Sẵn sàng cho vụ thu hoạch mía
03/10/2012 10:04 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Vùng nguyên liệu mía tại các địa phương khu vực phía Đông tỉnh hiện đạt con số 22.000 ha; trong đó phần Nhà máy Đường An Khê đầu tư, thu mua khoảng 18.000 ha.
Vùng nguyên liệu mía tại các địa phương khu vực phía Đông tỉnh hiện đạt con số 22.000 ha; trong đó phần Nhà máy Đường An Khê đầu tư, thu mua khoảng 18.000 ha. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh, việc nhà máy đường, chính quyền địa phương xây dựng chính sách đầu tư chuyển giao khoa học-kỹ thuật, giống mía mới, nhất là chính sách mua hợp lý trong thời gian qua là cơ sở để vùng nguyên liệu mía không ngừng được mở rộng về diện tích, năng suất mía bình quân tăng hàng năm. Điển hình, bình quân mỗi năm, Nhà máy Đường An Khê đầu tư vài chục tỷ đồng thực hiện cơ giới hóa trồng mới; khảo nghiệm chuyển giao giống mía mới năng suất cao cho nông dân như: K88-92, POJ 28-78, K95-84, LK92-11, K95-156; cho nông dân trồng mía mượn vốn đầu tư, thu hồi bằng nguyên liệu, bình quân 5 triệu đồng/ha (tổng số vốn cho dân mượn mỗi năm từ 60 tỷ đồng-70 tỷ đồng). Hàng năm, thị xã An Khê, huyện Kbang… đã dành nguồn vốn ngân sách đầu tư các mô hình trồng mía chất lượng cao làm cơ sở chuyển giao giống mía mới cho nông dân. Theo lộ trình đầu tư trên, dự ước năng suất mía bình quân niên vụ 2012-2013 đạt từ 68 tấn đến 70 tấn/ha; tăng 10 tấn/ha so với 10 năm trước.
Tạm lấy năng suất mía bình quân từ 68 tấn đến 70 tấn/ha để làm phép tính thì tổng sản lượng mía niên vụ 2012-2013 tại khu vực phía Đông tỉnh đạt trên dưới 1,5 triệu tấn. Dự kiến sản lượng mía năm nay khu vực phía Đông tỉnh được nông dân xuất bán vào trung tuần tháng 10-thời điểm các nhà máy bước vào vụ ép mới. Vụ ép đến gần, nông dân trồng mía và chính quyền địa phương lại lo giá mía giảm, tiến độ mua mía của các nhà máy khi giá đường trên thị trường hiện tại đang giảm. Ông Mang Viên Tý- Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê cho rằng: Hiện giá đường giảm còn 15.000 đồng/kg, song quy định của cơ quan quản lý Trung ương vẫn đặt giá mua mía khởi điểm 900 ngàn đồng/tấn mía 10 chữ đường tại ruộng là động thái đảm bảo nguồn lợi cho nông dân trồng mía. Tuy nhiên, giá mua mía trên chỉ thực sự mang lại lợi nhuận cho người trồng mía khi chưa tính cước vận chuyển nguyên liệu mía từ nơi trồng đến nơi tiêu thụ. Còn nếu giá bán mía trên bao hàm cả khoản chi phí vận chuyển thì nông dân trồng mía lỗ. Hơn nữa, khi giá đường giảm, các đơn vị thu mua mía sẽ hoạt động cầm chừng là nguy cơ việc ứ đọng sản phẩm, dẫn đến thực trạng không kiểm soát được tình hình mua-bán mía. Ngăn ngừa khả năng này xảy ra, Phòng Kinh tế sẽ tham mưu cho lãnh đạo thị xã mời 2 nhà máy đường để làm việc thống nhất giải pháp đảm bảo mua hết nguyên liệu mía của nông dân. Động thái của chính quyền địa phương đã có, song để đảm bảo nguồn lợi cho người trồng mía có phần quyết định của các nhà máy mua nguyên liệu mía khu vực phía Đông. Trả lời sự quan ngại của nông dân và chính quyền địa phương, lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê-ông Nguyễn Văn Hòe khẳng định: Mặc dù giá bán đường trên thị trường hiện tại giảm, song vụ mía năm nay Nhà máy sẽ không thay đổi các chính sách mua mía của nông dân đã áp dụng từ nhiều năm nay. Đồng thời, Nhà máy sẽ xây dựng giá thu mua mía phù hợp, đảm bảo nguồn lợi cho nông dân trồng mía. Khẳng định của lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê đã giảm một phần nỗi lo của người trồng mía. Nói là giảm một phần vì người trồng mía hãy còn lo ngại liệu niên vụ mía năm nay có lặp lại tình trạng tiêu thụ mía chậm như vụ trước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người trồng mía. Đề cập đến lo ngại trên của người dân trồng mía, lãnh đạo Nhà máy Đường An Khê thừa nhận: Vụ ép năm 2011-2012 là thời điểm Nhà máy tiến hành nâng công suất ép lên 10.000 tấn mía/ngày. Thời gian nâng công suất được thực hiện 4 tháng nên có sự trục trặc về kỹ thuật, chưa phát huy hết công suất thiết kế; cộng với yêu cầu xử lý vấn đề môi trường của tỉnh dẫn đến việc chậm tiêu thụ mía của nông dân. Giải quyết hạn chế này, Nhà máy đã đầu tư 70 tỷ đồng hoàn thiện hệ thống nước thải đạt chuẩn, đảm bảo vấn đề môi trường. Các sự cố hạn chế công suất ép của Nhà máy cũng đã được đầu tư khắc phục. Hiện tại, công suất ép Nhà máy ổn định mức 8.000-9.000 tấn mía/ngày nên khả năng chậm mua nguyên liệu mía của nông dân niên vụ năm nay sẽ không xảy ra. Đồng thời, cam kết niên vụ 2012-2013, Nhà máy mua hết nguyên liệu mía của nông dân. Bên cạnh đó, Nhà máy sẽ xây dựng kế hoạch cấp phát phiếu đốn mía cho các hộ trồng mía hợp lý; tiếp tục duy trì sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương xử lý triệt để tình trạng xe gắn biển số giả tham gia vận chuyển mía để đưa vùng nguyên liệu mía khu vực phía Đông tỉnh phát triển ổn định, trật tự và bền vững.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...