Xã tảo hôn dưới chân núi Chư Mom Ray
13/08/2013 01:08 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sống ở Tây Nguyên đã lâu, lặn lội ở Kon Tum đã nhiều nhưng chưa thấy nơi nào tình trạng tảo hôn nhiều như ở Rờ Kơi. Đặc biệt, tháng 6-2013 có một trường hợp kết hôn khi cô gái mới 15 tuổi... Câu nói của anh bạn tôi đang công tác ở huyện Sa Thầy khiến tôi tò mò tìm đến xã Rờ Kơi...
Sống ở Tây Nguyên đã lâu, lặn lội ở Kon Tum đã nhiều nhưng chưa thấy nơi nào tình trạng tảo hôn nhiều như ở Rờ Kơi. Đặc biệt, tháng 6-2013 có một trường hợp kết hôn khi cô gái mới 15 tuổi... Câu nói của anh bạn tôi đang công tác ở huyện Sa Thầy khiến tôi tò mò tìm đến xã Rờ Kơi... Nghèo vì nạn tảo hôn Nằm cách trung tâm huyện lỵ Sa Thầy 17 km, Rờ Kơi được xem là xã khó khăn của huyện Sa Thầy. Đến nay, Rờ Kơi vẫn còn 703/1.101 hộ nghèo, chiếm 63,85% dân số trong toàn xã. Vậy đâu là nguyên nhân khiến Rờ Kơi đói nghèo? Những con số thống kê sau đây cho thấy đáp án của câu hỏi đó. Theo số liệu thống kê của Trạm y tế xã Rờ Kơi, 6 tháng đầu năm 2013 toàn xã có gần 10 trường hợp tảo hôn. Nhưng, đó chỉ là phần nổi trong báo cáo, còn trên thực tế số lượng tảo hôn ở Rờ Kơi rất nhiều.
Để tìm hiểu kỹ hơn về phần “chìm” thực trạng tảo hôn ở Rờ Kơi, chúng tôi được anh Nguyễn Đình Thìn-cán bộ chuyên trách dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đưa đến làng Kram, nơi các “gia đình trẻ con” đang sinh sống. Hai bên đường xuống làng, những ngôi nhà xiêu vẹo, mái tôn hoen gỉ, vách được che chắn bằng gỗ đã mục nát. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà vách nứa, mẹ con Y Bleo (SN 1988) cho biết: Mình bắt chồng năm 2005. Chồng mình là A Đéu. Hiện nay mình có 2 con, đứa lớn 5 tuổi, đứa thứ hai gần 2 tuổi. A Đéu chồng mình đang lên rẫy... Nhìn quanh ngôi nhà của vợ chồng Y Bleo chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc chõng tre cũ kỹ và mấy bộ quần áo đã sờn. Chia tay mẹ con Y Bleo, chúng tôi tìm đến vợ chồng trẻ con A Bưng và Y Hét. Trò chuyện với tôi, Y Hét cho biết: Đầu năm 2012, mình cũng nghỉ học để theo bạn bắt chồng... Qua tìm hiểu chúng tôi được biết Y Hét sinh năm 1996, chồng Y Hét trú ở xã Krong (TP. Kon Tum). Từ khi cưới nhau, A Bưng ở rể luôn tại nhà cha mẹ đẻ của Y Hét. Tuy sống chung với gia đình vợ, nhưng mấy con người trông chỉ có vẻn vẹn 1 sào ruộng. Cuộc sống quanh năm phải đi làm thuê kiếm tiền. Nhiều lúc không có việc làm, A Bưng lại tụ tập bạn bè uống rượu. Khi chúng tôi đến nhà, cũng là lúc A Bưng đang say mèm, miệng nói lảm nhảm. Vợ chồng Y Hét cũng đã sinh được 1 bé gái gần 2 tháng tuổi. Qua trò chuyện với chị Y Kher-Chi hội trưởng Phụ nữ làng Kram chúng tôi được biết, chỉ tính riêng từ năm 2007 đến nay làng Kram có đến 23 trường hợp tảo hôn. Trong đó, có 7 trường hợp 15 tuổi đó là các cháu Y Kăn, Y Lão, Y Trĩa, Y Nhung, Y Trẻ, Y Nhải, Y Na. Trong đó, Y Na là trường hợp kết hôn đầu tháng 6-2013. Anh Nguyễn Đình Thìn cho hay: Trong đợt khảo sát vào tháng 7-2011, xã Rờ Kơi có 48 trường hợp tảo hôn, trong đó có 8 trường hợp kết hôn cận huyết thống. Nếu cộng thêm những trường hợp kết hôn năm 2012 và 2013, con số đó lớn hơn rất nhiều. Từ những con số trên cho thấy, tình trạng tảo hôn ở Rờ Kơi rất đáng báo động. ...Những hệ lụy Khi đem chuyện tảo hôn và những con số này trao đổi với Y Chít- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Rờ Kơi, Y Chít cho biết: Địa phương cũng đã thường xuyên phối hợp với cán bộ chuyên trách DS, KHHGĐ xuống tận thôn làng tuyên truyền cho chị em hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình; lồng ghép trong các cuộc họp để tuyên truyền cho bà con nhân dân và chị em phụ nữ về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, nhưng bọn trẻ không chịu lắng nghe và tiếp thu. Hiện tại, xã và thôn chưa có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng tảo hôn trên địa bàn... Khi được hỏi về trách nhiệm của già làng, trưởng thôn và các tổ chức đoàn thể và phụ nữ trong các thôn làng khi để tảo hôn diễn ra như thế, Y Vuông, cộng tác viên DS-KHHGĐ thôn Kram cho biết: Chị cũng đã thường xuyên phối hợp với già làng, trưởng thôn đi tuyên truyền, vận động nhưng bọn chúng chỉ cười. Còn cha mẹ chúng không ai ngăn cản con cái cả. Khi được hỏi vì sao mình không nghiêm cấm và tổ chức phạt nặng những trường hợp lấy chồng sớm trong làng? Già làng A Híp cười và cho biết: Mình cũng đã nhắc nhở gia đình không cho chúng nó lấy nhau quá sớm nhưng chúng nó không nghe. Ngăn cấm nó sau này không lấy được chồng thì mình lại mang tiếng nên mình cũng không ngăn cản. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, phần lớn những gia đình trẻ con ở xã Rờ Kơi đều có cuộc sống khó khăn. Hiện tại, những cặp vợ chồng này vẫn chưa có giấy chứng nhận kết hôn; con cái sinh ra không được khai sinh, không được chăm sóc và nuôi dưỡng đầy đủ nên ốm nheo ốm nhóc. Cũng vì bỏ học để lấy chồng sớm nên phần lớn trong số này chỉ học hết lớp 7, lớp 8. Điều đáng nói là, sau khi xây dựng gia đình họ phải sống chung nên không có đất sản xuất. Hàng ngày, người chồng phải đi làm thuê kiếm sống, người vợ ở nhà trông con. Nhiều ông chồng không có việc làm suốt ngày lao vào rượu chè say xỉn... Thay lời kết Từ những con số và cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ con ở xã Rờ Kơi cho thấy, nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống đang diễn ra khá phức tạp tại đây. Cũng vì tảo hôn kéo theo bao hệ lụy như đã nêu trên. Vì vậy, cần có các chế tài thích hợp để ngăn chặn tình trạng tảo hôn đang diễn ra trên địa bàn.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...