Dạo quanh thị trường ngày Tết
08/02/2013 07:21 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Khó dự báo nhu cầu và sức mua diễn biến khó lường là nhận xét chung của hầu hết các tiểu thương, doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng dịp Tết Quý Tỵ, bởi doanh số bán hàng không ổn định trong khi nhiều mặt hàng vẫn tồn đầy kho thì có những mặt hàng lại “cháy”.
Khó dự báo nhu cầu và sức mua diễn biến khó lường là nhận xét chung của hầu hết các tiểu thương, doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng dịp Tết Quý Tỵ, bởi doanh số bán hàng không ổn định trong khi nhiều mặt hàng vẫn tồn đầy kho thì có những mặt hàng lại “cháy”. Ông Bùi Quốc Bình- Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku cho biết: Theo dự báo của đơn vị thì nhu cầu mua sắm Tết năm nay tăng 15-20% so với năm ngoái và gấp 3 lần so với ngày thường. Tuy nhiên, trên thực tế doanh thu bán hàng của đơn vị những ngày gần đây tăng rất ít, chỉ nhích hơn một chút so với năm ngoái và diễn biến sức mua khá bất thường, chẳng hạn hai ngày 23, 24 tháng Chạp (rơi vào thứ bảy, chủ nhật), doanh số bán hàng của đơn vị đạt cao khoảng 3,5 tỷ đồng/ngày, nhưng các ngày bình thường trong tuần doanh thu lại rớt xuống bình quân 2-2,5 tỷ đồng/ngày. Trong đó, lượng khách từ các huyện đổ về mua sắm đạt khoảng 40%.
Trao đổi với chúng tôi, chị Trần Thị Hồng Nhung- giáo viên Trường Tiểu học số 1 Ia Băng (huyện Đak Đoa) cho hay: Hai mẹ con chở nhau lên đây mua sắm Tết, mua ở siêu thị không phải mặc cả lại yên tâm về chất lượng. Không chỉ đi siêu thị với mục đích mua sắm mà chị Huỳnh Dương (huyện Mang Yang) còn cho rằng đây là dịp đưa con cái đi chơi. Điều đáng chú ý là thị trường hàng hóa Tết cũng biến động khôn lường, nhu cầu mua bia Heineken của người dân tăng đột biến khiến mặt hàng này khan hiếm và bị đẩy giá cao lên ngất ngưởng (410.000-420.000 đồng/thùng). Tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku, mặc dù giá vẫn giữ nguyên (385.000 đồng/thùng) nhưng lại hết hàng. Theo ông Bùi Quốc Bình thì nguyên nhân “đứt” hàng không phải do đơn vị không đặt hàng mà là do doanh nghiệp sản xuất giới hạn, cầm chừng... Tại chợ hoa Xuân, nhiều nhà vườn cũng cho rằng thời điểm này vẫn chưa thể dự đoán được nhu cầu mua hoa mặc dù giá cả khá bình ổn, không tăng so với năm ngoái. Chẳng hạn: Cúc vạn thọ có giá 30.000-40.000 đồng/chậu, cúc pha lê 300.000-450.000 đồng/chậu; hoa đào 500.000- 800.000 đồng/cây; các loại cây cảnh thì tùy từng thế mà giá cả cũng khác nhau, có cây có giá 2-3 triệu đồng nhưng có cây lên tới vài chục triệu đồng… “Hiện đa số khách hàng chỉ đến xem hoa và thăm dò giá cả thôi, ít người mua lắm. Tuy nhiên, nếu được giá chúng tôi sẽ bán liền để rút tiền chi trả các chi phí như vận chuyển, thuê lô…”-chủ vườn cây cảnh Hoàng Thân (TP. Pleiku) cho biết. Trong khi đó, anh Đinh Trọng Toàn-chủ vườn hoa 68 Ama Quang (TP. Pleiku) lại cho biết, năm nay khách có xu thế đến tận vườn để mua hoa, từ đầu tháng Chạp, vườn hoa của anh đã đón khách hàng. Theo các nhà vườn thì tình hình trật tự năm nay khá tốt, việc tổ chức bốc thăm diễn ra công bằng, minh bạch. Đặc biệt chợ hoa Xuân năm nay có nhiều loài cây cảnh mới giá trị như thanh long cảnh, trắc tạc tượng… Hy vọng đây sẽ là những yếu tố góp phần thành công cho chợ hoa Xuân Quý Tỵ năm 2013.
Theo Báo Gia Lai
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...
Mức đóng BHYT hộ gia đình từ 1.7.2025 thay đổi ...