Tiến độ triển khai các dự án xây dựng cơ bản chậm

07/10/2013 07:58 AM


Mặc dù tình hình kinh tế chưa ra khỏi suy thoái nhưng với sự chủ động nhất định, công tác đầu tư-xây dựng cơ bản (ĐT-XDCB) của tỉnh đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả nhất định. Tổng hợp đến ngày 15-9-2013, nguồn vốn ngân sách nhà nước giải ngân đạt 626,269 tỷ đồng, bằng 47,6% kế hoạch.

Mặc dù tình hình kinh tế chưa ra khỏi suy thoái nhưng với sự chủ động nhất định, công tác đầu tư-xây dựng cơ bản (ĐT-XDCB) của tỉnh đã được triển khai tích cực và đạt được những kết quả nhất định. Tổng hợp đến ngày 15-9-2013, nguồn vốn ngân sách nhà nước giải ngân đạt 626,269 tỷ đồng, bằng 47,6% kế hoạch. Trong đó, giải ngân khối lượng hoàn thành đạt 505,841 tỷ đồng, bằng 81% tổng số giải ngân. Cùng thời điểm, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân đạt 29,114 tỷ đồng, bằng 18,3% kế hoạch. Trong đó, thanh toán khối lượng hoàn thành là 29,144 tỷ đồng, bằng 100% tổng số giải ngân.

Tuy vậy, tình hình ĐT-XDCB 9 tháng qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tiến độ triển khai các dự án nhìn chung còn chậm so với kế hoạch, tỷ lệ giải ngân đạt thấp. Theo ông Trương Đăng Phước-Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh-nguyên nhân chủ yếu vẫn là vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và phải điều chỉnh dự án. Trong khi đó một số nhà thầu khó khăn về tài chính, chưa tập trung đầy đủ vật tư, nhân lực, thiết bị máy móc để tổ chức thi công theo kế hoạch tiến độ đã được ký kết hay thi công cầm chừng, dừng thực hiện hoặc chậm triển khai thi công. Tiến độ nhiều công trình chậm chạp, không có khối lượng thanh toán gửi đến Kho bạc Nhà nước nhưng chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa kiên quyết xử lý. Một số dự án dù đã có khối lượng nhưng chậm hoàn thiện lập hồ sơ thanh toán, thu hồi tạm ứng… khiến tỷ lệ giải ngân đạt thấp.
 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Từ những nguyên nhân trên nên toàn tỉnh hiện vẫn còn 11 dự án chưa đến giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh với tổng kế hoạch vốn 40,432 tỷ đồng. Trong đó có việc thu hồi nợ tạm ứng, nhất là nợ tạm ứng tồn đọng từ năm 2011 về trước; việc triển khai thực hiện của các chủ đầu tư chưa quyết liệt, phát sinh nhiều vướng mắc mà chưa được giải quyết. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ được phép kéo dài thanh toán từ kế hoạch vốn năm 2012 sang 2013 song đến 31-3-2013 vẫn còn đơn vị không kịp thanh toán hết.

Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân nguồn vốn đầu tư, các ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải vào cuộc quyết liệt hơn. Theo ông Phước, trước tiên là triển khai thực hiện kế hoạch ĐT-XDCB năm 2013 kịp thời, đảm bảo giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí theo kế hoạch, không để mất vốn và không gây nợ đọng XDCB. Chủ đầu tư, ban quản lý dự án tích cực đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, lập hồ sơ thanh toán khối lượng đã hoàn thành kịp thời để tăng tối đa tỷ lệ giải ngân vốn.

Cùng với đó là tích cực thu hồi nợ tạm ứng tồn đọng kéo dài từ năm 2011 trở về trước và số dư tạm ứng năm 2012, 2013 đối với các dự án có khối lượng, dự án đã thực hiện tạm ứng nhưng nhà thầu không thi công, dự án tạm ứng chưa thu hồi nhưng không sử dụng, các khoản tạm ứng cho phương án đền bù, giải phóng mặt bằng mà các đối tượng được đền bù không nhận theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Văn bản số 8697/BTC-ĐT ngày 4-7-2013 của Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý tạm ứng vốn theo chế độ quy định và Văn bản số 2370/UBND-KHTH ngày 22-7-2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý tạm ứng và thu hồi tạm ứng.

Đối với các dự án khởi công mới được bố trí kế hoạch vốn năm 2013 nhưng đến ngày 30-6-2013 chủ đầu tư chưa đến Kho bạc Nhà nước tỉnh mở tài khoản giao dịch thì đề nghị thu hồi vốn, cụ thể là dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên tại Gia Lai với số vốn 2,5 tỷ đồng. Các dự án được bố trí kế hoạch vốn năm 2013 (dự án chuyển tiếp và khởi công mới) mà chưa triển khai thủ tục để thanh toán như chưa chọn thầu, ký hợp đồng hoặc chưa nghiệm thu khối lượng hoàn thành… thì đề nghị cho thu hồi vốn. Riêng các dự án đến 30-6-2013 đã triển khai thủ tục thanh toán gồm chọn thầu, ký hợp đồng hoặc đã nghiệm thu khối lượng hoàn thành… nhưng chưa kịp gửi hồ sơ đề nghị Kho bạc Nhà nước tỉnh thanh toán thì cho được phép thanh toán. Tuy nhiên, chủ đầu tư phải có văn bản cam kết với Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch về những nội dung công việc đã làm và chịu trách nhiệm về việc đã cam kết với Kho bạc Nhà nước.

Nhấn mạnh đến nhiệm vụ rà soát các dự án đang thực hiện vốn cũng rất quan trọng, ông Phước cho rằng: Nếu dự án đã hết thời gian thực hiện, chủ đầu tư cần khẩn trương làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh để làm cơ sở cho UBND các cấp phân bổ chỉ tiêu kế hoạch cho những năm tiếp theo. Bên cạnh đó là chú trọng thực hiện cam kết chi qua Kho bạc Nhà nước trong thanh toán vốn ĐT-XDCB.

Theo Báo Gia Lai