Bệnh viện mới vẫn… nỗi lo cũ
04/10/2012 07:35 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau một tháng rưỡi đi vào hoạt động, Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện vẫn đầy rẫy những khó khăn: Chưa được bàn giao trang-thiết bị, giường bệnh và bàn ghế, thiết bị văn phòng làm việc… “Bệnh viện mới chỉ khám, điều trị các bệnh thông thường và tiểu phẫu mà chưa thực hiện được việc mổ xẻ; nhiều khoa điều trị phải chịu cảnh 2 người bệnh nằm chung một giường”
Sau một tháng rưỡi đi vào hoạt động, Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện vẫn đầy rẫy những khó khăn: Chưa được bàn giao trang-thiết bị, giường bệnh và bàn ghế, thiết bị văn phòng làm việc… “Bệnh viện mới chỉ khám, điều trị các bệnh thông thường và tiểu phẫu mà chưa thực hiện được việc mổ xẻ; nhiều khoa điều trị phải chịu cảnh 2 người bệnh nằm chung một giường”-bác sĩ Đồng Xuân Đức- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện nói. Trung tuần tháng 8 vừa rồi, Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện được khánh thành đưa vào hoạt động đã phần nào giải tỏa nỗi bức xúc lâu nay của gần 74 ngàn người dân trên địa bàn về khám-chữa bệnh; đồng thời đã trút được gánh nặng dư luận vì đã trót để công trình mới xây dựng hoành tráng này trong tình trạng bỏ hoang hơn một năm trời. Thoạt nhìn bề ngoài, Trung tâm Y tế khá quy mô với nhiều dãy nhà các khoa phòng điều trị được xây dựng hai tầng khang trang tọa lạc trên khuôn viên rộng gần 4 ha có một mặt giáp bờ suối Ia Sol thoáng đãng và mát mẻ. Tuy nhiên, thực tế thì lại không phải như vậy.
Bác sĩ Đồng Xuân Đức- Giám đốc Trung tâm tỏ ra ái ngại khi chúng tôi bước vào gian phòng trực lãnh đạo nằm ở gian trong căn phòng làm việc của ông. Ở đó có một cái chiếu, một cái gối trải dưới nền nhà và một cái máy tính xách tay, cùng một bộ blu trắng và chiếc ống nghe treo trên vách tường. “Không có giường trực lãnh đạo bệnh viện hả bác sĩ?”-khi nghe tôi buột miệng hỏi thế, bác sĩ Đức phân bua: “Hôm trước có, nhưng vì thiếu giường bệnh nên phải khiêng xuống để phục vụ bệnh nhân rồi. Đành nằm tạm thế, vì bệnh viện mới nhưng toàn bộ gói trang-thiết bị y tế và văn phòng chưa được bàn giao”. Theo chân bác sĩ Đức, chúng tôi rảo một vòng qua các khoa phòng. Bệnh viện có quy mô 50 giường bệnh, trong buổi sáng này chỉ có 37 bệnh nhân nhưng ở nhiều khoa điều trị vẫn phải chịu cảnh 2 người bệnh nằm chung một giường. Khoa Ngoại-Sản và Khoa Nội-Nhi là khu vực chịu quá tải của bệnh viện. Bác sĩ Nông Thị Nhân-cán bộ Khoa Ngoại-Sản bức xúc: “Vì thiếu giường nên bệnh nhân bị tai nạn giao thông và sản phụ phải nằm chung một giường. Nhiều người bệnh kêu ca, phàn nàn nhưng chúng tôi không thể làm khác được. Thông thường sản phụ sinh được 3 ngày mới cho ra viện nhưng ở đây sau 2 ngày là chúng tôi phải cho xuất viện để nhường chỗ cho bệnh nhân khác. Sáng nay phải cho 4 trường hợp về sớm, nên trong khoa còn 9 bệnh nhân”. Chỉ có 9 bệnh nhân mà vẫn phải chịu cảnh 2 người nằm chung một giường? Tình trạng quá tải một cách bất thường ở cơ sở y tế có tổng kinh phí đầu tư gần 30 tỷ đồng này là do thiếu giường bệnh để kê cho bệnh nhân nằm chứ không phải vì thiếu phòng bệnh. Bệnh viện có quy mô 50 giường bệnh nhưng khi đi vào hoạt động phải sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất của bệnh viện cũ ráp vào và chỉ thực kê được 40 giường bệnh. Hầu hết các khoa phòng còn nhiều căn phòng đang bị bỏ trống vì chưa có giường bệnh và máy móc, thiết bị y tế để ráp vào. Khoa Chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cận lâm sàng-những kỹ thuật quan trọng của một bệnh viện thì mới chỉ triển khai được hai nội dung cơ bản là xét nghiệm sinh hóa và công thức máu. Các căn phòng được bố trí để thực hiện siêu âm và Xquang vẫn đang bỏ trống vì chưa có máy móc thiết bị; phía phòng cấp cứu cũng không có máy trợ thở… Chính vì thế “Bệnh viện mới chỉ dừng lại ở việc khám và điều trị các căn bệnh thông thường và đẻ thường chứ chưa triển khai được các đại phẫu, kỹ thuật mổ xẻ. Tình trạng bệnh nhân nằm trong khả năng chữa trị nhưng buộc phải chuyển lên tuyến trên còn quá nhiều”- bác sĩ Đức cho biết. Vùng Đông Trường Sơn đang vào mùa mưa, tình trạng bệnh nhân sốt rét vào nhập viện có chiều hướng gia tăng (trong 80 ca bệnh vào nhập viện điều trị trong vòng 9 tháng qua thì chỉ riêng tháng 9 đã có 12 trường hợp). Trong lúc chờ đợi gói trang-thiết bị y tế, giường bệnh thì để có giường nằm điều trị cho bệnh nhân, giám đốc bệnh viện đã buộc lòng phải mua nợ của một đơn vị quen biết thêm 15 giường bệnh i-nox. Khu xử lý nước thải, chất thải rắn vẫn bỏ trống, nên bệnh viện phải quay về với cách xử lý lạc hậu, không đảm bảo an toàn là đào hố, đốt, chôn lấp. Sau một tháng rưỡi đi vào hoạt động, cái mới ở bệnh viện huyện Phú Thiện là một cơ ngơi nhà cửa mới, khang trang và có thêm 6 vị bác sĩ; còn mọi cái bên trong từ trang-thiết bị đến năng lực khám chữa bệnh thì… vẫn như cũ. Sự chậm trễ trong việc mua sắm, bàn giao trang-thiết bị, cơ sở vật chất cho Trung tâm Y tế huyện Phú Thiện có phần trách nhiệm của Ban Quản lý dự án Sở Y tế và Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện là 2 đơn vị đã được cấp kinh phí nhưng chậm thực hiện các gói thầu này.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...