Phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía phía Đông tỉnh

30/09/2013 06:54 AM


Mía là cây trồng chủ lực tại các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh với tổng diện tích đến thời điểm này trên 23.000 ha, năng suất mía bình quân đạt 50-55 tấn/ha. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và đơn vị thu mua mía thì năng suất mía bình quân khu vực phía Đông tỉnh vẫn còn thấp.

Mía là cây trồng chủ lực tại các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh với tổng diện tích đến thời điểm này trên 23.000 ha, năng suất mía bình quân đạt 50-55 tấn/ha. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn và đơn vị thu mua mía thì năng suất mía bình quân khu vực phía Đông tỉnh vẫn còn thấp.

Lý do, diện tích đất trồng mía không được đầu tư chăm sóc đúng mức, kỹ thuật canh tác mía theo lối quảng canh. Đặc biệt giống mía cũ, thoái hóa, năng suất đạt thấp như R570, R579 hiện chiếm tỷ lệ 63% diện tích vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, giống mía R570, R579 đã có biểu hiện nhiễm bệnh than đen và nhiều loại sâu bệnh hại mía khác nên tiềm ẩn nguy cơ phát tán mầm bệnh trên diện rộng; đến vụ lưu gốc thứ 2 thì năng suất mía đạt thấp, chất lượng mía nguyên liệu giảm ảnh hưởng thu nhập ổn định của người trồng mía.

 

Chăm sóc mía.
Chăm sóc mía.

Từ hiện trạng vùng nguyên liệu mía cho thấy phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía, đảm bảo thu nhập cho người trồng mía là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Giải quyết từng bước yêu cầu này, đơn vị đầu tư thu mua nguyên liệu mía, các cơ quan chuyên môn của thị xã An Khê đã triển khai giải pháp ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trên cây mía trồng theo phương pháp hàng đôi làm cơ sở tiến tới quy trình trồng mía rải vụ; cơ giới hóa khâu làm đất, trồng mía gắn với chuyển giao giống mía mới để phát triển vùng nguyên liệu mía theo chiều sâu, tăng năng suất, chất lượng mía nguyên liệu.

Ông Phạm Quang Tháp-thôn Kla, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ nói: Niên vụ 2012-2013, tôi trồng 25 ha mía. Do chưa có kinh nghiệm nên phải tìm hiểu kinh nghiệm trồng, chăm sóc mía từ các hộ trồng mía lâu năm. Tôi nhận được sự đầu tư của Nhà máy Đường An Khê về giống mía mới, áp dụng cơ giới và chế độ bón phân cho mía theo từng giai đoạn phát triển của cây mía nên năng suất đạt 100 tấn/ha. Trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi hơn 50 triệu đồng/ha.

Theo đánh giá của lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê, diện tích trồng mía áp dụng cơ giới, sử dụng giống mía mới đã qua khảo nghiệm như giống mía mới LK92 11, K95-156, K95-184… cho năng suất bình quân 75 tấn/ha, cá biệt có vùng đạt năng suất 100 tấn/ha; sản lượng mía tăng bình quân 15-20% so với hình thức canh tác thủ công. Niên vụ 2012-2013 toàn vùng trồng mới 680 ha, tăng gần 586 ha so với niên vụ 2009-2010 song lại chiếm tỷ lệ quá thấp so với tổng diện tích trồng mía hiện nay.

Vì vậy, Nhà máy Đường An Khê xác định mục tiêu mở rộng diện tích trồng mới. Giải pháp đi cùng là cơ giới hóa khâu làm đất; nhân rộng giống mía mới K88-92, LK92 11, K95-156, K95-184… đã đưa vào trồng thử nghiệm tại vùng phía Đông tỉnh, năng suất bình quân đạt 100-120 tấn/ha để thay thế hoàn toàn giống mía cũ thoái hóa R579, giảm cơ cấu giống mía R570 xuống còn 10% so với tổng diện tích mía thuộc vùng đầu tư, thu mua của Nhà máy. Đặc biệt là nhân rộng hiệu quả mô hình trồng mía xen đậu để tăng nguồn thu trên đơn vị diện tích đất canh tác.

Đề cập mô hình trồng mía xen đậu, Trưởng phòng Nguyên liệu Nhà máy Đường An Khê- ông Nguyễn Hoàng Phước khẳng định: Đây là mô hình không chỉ khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng thu nhập mà còn giúp mía phát triển tốt, năng suất tăng thêm 10% so với trồng mía độc canh.

Để nhân rộng mô hình trồng mía xen đậu, Nhà máy Đường An Khê sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và đầu tư cho nông dân trồng đậu nành xen với mía cung cấp sản lượng đậu nành đáp ứng yêu cầu hoạt động của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (đơn vị chủ quản của Nhà máy Đường An Khê) góp phần phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía khu vực phía Đông tỉnh theo hướng tăng năng suất bền vững đáp ứng công suất hoạt động của Nhà máy.

Theo Báo Gia Lai