Chư Pưh: Nan giải bài toán nợ thuế

16/08/2013 07:19 AM


Với thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế như cà phê, hồ tiêu..., Chư Pưh có nhiều doanh nghiệp tư nhân và các cơ sở thu mua các mặt hàng nông sản, góp phần trong ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, năm 2013 việc thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt rất thấp, đặc biệt tình trạng nợ đọng thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đang ở mức báo động.

Với thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế như cà phê, hồ tiêu..., Chư Pưh có nhiều doanh nghiệp tư nhân và các cơ sở thu mua các mặt hàng nông sản, góp phần trong ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, năm 2013 việc thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt rất thấp, đặc biệt tình trạng nợ đọng thuế công thương nghiệp ngoài quốc doanh đang ở mức báo động.

Là huyện được chia tách chưa lâu, nhưng công tác thu thuế nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn Chư Pưh luôn ổn định và nằm trong tốp đầu của tỉnh. Kết quả này là nhờ vào nguồn thu chủ yếu từ hai loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao là hồ tiêu và cà phê.

 

Trong năm 2013, dự toán thu ngân sách tỉnh giao huyện Chư Pưh trên 63 tỷ đồng. Trong đó, tập trung chủ yếu là thuế ngoài quốc doanh và thu tiền sử dụng đất. Dự toán ngân sách HĐND huyện giao trên 65 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 7, ngành Thuế huyện Chư Pưh đã thu được trên 25 tỷ đồng thuế ngoài quốc doanh, đạt 49,6% kế hoạch tỉnh giao và 47,9% kế hoạch của huyện, thấp hơn rất nhiều so với những năm trước. Đặc biệt, năm nay xuất hiện tình trạng nợ thuế kéo dài (chủ yếu thuế giá trị gia tăng VAT) dù công tác thu ngân sách trên địa bàn các xã, thị trấn đều đạt các chỉ tiêu thu đề ra.

Theo thống kê của Chi cục Thuế huyện Chư Pưh, đến nay các doanh nghiệp và cơ sở đăng ký kinh doanh trên địa bàn huyện còn nợ tiền thuế lên đến 16 tỷ đồng (nợ tiền thuế 14 tỷ đồng, còn lại là tiền phạt). Đây là con số nợ thuế cao nhất từ khi thành lập huyện đến nay. Cá biệt, nhiều doanh nghiệp nợ vài tỷ đồng đang đứng trước nguy cơ phá sản.

Nguyên nhân nợ thuế kéo dài trong thời gian qua xuất phát từ việc thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh hàng nông sản diễn ra phức tạp. Tình trạng thu mua hàng nông sản vận chuyển ra khỏi địa bàn mà không có hóa đơn, chứng từ xuất hiện nhiều. Các doanh nghiệp cấu kết với nhau mua bán lòng vòng qua nhiều khâu trung gian.

Đặc biệt, doanh nghiệp ngoài huyện vào tranh mua với mức giá cao và cố tình không xuất hóa đơn VAT, hoặc lấy hóa đơn của các đơn vị ngoài huyện để khấu trừ đầu vào gây thất thu cho ngân sách huyện. Bên cạnh đó, giá hồ tiêu và cà phê còn thấp nên người dân vẫn chưa bán ra. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch kinh doanh của các đơn vị. Rủi ro về thuế rất lớn…

Trước thực trạng phát sinh nợ đọng thuế của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn, nhiều đơn vị không nộp thuế đúng hạn, UBND và ngành Thuế huyện Chư Pưh đã đưa ra nhiều giải pháp mạnh từ nay đến cuối năm như thường xuyên kiểm tra hồ sơ khai thuế của các đơn vị. Thực hiện quy trình cưỡng chế theo đúng các quy định của Chính phủ. Đôn đốc xử lý một số đối tượng nợ thuế trên 90 ngày để bù vào nguồn ngân sách.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Chư Pưh- ông Huỳnh Văn Minh bộc bạch: “Mọi năm trước, đến giờ công tác thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt từ 90% trở lên. Tuy nhiên, năm nay đến giờ mới chỉ đạt con số xấp xỉ 50%. Trước thực tế này Huyện ủy và UBND huyện cũng đã đề ra những giải pháp thiết thực, cụ thể về quản lý thu thuế kể cả trong quá trình vận chuyển lưu thông, nhưng kết quả vẫn chưa như mong đợi. Vì vậy, công tác thu ngân sách năm nay trên địa bàn huyện rất khó hoàn thành kế hoạch
đề ra”.

Nợ đọng thuế 16 tỷ đồng là một con số quá lớn với một địa phương vừa mới thành lập được chưa lâu. Nếu không giải quyết được thì công tác thu ngân sách trên địa bàn huyện sẽ khó đạt các chỉ tiêu được giao.

Theo Báo Gia Lai