Giúp học sinh dân tộc thiểu số bám trường
03/10/2013 07:33 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh bỏ học ở Trường THPT Anh hùng Núp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đã giảm đáng kể, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số. Chất lượng dạy và học từ đó cũng dần được nâng cao. Thành quả này, một phần nhờ vào sáng kiến kinh nghiệm của Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thuận được thể hiện trong đề tài
Những năm gần đây, tỷ lệ học sinh bỏ học ở Trường THPT Anh hùng Núp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) đã giảm đáng kể, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số. Chất lượng dạy và học từ đó cũng dần được nâng cao. Thành quả này, một phần nhờ vào sáng kiến kinh nghiệm của Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thuận được thể hiện trong đề tài: “Tổ chức huy động học sinh đến lớp, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng học sinh dân tộc thiểu số”. Năm học 2008-2009, Trường THPT Anh hùng Núp được thành lập trên cơ sở tách ra từ Trường THPT Kbang. Là trường thuộc địa bàn xã khó khăn, xa khu dân cư, đường sá đi lại khó, nhất là vào mùa mưa lũ nên đã ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của nhiều học sinh và phụ huynh. 100% học sinh của nhà trường là con em gia đình nông dân thuộc khu vực xã nghèo, thu nhập quá thấp, nhiều gia đình ít quan tâm đến việc học của con em mình. Phần lớn học sinh là con em dân tộc Bahnar (chiếm trên 40%) khả năng tiếp thu chậm do bất đồng ngôn ngữ.
Trong năm học 2008-2009, trường đã phải đối diện với tình trạng học sinh bỏ học, đặc biệt là học sinh dân tộc Bahnar. Hiệu trưởng Nguyễn Đình Thuận đã tìm hiểu và phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Sau khi khảo sát thực tế, thầy nhận thấy chủ yếu là do sự chênh lệch lớn về nhận thức giữa các em học sinh. Có nhiều em học sinh nhà xa nên phải trọ học, không có người quản lý, học sinh thiếu tinh thần tự giác nên đã trốn học, chơi game làm cho kết quả học tập giảm sút dẫn đến yếu kém, ở lại lớp nên bỏ học. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế quá khó khăn, địa bàn xa, không có phương tiện đi lại, nhận thức về vấn đề học tập của nhiều phụ huynh quá thấp, nhất là đồng bào Bahnar… Ngay sau khi tìm ra được những nguyên nhân, thầy Nguyễn Đình Thuận đã đích thân vào tận các thôn làng xin ý kiến của già làng, trưởng thôn về việc tách riêng lớp học Bahnar để có phương pháp dạy phù hợp và đảm bảo duy trì sĩ số. Theo đó, mỗi khối được chia thành 1 lớp học để tập trung bồi dưỡng phụ đạo riêng; học sinh học 2 buổi/ngày: sáng học chương trình chính khóa, buổi chiều phụ đạo, hướng nghiệp và bồi dưỡng nâng cao chất lượng cho các học sinh khá giỏi. Bên cạnh đó, trường xây dựng mô hình học bán trú vì còn dư 4 phòng học, nhà trường ưu tiên cho những học sinh dân tộc thiểu số ở xa trọ lại trường, một số khác được trường bố trí cho nghỉ trưa tại phòng học. Việc ăn ở của học sinh được bảo vệ và ban nền nếp, ban tự quản của nhà trường quản lý chặt chẽ. Nhà trường cũng thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phụ huynh để nắm bắt được mong muốn của phụ huynh, kể cả về chuyên môn để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Qua 5 năm thực hiện, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm xuống còn 7% (năm học 2008-2009 tỷ lệ học sinh bỏ học là 14%); tỷ lệ học sinh Bahnar đậu tốt nghiệp năm học 2009-2010 là 15/24 học sinh, năm học 2010-2011, 2011-2012 tỷ lệ là 100%. Điều đáng mừng hơn nữa là số học sinh Bahnar đỗ đại học, cao đẳng tăng lên hàng năm, đặc biệt năm học 2012-2013 có 10 em đỗ vào các trường đại học và nhiều em đậu các trường cao đẳng. Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Đình Thuận phấn khởi: “Quan trọng nhất là tìm ra được nguyên nhân thì sẽ có hướng giải quyết. Bây giờ Trường THPT Anh hùng Núp đã thực sự đứng vững trên vùng đất khó”.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024