Chư Pah ưu tiên phát triển giao thông nông thôn

30/07/2012 06:47 AM


Trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, huyện Chư Pah đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa mạng lưới giao thông trên địa bàn. Đến nay cơ bản từ trung tâm huyện đến xã, thôn, làng đều có giao thông kết nối.

Trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, huyện Chư Pah đã đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa mạng lưới giao thông trên địa bàn. Đến nay cơ bản từ trung tâm huyện đến xã, thôn, làng đều có giao thông kết nối.

Cụ thể, trên địa bàn có 9 tuyến đường huyện, tổng chiều dài 70,867 km, trong đó mặt đường láng nhựa chiếm 35,54%, mặt đường bê tông xi măng chiếm 0,48%, còn đường đất cấp phối chiếm 63,96%. Khu vực nội thị và đường ven đô thị trấn Phú Hòa xây dựng được 18 tuyến đường và 10 đoạn đường nhỏ khác nhau với tổng chiều dài 19,754 km với 45,87% mặt đường bê tông nhựa, trong đó có 3 tuyến đường Hùng Vương, Trần Phú và Hoàng Văn Thụ cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn đường nội thị.

 

Đường giao thông ở thị trấn Phú Hòa được mở rộng, nâng cấp. Ảnh: Đ.T
Đường giao thông ở thị trấn Phú Hòa được mở rộng, nâng cấp. Ảnh: Đ.T

Mạng lưới giao thông ở các thôn, làng của 14 xã tổng chiều dài 485,325 km với 14,33% mặt đường láng nhựa, 1,22% mặt đường bê tông xi măng, 84,45% mặt đường đất cấp phối. Nhờ đó, việc đi lại, sinh hoạt, học hành, chữa bệnh, vận chuyển vật tư, nông sản… tương đối thuận lợi, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển. Tuy nhiên, mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện chủ yếu vẫn là đường đất đá, tỷ lệ kiên cố hóa thấp, mùa khô thì bụi, mua mưa thì trơn trượt, lầy lội, đi lại rất khó khăn, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có nơi bị gián đoạn mỗi khi mưa bão lớn kéo dài.

Đề án “Phát triển mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn huyện theo hướng nhựa hóa, bê tông hóa mặt đường giai đoạn 2012-2015 và định hướng đến năm 2020” đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã Ia Ly, thị trấn Phú Hòa trở thành trung tâm kinh tế-xã hội của huyện giai đoạn 2012-2020. Đồng thời làm cơ sở xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội của các xã, thị trấn theo hướng hiện đại, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển theo quy hoạch ổn định.

Theo mục tiêu của đề án, đến năm 2016 toàn bộ các tuyến đường huyện, đường trục chính trung tâm xã và đường trục chính của các thôn, làng đều đường nhựa hóa hoặc bê tông hóa mặt đường. Nhựa hóa, bê tông hóa mặt đường các tuyến đường giao thông nội thôn, nội làng, đường giao thông ven đô khoảng 30 km/năm. Các xã Ia Ly, Ia Nhin, Chư Jôr, thị trấn Phú Hòa phấn đấu đạt 70% nhựa hóa hoặc bê tông hóa vào năm 2015, 90% vào năm 2020. Các xã còn lại phấn đấu đạt 60-70% vào năm 2020. Đến năm 2014, toàn bộ các tuyến đường liên xã đều được cắm mốc lộ giới.

Đi đôi với đầu tư xây dựng, huyện chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu ra khỏi hành lang an toàn đường bộ theo đúng mốc giới quy định để bổ sung phần phụ lề, mương thoát dọc, cầu, cống các tuyến đường giao thông nông thôn nhằm tạo hành lang giao thông thông thoáng, giữ gìn kết cấu hạ tầng kỹ thuật đường bộ, đảm bảo an toàn giao thông. Huyện bảo đảm quỹ đất dành cho công trình giao thông đạt trên 26%, mạng lưới giao thông nông thôn thực hiện đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật của đường giao thông.

Kinh phí dự kiến để thực hiện đề án khoảng 650 tỷ đồng. Vậy nên, phương châm đặt ra là tranh thủ tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông nông thôn của ngành giao thông, các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như huy động các nguồn lực trong dân để đề án được triển khai thuận lợi, tạo tiền đề để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

 

Theo Báo Gia Lai