tiêu để phát triển kinh tế. Chị Vân nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp: “Mình phải tìm đến những vườn tiêu đẹp trong vùng, lân la học hỏi kinh nghiệm. Một năm sau, mình vay ngân hàng 450 triệu đồng để mở rộng vườn tiêu. Cũng may là tiêu trồng đâu sống đó, ít sâu bệnh”. Cái “liều” của nữ thủ lĩnh thanh niên này chính là khát vọng làm giàu của một người có sức trẻ, có chí hướng. Khát vọng ấy giúp Vân vượt qua khó khăn chồng chất những ngày đầu gầy dựng sự nghiệp của một nhà nông trên vùng đất mới. “Ngày ấy không có tiền thuê người làm, hai vợ chồng hầu như quần quật suốt ngày trên ruộng vườn, mệt cũng không dám nghỉ”-chị Vân bộc bạch. Kết quả của những tháng ngày vượt khó ấy là gia sản với trên 5.000 trụ tiêu, 300 gốc cà phê. Anh Lê Văn Lực (29 tuổi) ở huyện biên giới Ia Grai lại có mô hình kinh tế đáng mơ ước với nhiều bạn trẻ. Với tổng diện tích đất 5,5 ha, vườn cây của Lực hội tụ đầy đủ những cây trồng đặc trưng cho hiệu quả kinh tế cao của vùng đất Tây Nguyên: trên 3.500 gốc cà phê, 2.000 trụ tiêu, 400 cây bời lời, 100 cây bơ sáp, 100 cây sầu riêng cơm vàng hạt lép, trên 100 gốc thanh long ruột đỏ… Ngoài ra, anh còn có 3 ao nuôi cá hàng năm cho thu hoạch trên 1 tấn cá thương phẩm, thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, anh đang có dự định “lấn sân” sang lĩnh vực chăn nuôi: “Mình vừa làm đề án chi tiết về mô hình nuôi dúi gửi Huyện đoàn. Nếu được duyệt, hỗ trợ giống và kỹ thuật, mình sẽ bắt tay ngay vào thực hiện mô hình nuôi dúi bởi thổ nhưỡng, khí hậu ở đây rất thích hợp để nuôi loài vật này”. Vì sao lại chọn nuôi dúi mà không phải con khác, anh giải thích: “Hiện rất ít người phát triển mô hình nuôi dúi dù đây là một “đặc sản” được thực khách rất ưa thích, nhà hàng cũng có nhu cầu lớn về nguồn cung cấp. Đây sẽ là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nếu thành công, tôi sẽ nhân rộng mô hình này, bày cách làm cho thanh niên địa phương”. Là người thích thể nghiệm, anh Lực luôn có ý tưởng và quyết định tiên phong trong những cái mới. Dẫn chúng tôi đi xem vườn thanh long ruột đỏ, anh kể: “Trước đây mình chỉ trồng toàn thanh long ruột trắng, tuy năng suất rất cao, mỗi gốc cho thu hoạch 20-30 kg nhưng quả có vị chua, nhiều người không thích. Một lần xem trên ti vi thấy có giống thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, mình quyết định trồng thử dù lúc ấy cả vùng chưa ai trồng. Không ngờ thành công khá dễ dàng, năng suất không thua kém giống ruột trắng, lại rất ngọt, ai ăn cũng thích”. Nhà nông trẻ xây dựng nông thôn mới Thành công trong các mô hình làm kinh tế của những thủ lĩnh thanh niên có sức ảnh hưởng lớn đến thanh niên địa phương, khơi dậy khát vọng làm giàu lập nghiệp trên đất quê ở nhiều bạn trẻ. Cô gái trẻ Siu H’Ka-làng Tung Chrêh bày tỏ sự khâm phục khi chứng kiến chặng đường đi đến thành công của nữ thủ lĩnh thanh niên Nguyễn Thị Vân. Thành công của chị đã có sự lan tỏa mạnh mẽ đối với thanh niên địa phương. Cô cho biết: “Thành công của Vân khiến nhiều thanh niên trong làng bắt đầu học hỏi”. Cô cũng cho rằng, lời nói của một thủ lĩnh thanh niên làm kinh tế giỏi luôn có sức nặng đối với đoàn viên thanh niên (ĐVTN). Vì thế, nhiều thanh niên địa phương sau những buổi sinh hoạt Đoàn, được hướng dẫn cách phát triển các mô hình kinh tế đã áp dụng làm theo.
Đảm trách vai trò Bí thư Đoàn của một xã đặc biệt khó khăn, ĐVTN chủ yếu là người dân tộc thiểu số, Nguyễn Thị Vân cho biết, lời nói luôn phải đi đôi với việc làm ĐVTN mới tin và làm theo. “Trong mỗi cuộc họp chi đoàn, mình thường truyền đạt kinh nghiệm phát triển kinh tế từ những cây trồng phù hợp với địa phương. Những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn muốn phát triển kinh tế từ trồng tiêu mình sẽ hỗ trợ miễn phí về giống”-chị Vân cho hay. Nữ thủ lĩnh này còn có sáng kiến giúp ĐVTN có cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Nguyễn Thị Vân chia sẻ: “Năm ngoái, mình phát động thanh niên trong xã đi hái cà phê thuê, tiền công thu được mua một con dê cái sinh sản. Thanh niên nào có hoàn cảnh khó khăn được nuôi trước để lấy dê con, sau đó chuyển dê mẹ cho người khác. Mùa thu hoạch cà phê năm nay, mình tiếp tục phát động thanh niên đi hái thuê lấy tiền mua thêm dê cho đoàn viên nuôi”. Thủ lĩnh Lê Văn Lực-Phó Bí thư Đoàn xã Ia Bă cho hay: “Giúp thanh niên phát triển kinh tế cũng là cách làm thiết thực để góp phần xây dựng nông thôn mới. Nhiều năm nay, Đoàn xã đứng ra tín chấp để thanh niên vay vốn ngân hàng, phát triển các mô hình kinh tế. Hiện số vốn do Đoàn xã quản lý là hơn 4 tỷ đồng. Nhiều thanh niên đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay này”. Được tạo điều kiện để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, ĐVTN cũng đồng thuận trong nhiều hoạt động Đoàn.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024