Nông dân Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới
27/09/2013 07:49 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân đang tích cực phối hợp, triển khai, vận động nông dân phát huy vai trò chủ thể với cơ chế “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đẩy mạnh công tác vận động hội viên nông dân hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…
Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân đang tích cực phối hợp, triển khai, vận động nông dân phát huy vai trò chủ thể với cơ chế “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đẩy mạnh công tác vận động hội viên nông dân hưởng ứng phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”… Đặc biệt, trong thời gian qua, nhiều nông dân đã hưởng ứng tích cực bao gồm việc góp công sức, hiến đất, đóng góp trí tuệ, tiền của…
Phát huy vai trò chủ thể nông dân Xây dựng nông thôn mới “vừa là mục tiêu, yêu cầu của phát triển bền vững, vừa là nhiệm vụ cấp bách” của các cấp Hội và hội viên nông dân. Bởi thế, các cấp Hội tập trung tuyên truyền, tạo sự quyết tâm chính trị, đồng tâm, đồng thuận, phát huy tối đa sức mạnh bà con các dân tộc tại cơ sở, tích cực hưởng ứng, nhiệt tình chung tay tham gia xây dựng nông thôn mới.
Nhằm khẳng định nông dân là chủ thể trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội và từng hội viên của Hội Nông dân đã cụ thể hóa những nội dung, vai trò nhiệm vụ, từng bước triển khai, thực hiện các mục tiêu của mình trong lộ trình hướng đến xây dựng nông thôn mới. Trong đó những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội Nông dân đã và đang triển khai gồm: Tham gia ý kiến vào đề án xây dựng nông thôn mới và bản đồ quy hoạch nông thôn mới cấp xã. Lựa chọn, sắp xếp những công việc, mục tiêu, tiêu chí triển khai phù hợp với yêu cầu thực tế từng địa phương. Xem xét điều kiện kinh tế từng thôn, xã đưa ra các mức đóng góp phù hợp đối với các công trình công cộng. Tham gia vào việc giám sát các công trình xây dựng của xã và tổ chức quản lý, vận hành, sử dụng, bảo dưỡng các công trình sau khi hoàn thành. Để làm tốt những mục tiêu này, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của chương trình cũng như vai trò chủ thể của nông dân và cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai các phong trào trong nhân dân cũng được triển khai liên tục, đều đặn và rộng khắp, như các phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, phong trào “Đảm bảo quốc phòng-an ninh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”… đã được 222 cơ sở Hội trên 17 Hội Nông dân toàn tỉnh hưởng ứng tích cực, qua đó góp phần rút ngắn thời gian, hoàn thành đúng tiến độ xây dựng nông thôn mới. Cụ thể hóa bằng hành động Thời gian qua, nông dân đã khẳng định vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm hết sức cụ thể, thiết thực như: Góp ý quy hoạch, đóng góp hàng ngàn ngày công trong các công trình công cộng, hiến đất xây trường học và đường giao thông nông thôn… Điển hình như 23 hộ nông dân thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa đã nhất loạt đồng tình hiến đất mở đường, trong đó những hộ như ông Lê Đấy, đã hiến gần 500 m2 đất vườn, hộ Huỳnh Kim Phi cũng hiến hơn 350 m2 đất vườn, tất cả những hộ khác trong thôn nhất loạt nhổ cọc rào dời sâu vào sân nhà để hiến đất làm đường. Từ khi có đường giao thông qua thôn Thắng Lợi đã giải quyết được việc thông tuyến các đường giao thông nông thôn giữa 3 buôn trên địa bàn xã gồm: buôn Tang, buôn Thim và buôn Lúc. Còn tại buôn Hoanh, xã Ia Rbol, thị xã Ayun Pa, nhìn thấy cảnh khó khăn của con em trong buôn hàng ngày phải lặn lội trên 1 km để đến trường, nhất là những ngày mưa gió các em không thể đến lớp vì đường xá lầy lội. Trước cảnh đó, 3 nông dân của buôn trong đó giáo viên Nay Khơng cùng Trưởng thôn Ksor Nghe và già làng Nay Hoai đã hiến trên 500 m2 đất trong khuôn viên nhà mình để xây dựng một ngôi trường. Từ khi có trường các em trong buôn yên tâm học tập, thường xuyên bám lớp, bám trường, giảm thiểu được tình trạng các em bỏ học. Không chỉ từng cá nhân, chương trình xây dựng nông thôn mới được từng cơ sở Hội hưởng ứng mạnh mẽ như tổ dân phố 19, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện hiện có 3.750 mét đường bê tông nông thôn được triển khai theo chương trình Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trong đó nhân dân tổ dân phố 19 đã đóng góp gần 400 triệu đồng và trên 1.000 ngày công. Với hội trường nhà văn hóa, nhân dân đã đóng góp 300 triệu đồng mua 600 m2 đất và xây dựng hội trường diện tích 100 m2, một nửa tuyến đường giao thông nông thôn đã được lắp hệ thống điện chiếu sáng… Ông Đỗ Văn Luân-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tập trung những nhiệm vụ cụ thể như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để bà con nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Động viên nông dân hình thành vùng chuyên canh, củng cố và xây dựng hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp, hình thành đội ngũ công nhân nông nghiệp. Kêu gọi các nhà khoa học, trí thức gắn bó với nông dân để truyền thụ các tiến bộ khoa học, áp dụng nhanh vào đời sống và sản xuất. Phối hợp các ngành để đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, dạy nghề cho nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số”.
Theo Báo Gia Lai
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024