Sinh khí mới từ dạy tiếng dân tộc ở cấp tiểu học
27/07/2012 07:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong 4 năm qua, thực hiện chủ trương triển khai dạy tiếng dân tộc ở cấp tiểu học của Bộ Giáo dục-Đào tạo, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh, mở rộng dạy đại trà tiếng Jrai và tiếng Bahnar như một bộ môn cho tất cả các trường tiểu học trên toàn tỉnh.
Trong 4 năm qua, thực hiện chủ trương triển khai dạy tiếng dân tộc ở cấp tiểu học của Bộ Giáo dục-Đào tạo, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh, mở rộng dạy đại trà tiếng Jrai và tiếng Bahnar như một bộ môn cho tất cả các trường tiểu học trên toàn tỉnh. Đây thực sự là một chủ trương đúng đắn, là giải pháp hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục miền núi nói chung và giáo dục dân tộc nói riêng. So với những năm học trước, năm học 2011-2012, số lượng học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai được học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số tiếp tục tăng. Hiện nay, toàn tỉnh có 105 trường tiểu học với 437 lớp học tổ chức dạy tiếng dân tộc Jrai và Bahnar. Có tổng số học sinh theo học là 10.859 em; trong đó, học sinh dân tộc Jrai là 9.692 và dân tộc Bahnar là 1.167 em.
Để rút kinh nghiệm cho việc triển khai công tác dạy tiếng dân tộc, liên tục trong các năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai cử những cán bộ giáo viên (CBGV) là những người dân tộc thiểu số có bề dày kinh nghiệm cùng cán bộ chuyên môn thuộc các Phòng Giáo dục-Đào tạo đi dự giờ, thăm lớp dạy tiếng dân tộc. Qua đó, tiếp tục xây dựng, đẩy mạnh triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho CBGV, cán bộ, công chức đang công tác ở vùng dân tộc. “Quyết định số 76/2008/QĐ-BGDĐT, Quyết định số 77/2008/QĐ-BGDĐT (ngày 26-12-2008) của Bộ Giáo dục-Đào tạo về việc ban hành Chương trình tiếng Jrai, tiếng Bahnar ở cấp tiểu học là một trong những giải pháp có tính căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc. Qua những năm áp dụng triển khai dạy học ở tỉnh Gia Lai đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh cấp tiểu học trên phạm vi toàn tỉnh. Qua khảo sát công tác dạy tiếng dân tộc thiểu số trong các trường học thì chương trình nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ chính quyền địa phương, nhà trường đến đội ngũ CBGV và nhân dân các dân tộc Bahnar, Jrai”-ông Kpă Pual-Trưởng ban Giáo dục Dân tộc (Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai) cho biết. Ông Kpă Pual- Trưởng ban Giáo dục Dân tộc (Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai) cho biết thêm, để triển khai dạy tiếng dân tộc đạt hiệu quả cao; bên cạnh công tác chỉ đạo kịp thời đến các đơn vị cơ sở, trường học thì phải triển khai cấp phát sách giáo viên, sách giáo khoa, bài tập cùng trang-thiết bị, đồ dùng dạy học xuống các lớp dạy tiếng dân tộc một cách đầy đủ và kịp thời. Theo đó, yêu cầu các Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở giáo dục cùng nhau phối hợp triển khai thực hiện. Tăng cường tổ chức các đoàn công tác đi dự giờ, thăm lớp để rút kinh nghiệm cho các năm tiếp theo. Đồng thời, Sở Giáo dục-Đào tạo thành lập đoàn công tác đi giao lưu, học tập và trao đổi kinh nghiệm về công tác dạy tiếng dân tộc tại tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Nghệ An, Đak Lak. Qua đó, tiếp thu những kinh nghiệm, cách làm hay của các đơn vị bạn để vận dụng vào thực tiễn tại tỉnh Gia Lai. Bên cạnh triển khai dạy và học tiếng nói, chữ viết Bahnar, Jrai trong các cơ sở giáo dục, ngành Giáo dục-Đào tạo Gia Lai cũng tập trung tăng cường dạy học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi. Trong 2 năm (2010 và 2011), tỉnh đã mở lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho 1.045 cán bộ, công chức từ tỉnh đến xã; trong đó có 747 người học tiếng Jrai và 298 người học tiếng Bahnar. Tuy nhiên, với điều kiện đặc thù của tỉnh vùng Tây Nguyên có mạng lưới trường học trải rộng và phân tán theo địa hình rừng núi chia cắt. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều hạn chế, đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số còn thiếu, đời sống người dân còn khó khăn. Bởi vậy, đến nay toàn tỉnh Gia Lai mới chỉ có 105 trường triển khai dạy tiếng dân tộc Bahnar và Jrai, chiếm khoảng 40,4% số trường tiểu học. Ông Phạm Văn Căn- Phó Trưởng ban Giáo dục Dân tộc (Sở Giáo dục-Đào tạo Gia Lai) cho hay: “Hiện nay, số lượng trường tiểu học có nhu cầu được triển khai chương trình dạy tiếng dân tộc là rất lớn. Nguyên nhân chính gây cản trở việc mở rộng số trường dạy tiếng dân tộc là do thiếu đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc. Hiện tỉnh Gia Lai còn thiếu khoảng 102 giáo viên dạy tiếng Bahnar (102 trường tiểu học có học sinh dân tộc Bahnar) và khoảng 30 giáo viên dạy tiếng Jrai (30 trường có học sinh dân tộc Jrai). Trong khi đó, chưa có một cơ sở đào tạo nào, ngay cả Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai vẫn chưa có lớp đào tạo giáo viên dạy bộ môn này”. Tỉnh Gia Lai hiện có 286 giáo viên tham gia dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số. Trong đó, dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Jrai có 254 giáo viên và tiếng nói, chữ viết dân tộc Bahnar có 32 giáo viên. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc của tỉnh hầu hết là người dân tộc Jrai và Bahnar, họ đã được đào tạo qua các trường sư phạm. Ngoài việc dạy văn hóa, đội ngũ giáo viên này còn được bố trí dạy thêm tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số như một bộ môn. Ông Phạm Văn Căn cho biết thêm: Nhìn chung, họ rất phấn khởi và tâm huyết vì chính họ đã giúp cho học sinh dân tộc của mình được bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ, góp phần bảo tồn, phát triển nhân cách con người mới, có kiến thức và khả năng hội nhập; đồng thời qua việc dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số đã giúp cho các em rèn luyện tư duy để học tốt môn tiếng Việt và các môn học khác trong trường tiểu học. Góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng chủ trương “Tiếp tục đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. “Sau 10 năm tiến hành dạy thực nghiệm (1997-2007) và 3 năm dạy chính thức tại tỉnh Gia Lai thì chủ trương triển khai dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nói chung và học sinh dân tộc Jrai và Bahnar nói riêng. Khi được đi học tiếng nói, chữ viết của chính dân tộc mình thì đại đa số học sinh dân tộc thiểu số không những chuyên cần mà còn tỏ ra rất thích thú và hứng khởi trong học tập. Bởi vậy, trong những năm học tới, ngành Giáo dục-Đào tạo Gia Lai muốn kịp thời có đủ số lượng giáo viên dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc cho học sinh dân tộc thiểu số để triển khai rộng khắp tất cả các trường trên phạm vi toàn tỉnh”- ông Kpă Pual nói
Theo Báo Gia Lai
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...
BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM 30 NĂM HÀNH TRÌNH AN ...