Huyện Ia Grai: Chủ động phòng chống lụt bão
07/08/2012 07:32 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Huyện Ia Grai là một trong những huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có hệ thống sông, suối phức tạp, là điều kiện để sinh lũ quét, ngập lụt trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND huyện, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, đơn vị với UBND các xã, thị trấn. Đến thời điểm này, chưa có thiệt hại do mưa bão đáng kể nào xảy ra trong năm 2012.
Theo ông Đào Lân Hưng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão huyện Ia Grai, từ đầu mùa mưa đến nay, duy chỉ có cơn bão số 2 tác động làm tốc mái một nhà dân, ngập hơn chục ha lúa, ngoài ra chưa có thiệt hại nào đáng chú ý. Riêng căn nhà bị tốc mái đã được người dân tự khắc phục, còn số diện tích lúa bị ngập nước đã rút kịp thời nên không ảnh hưởng nhiều.
Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm 2012, huyện đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT (Thường trực Ban chỉ huy về công tác phòng chống lụt bão huyện) tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2011, từ đó tham mưu xây dựng phương án cho năm 2012, đồng thời hướng dẫn UBND các xã, thị trấn xây dựng và triển khai phương án phòng, chống thiên tai, bão lụt, lũ quét, sạt lỡ đất với phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra. Bên cạnh đó, huyện còn quán triệt các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Cụ thể, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn các công trình thủy lợi, thủy điện, phối hợp với các địa phương tổ chức di dời dân các vùng có nguy cơ sạt lỡ, lũ quét khi có tình huống xấu xảy ra; Ban chỉ huy quân sự huyện xây dựng phương án bố trí, huy động lực lượng, phương tiện cần thiết cho từng vùng, từng địa bàn, rà soát các thiết bị cần thiết như: Áo phao, phao cứu sinh, nhà bạt… để sẵn sàng ứng cứu với phương châm cứu người là quan trọng nhất; Phòng Y tế chuẩn bị đầy đủ thuốc dự phòng, hóa chất, phương tiện, nhân lực để chủ động khám chữa bệnh; Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội theo dõi tình hình thiếu đói của nhân dân vùng thiên tai, qua đó lập kế hoạch đề xuất việc cứu trợ để ổn định xã hội… Đối với UBND các xã, thị trấn xây dựng lực lượng xung kích đủ mạnh, tổ chức trực 24/24 giờ để ứng phó, tìm kiềm cứu nạn cơ sở; thường xuyên rà soát, cập nhật, xác định các khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa lũ trên địa bàn, qua đó thông báo cho nhân dân biết. Đặc biệt, nhắc nhở nhân dân không bơi lội qua sông, suối khi nước lũ về, không ngủ qua đêm trong các chòi rẫy dọc sông suối lớn, khu vực có độ dốc nguy hiểm. Cũng theo ông Hưng, những năm gần đây, huyện Ia Grai được đánh giá là một trong những huyện trên toàn tỉnh ít thiệt hại về người cũng như tài sản do mưa bão gây ra. Điều đó một phần nhờ sự chỉ đạo sát sao của Huyện ủy, UBND, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban, đơn vị trên địa bàn với chính quyền địa phương. Ngoài ra, sự giúp sức của các công ty thủy điện đóng chân trên địa bàn trong việc phòng chống lụt, bão rất đáng ghi nhận, bởi hầu hết những cơn lũ quét đều xảy ra tại các con sông, suối gần công trình thủy điện, nhưng với thái độ thực hiện nghiêm túc phương án phòng, chống lụt, lũ quét cùng sự phối hợp nhiệt tình với chính quyền địa phương, hầu như năm nào các công trình thủy điện này cũng vượt lũ an toàn. Tuy vật, vẫn còn đó những nỗi lo trong các cơn bão đang và sắp đến, nhưng với sự chủ động, chuẩn bị kỹ các phương án, phương tiện, lực lượng… Hy vọng mùa mưa năm nay tài sản và tính mạng của người dân trên địa bàn huyện sẽ được bảo đảm an toàn.
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...