Hội thi đồ dùng dạy học-đồ chơi tự tạo bậc học mầm non cấp tỉnh:Ngày hội của màu sắc và ý tưởng
26/04/2013 07:17 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tổ chức 4 năm một lần, Hội thi đồ dùng dạy học-đồ chơi tự tạo bậc học mầm non cấp tỉnh đã thực sự trở thành ngày hội của màu sắc, ý tưởng, được giáo viên hết sức mong đợi. Hội thi năm nay, diễn ra trong hai ngày (21 và 22-4), một lần nữa đã thể hiện tính sáng tạo, sự độc đáo, phong phú về nội dung, đa dạng về chủng loại với những chất liệu ít ai ngờ.
Tổ chức 4 năm một lần, Hội thi đồ dùng dạy học-đồ chơi tự tạo bậc học mầm non cấp tỉnh đã thực sự trở thành ngày hội của màu sắc, ý tưởng, được giáo viên hết sức mong đợi. Hội thi năm nay, diễn ra trong hai ngày (21 và 22-4), một lần nữa đã thể hiện tính sáng tạo, sự độc đáo, phong phú về nội dung, đa dạng về chủng loại với những chất liệu ít ai ngờ. “3 siêu” và “3 dễ” Theo yêu cầu của Ban tổ chức, mỗi đơn vị sẽ có 7 thành viên cùng tham gia phần thi “Cô giáo tài năng”. Trong vòng 180 phút, với các nguyên vật liệu đã được chuẩn bị sẵn, các đơn vị sẽ cùng hoàn thiện một bộ đồ dùng dạy học-đồ chơi tự tạo theo chủ đề vừa được bốc thăm: “Mùa xuân và Tết Nguyên đán”.
Phần thi tại chỗ này nhằm đánh giá được thực chất khả năng sáng tạo, sự nhanh nhẹn, khéo léo, linh hoạt, sự đoàn kết cũng như vai trò của người chỉ huy trong cách làm việc theo nhóm. Hầu hết các cán bộ quản lý và giáo viên đều hồi hộp bởi lần đầu tiên tham gia phần thi trực tiếp này, song ai cũng rất hứng thú. Bên cạnh giấy, mút, xốp, voan, những vật liệu phế thải như vỏ hộp sữa chua, chai nước rửa chén, lon nước ngọt, vỏ hộp sữa, gáo dừa, vỏ trứng cút, trứng gà… đều trở thành vật hữu dụng. Cả hội trường Sở Giáo dục-Đào tạo trở nên rộn ràng bởi không khí làm việc hết sức khẩn trương sao cho kịp với thời gian quy định. Người cắt giấy, xốp, vỏ chai, người tạo hình, người dán, trang trí… Dưới bàn tay khéo léo, đầy sáng tạo của các cô giáo, xung quanh lần lượt hiện lên những cành mai, đào, bánh chưng, bánh tét, mâm ngũ quả, bánh kẹo, chả giò, cá chiên, gà luộc cúng tổ tiên, câu đối, xe ngựa du xuân… Một thế giới trực quan thu nhỏ hết sức sinh động, giúp trẻ có những hình dung ban đầu mới mẻ về thế giới xung quanh. Bà Bùi Khoa Nghi- Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục-Đào tạo-nhận xét về các sản phẩm trong phần thi này: “Màu sắc đẹp, cân đối, đảm bảo tính an toàn cho trẻ khi sử dụng, hiệu quả về kinh tế, có khả năng phổ biến, áp dụng rộng rãi. Tất cả các đơn vị đã tận dụng rất tinh tế các loại nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương và vật liệu phế thải để làm đồ dùng dạy học, thể hiện rất rõ chủ đề “Mùa xuân và Tết Nguyên đán” với phương châm “3 siêu” là siêu rẻ, siêu bền, siêu đẹp và “3 dễ” là dễ tìm, dễ làm, dễ sử dụng”. Đáp ứng mục tiêu phát triển giáo dục mầm non Bên cạnh đó, phần thi triển lãm đồ dùng dạy học-đồ chơi tự tạo, một cơ hội giao lưu của giáo viên mầm non trong toàn tỉnh, cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo người xem. Hàng ngàn sản phẩm với đủ sắc màu, kích cỡ, chủng loại đã một lần nữa khẳng định sự đầu tư kỹ lưỡng, sự khéo léo, nhiệt tâm của các cô giáo.
Ngoài những nguyên vật liệu quen thuộc đã từng được sử dụng lâu nay như: ống hút, que kem, vỏ lon bia, lon nước ngọt, chai xà phòng, đĩa CD…, nhiều sản phẩm tại Hội thi lần này đã được sáng tạo từ những chất liệu ít ai ngờ như: vỏ hạt dưa, xơ mướp, hạt cau, hạt gấc, hạt cao su, rơm, len, gạo, áo mưa tiện lợi, dây điện, tăm bông ngoáy tai… Không ít giáo viên đã tranh thủ dùng điện thoại chụp lại những mô hình độc đáo để học hỏi. Cùng những chủ đề gần gũi, có thể nhận thấy 3 chủ đề rất mới và rất thời sự bật lên từ cuộc triển lãm. Nếu như các đơn vị Phòng Giáo dục-Đào tạo Pleiku, Mang Yang, Kbang, Đak Pơ, Chư Prông, Ayun Pa… khá thu hút với đề tài biển đảo Trường Sa thì các đơn vị Chư Sê, Phú Thiện, Đức Cơ, Ia Grai, Đak Đoa, An Khê… lại nổi bật với các mô hình an toàn giao thông. Nhanh nhạy với sự kiện “Năm gia đình Việt Nam 2013”, Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Chư Pưh đã trưng bày bộ mô hình “Đồ dùng trong gia đình của bé”, trong khi đó huyện Kông Chro lại có những bức tranh len bắt mắt về hình ảnh gia đình ấm áp. Tất cả các chủ đề rất mới này sẽ được lồng ghép vào chương trình giảng dạy và hoạt động vui chơi, qua đó giúp trẻ hình thành lòng yêu gia đình, quê hương, đất nước, ý thức chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ. Những đơn vị có sáng tạo độc đáo trong ý tưởng, chất liệu cũng chính là những đơn vị đạt giải cao nhất của Hội thi lần này. Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku-giải xuất sắc của Hội thi-“ghi điểm” bằng sự phong phú về chủng loại, đặc biệt là những chiếc giỏ xách đủ kích cỡ làm bằng… nắp lon bia, lon nước ngọt; huyện Đức Cơ, giải nhất, đem đến cho người xem sự ngạc nhiên thú vị với thế giới động vật rắn, cá sấu, voi, cá, hươu cao cổ, ngựa, tê giác, gà, công… bằng xơ mướp; huyện Kbang thể hiện sự công phu với thác nước kỳ vĩ bằng xốp và bánh xe nước cùng mô hình minh họa các trò chơi dân gian như kéo cưa lừa xẻ, kéo co, rồng rắn lên mây trên vỏ chai nước rửa chén cỡ lớn; huyện Chư Pah, giải nhì, gây ấn tượng với “Vườn bách thú của bé” làm bằng đất sét, tương tự một chiếc sa bàn thu nhỏ với diện tích 2,4 x 1,8 mét, trong đó có đầy đủ các con vật trong rừng: hổ, sư tử, tê giác, hươu cao cổ, khỉ, cá sấu… cũng bằng đất sét. Chia sẻ về những ý tưởng độc đáo nói trên, cô Nguyễn Thị Hải Lộc, giáo viên Trường Mầm non Bông Hồng 1 (huyện Kbang) cho hay: Từ chủ đề “Nét đẹp quê hương”, Phòng muốn giới thiệu 3 địa danh: biển đảo Trường Sa, Hồ Gươm Hà Nội và Gia Lai-cụ thể là Kbang, nơi có nhiều dân tộc cùng sinh sống như Bahnar, Thái, Tày, Nùng, Mường… với cảnh sinh hoạt của các dân tộc bên thác nước, toàn bộ vật liệu đều do giáo viên và phụ huynh đóng góp. Còn cô Dương Thị Nở-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hòa Phú (huyện Chư Pah), cũng vui vẻ kể: “Ý tưởng làm đồ dùng dạy học-đồ chơi tự tạo bằng voan, xốp, giấy… đã trở nên phổ biến, vì vậy chúng tôi muốn làm gì đó khác lạ mà vật liệu vẫn dễ tìm, giáo dục trẻ ý thức bảo vệ môi trường. Với ý tưởng “Vườn bách thú của bé” bằng đất sét, 5 giáo viên đã phải làm trong 1 tháng mới hoàn thành. Vật chất không đáng bao nhiêu, chủ yếu là chất xám và công sức của các cô thôi”. Hội thi được đánh giá là thành công, ngoài ra còn mang đến cơ hội giao lưu học hỏi giữa giáo viên các trường, khuyến khích tinh thần sáng tạo của giáo viên mầm non trong toàn tỉnh.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...