Triển vọng từ một dự án phát triển kinh tế - xã hội ở xã Yang Bắc

15/10/2013 03:38 PM


Bắt đầu từ cuối năm 2011, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội” do Tỉnh đoàn Gia Lai chủ trì, phối hợp với Trung tâm Công nghệ Sinh học Chăn nuôi (Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ) thực hiện tại xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ đã sắp kết thúc.

Bắt đầu từ cuối năm 2011, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội” do Tỉnh đoàn Gia Lai chủ trì, phối hợp với Trung tâm Công nghệ Sinh học Chăn nuôi (Phân viện Chăn nuôi Nam Bộ) thực hiện tại xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ đã sắp kết thúc. Sau gần 2 năm triển khai, dự án này đã thực sự mang lại một triển vọng mới cho vùng đất khó, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo, mạnh dạn làm giàu của thanh niên ngay trên mảnh đất quê mình.
 

Hỗ trợ bò lai cho người dân đầu tư dự án. Ảnh: Hồng Thi
Hỗ trợ bò lai cho người dân đầu tư dự án. Ảnh: Hồng Thi

Là một xã khó khăn của huyện Đak Pơ, Yang Bắc chịu ảnh hưởng của khí hậu phía Đông Trường Sơn khá khắc nghiệt, nguồn nước cực kỳ khan hiếm, nhất là trong mùa khô. Đây là địa phương thuần nông với trên 70% hộ nghèo, sản xuất nông nghiệp chủ yếu dựa vào hai cây trồng chính là mía và bắp; chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi bò lai vẫn chưa phát triển so với các vùng khác của huyện (dưới 10%). Do đó, Tỉnh đoàn đã quyết định chọn 5 làng tại Yang Bắc (Đak Yang, Klăh I, Klăh II, Kleo và Mông) để triển khai dự án với 3 mô hình: chăn nuôi bò lai Zebu sinh sản; trồng cỏ và ủ chua thức ăn; trồng mía thâm canh với giống K88-92 và R579. Tổng kinh phí thực hiện là hơn 1,2 tỷ đồng.

Anh Võ Anh Tuấn-Bí thư Tỉnh đoàn, cho biết: Thói quen chăn nuôi của người dân là hay thả rông, không chú trọng nhiều đến khâu chăm sóc, cung cấp cho bò khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Hơn nữa, Yang Bắc rất khó khăn về nguyên liệu thức ăn vào mùa khô nên bà con không dám nuôi bò lai. Vì vậy, dự án triển khai nhằm giúp người dân nơi đây thay đổi tập quán chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tất nhiên khâu tuyên truyền ban đầu để bà con thay đổi suy nghĩ cũng gặp những khó khăn nhất định.

Mô hình chăn nuôi bò lai Zebu được xây dựng bằng việc đưa nguồn gen bò cái lai từ bên ngoài vào đàn (23 con với khối lượng ban đầu trên 160 kg, tỷ lệ máu lai trên 50%, có giá 20,16 triệu đồng/con) để làm nền; bò đực lai (2 con, khối lượng ban đầu khoảng 250 kg, có giá 30 triệu đồng/con) nhằm phục vụ lai tạo giống với đàn bò nền hiện có tại địa phương. 25 hộ được chọn tham gia dự án là các đoàn viên thanh niên tích cực, có tinh thần học hỏi và đang nuôi ít nhất 1 con bò. Mỗi hộ được hỗ trợ 6 tấm tôn để sửa lại chuồng trại. Sau gần một năm, 25 con bò đều tăng trọng ổn định, trong đó có 1 bò cái đã sinh sản và 4 con đang mang thai.
 

Các giống cỏ trồng thử nghiệm tại Yang Bắc đều thích nghi và giữ gốc tốt trong mùa khô. Ảnh: Hồng Thi
Các giống cỏ trồng thử nghiệm tại Yang Bắc đều thích nghi và giữ gốc tốt trong mùa khô. Ảnh: Hồng Thi

Bên cạnh đó, triển khai kết hợp trồng thử nghiệm 4 giống cỏ VA-06, cỏ sả TD58, cỏ Mulato và cỏ Buzi cho 5 hộ (trong số 25 hộ nhận nuôi bò) trên diện tích hơn 4.000 m2; đồng thời hướng dẫn bà con ủ chua làm thức ăn cho gia súc. Theo đó, cỏ hoặc ngọn bắp, mía băm dài chừng 3-4 cm, phơi sơ để có ẩm độ 65-70%. Sau đó bổ sung các thành phần khác như rỉ mật, muối, men nấm sacharomyces… theo một tỷ lệ thích hợp (100 kg cỏ + 3 kg rỉ mật + 1 kg muối + 5 gAM men nấm), trộn đều rồi cho hỗn hợp ấy vào thùng phuy hoặc  bao ni lông, nén chặt và cột kín. Rỉ mật và men vi sinh được dự án hỗ trợ miễn phí. Đây là nguồn thức ăn dự trữ để cho gia súc ăn trong mùa khô.

Anh Đinh Văn Đều-một trong những hộ tham gia dự án, chia sẻ: “Xưa nay tôi và mọi người ở đây chỉ nuôi bò sẻ, khi bên Đoàn Thanh niên phổ biến dự án có nuôi bò lai, tôi không tin tưởng vì trước giờ ở Yang Bắc ít người nuôi mà con bò nó cũng chẳng béo tốt. Nhưng giờ thì tôi tin rồi, con bò cái nhà tôi đang chửa sắp đẻ, phát triển bình thường. Tôi cũng tham gia trồng cỏ và được các cán bộ hướng dẫn cho cách ủ chua. Giờ mùa khô, bò nhà tôi vẫn có đầy đủ thức ăn dự trữ. Tôi và các thanh niên trong xã phấn khởi lắm”.

Tính đến thời điểm hiện tại đã triển khai 2 đợt ủ cho 16 hộ chăn nuôi với 16.588 kg thức ăn xanh, có thể bảo quản từ 3 đến 4 tháng vẫn đảm bảo chất lượng. Các giống cỏ trồng thử nghiệm đều phát triển tốt; khả năng thích nghi và giữ gốc qua mùa khô trong điều kiện không tưới là 95-98% ở cỏ Voi và gần như 100% ở các giống còn lại. Sau khi có mưa, tất cả các giống đều tái sinh trưởng tốt. “Ngoài diện tích trồng ban đầu, hiện nay đã có thêm 6 hộ trồng với diện tích khoảng 700 m2. Chúng tôi cũng đang tiếp tục vận động các hộ khác tiếp tục trồng nhân rộng mô hình”- anh Tuấn cho hay.

Bên cạnh chăn nuôi bò lai, mô hình trồng mía thâm canh được tiến hành tại 10 hộ đoàn viên thanh niên thuộc làng Kleo, Mông, Klăh I, Đak Yang với tổng diện tích 5 ha, gồm 2 giống chính là R579 và giống mới K88-65. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 50% hom giống (R579), 100% hom giống (K88-65) trong mùa vụ thứ nhất và toàn bộ phân bón, thuốc trừ sâu, trừ cỏ trong 2 mùa vụ; được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc theo quy trình kỹ thuật mới. Mùa đầu tiên thu hoạch vào năm 2012 cả hai loại mía đều cho năng suất và chữ đường cao.
 

Anh Đinh Ký bên ruộng mía phát triển tốt của mình. Ảnh: Hồng Thi
Anh Đinh Ký bên ruộng mía phát triển tốt của mình. Ảnh: Hồng Thi

“Mía của tôi tốt lắm, tôi với anh bạn cùng tham gia dự án, đất sát nhau nên chúng tôi cùng trồng chung tổng cộng là 9 sào, thay nhau chăm sóc, làm cỏ. Mùa đầu tiên, chúng tôi bán được 45 triệu đồng đấy”-anh Đinh Ký, khoe.

Cũng theo đánh giá của Bí thư Tỉnh đoàn Võ Anh Tuấn, từ khi dự án được triển khai đến nay, không những đã giúp các đoàn viên, thanh niên địa phương ổn định cuộc sống mà còn giúp thay đổi nhận thức, cải thiện niềm tin của họ vào tổ chức Đoàn; tích cực tham gia dự án cũng như các hoạt động Đoàn tại cơ sở; nâng cao trách nhiệm của mình trong việc tham gia phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Theo Báo Gia Lai