Tạo động lực xây dựng nông thôn mới
18/10/2012 08:14 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đak Djrăng-được đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong toàn huyện Mang Yang về phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Bởi, nhiều năm qua, phong trào này đã thật sự trở thành “đòn bẩy”, tạo động lực để nông dân trong xã biết cách khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như phát huy sức mạnh nội lực.
Nhờ thế, danh sách những hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi của xã ngày càng dài hơn, đặc biệt đã có thêm nhiều cái tên làm kinh tế giỏi là người dân tộc thiểu số với những mô hình kinh tế hiệu quả, như: Đinh Kăng, Đinh Tân ở làng Brếp với mô hình chăn nuôi bò, lúa nước, vườn cà phê, hồ tiêu hàng năm cho thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên… Ông Đỗ Văn Thinh- Chủ tịch Hội Nông dân xã Đak Djrăng, cho biết: Toàn xã có 763 hội viên nông dân sinh hoạt ở 9 chi hội thì có tới 243 gia đình nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Phong trào này đã có nhiều đóng góp trong công tác xóa đói giảm nghèo, giúp nhau lao động sản xuất, cải thiện bộ mặt nông thôn.
Sở dĩ phong trào có sức lan tỏa rộng khắp là bởi khi tham gia phong trào, nông dân sẽ có thêm nhiều cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quy mô sản xuất, phát huy nội lực gia đình bằng nguồn vốn tự có, hỗ trợ nhau về giống, vốn… Nhờ đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn từ bỏ lối sản xuất lạc hậu, tiên phong trong việc cải tạo vườn tạp sang vườn chuyên canh, đầu tư vào các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi… Theo ông Nguyễn Văn Thăng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện, qua các đợt phát động, toàn huyện có trên 70% hộ hội viên đăng ký tham gia phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cuối năm bình xét luôn có 35-40% đạt tiêu chí sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trong toàn huyện. Không chỉ thoát nghèo bền vững mà hơn thế, họ còn nỗ lực giúp nhiều hội viên khác thoát nghèo như: hộ ông Trần Công Danh với mô hình cây cà phê, hồ tiêu-6.500 trụ thu nhập hàng năm trên 600 triệu đồng và giúp nhiều hội viên khác thoát nghèo hay gia đình ông A Nấp hội viên nông dân xã Kon Thụp thu nhập hàng năm trên 300 triệu đồng… Cùng với phát huy tiềm năng sẵn có về đất đai, nguồn vốn, tay nghề, hội viên nông dân cũng rất cần những “bà đỡ” như: quỹ hỗ trợ nông dân, vay vốn ưu đãi, giải quyết việc làm… Đây chính là nguồn lực xã hội cần thiết để nâng cao chất lượng của phong trào. Đến nay, toàn huyện có 2.824 hộ nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay với số tiền trên 43 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Đi đôi với công tác trên, các cấp Hội cũng đã phát huy vai trò “điểm tựa” cho hội viên khi phối hợp với các ban ngành triển khai nhiều chương trình thiết thực giúp nông dân có thêm cơ hội làm giàu như đưa mô hình lúa lai vào sản xuất để thay thế các loại giống lúa địa phương và phát động nông dân trồng xen kẽ các loại cây trồng có năng suất cao… Cùng với đó, Hội trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Ngân hàng Chính sách Xã hội hướng dẫn kỹ thuật, vốn cho 8 hộ gia đình tại làng Klong (xã Đak Trôi) để trồng thí điểm 15 ha cao su tiểu điền và đến nay, toàn xã Đak Trôi đã có 45 hộ tham gia trồng cao su tiểu điền với diện tích trên 80 ha. Không riêng gì xã Đak Trôi mà nhiều xã phía nam của huyện cũng xem đây là cây trồng chủ lực trong xóa đói giảm nghèo nên đã tích cực cải tạo vườn tạp sang trồng cao su tiểu điền, cây hồ tiêu. Bên cạnh đó, Hội còn tiếp nhận dự án chăn nuôi bò lai sinh sản do Hội Nông dân tỉnh và Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ cho xã Đak Djrăng mua 10 con bò sinh sản với 5 hộ tham gia dự án, đến nay đàn bò tăng được 4 con-đây là mô hình mang lại lợi ích cao cho người dân. Ngoài ra, các cấp Hội còn phối hợp với các ngành chức năng tổ chức dạy nghề cho 1.348 lượt hội viên nông dân và hỗ trợ việc làm cho 6.581 lao động nông thôn. Đặc biệt, trong 5 năm, các cấp Hội đã hỗ trợ xóa được 812 nhà tạm cho hội viên nghèo khó khăn về nhà ở và phối hợp giúp 898 hộ thoát nghèo... Bằng những con số cụ thể cho thấy, phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi không chỉ làm tăng hộ giàu, giảm hộ nghèo mà còn nỗ lực trong việc giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Hơn thế, phong trào này còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm, thúc đẩy sự hợp tác giữa nông dân và tạo sự gắn kết giữa “4 nhà”, từ đó khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...