Tơ Tung phấn đấu trở thành nông thôn mới
09/07/2012 07:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày trước, xã Tơ Tung, huyện Kbang là một trong những cái nôi của chiến tranh du kích, là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ngày nay, trên con đường hiện đại hóa-công nghiệp hóa của cả nước, Tơ Tung được xác định là một trong những xã điểm của huyện trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cũng dễ hiểu bởi Tơ Tung là xã vùng III của huyện Kbang, hiện cả xã có 1.100 hộ, với 5.300 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 85% kèm theo đó là hàng loạt những bất cập và khó khăn. Điều đầu tiên cần nhắc đến là người dân nơi đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đời sống còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, những cách trở về địa lý cũng là điều đang được các cấp chính quyền xã quan tâm đầu tư khi mà địa bàn xã trải rộng trên 16 làng (với 14 làng đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có 2 làng người Kinh), đường sá, giao thông đi lại giữa các làng còn cách trở. Trình độ dân trí chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 59% tổng số dân toàn xã cũng là những thách thức lớn đối với việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Với những khó khăn nêu trên, các tiêu chí như thu nhập bình quân đầu người, hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất… là cả một thử thách lớn đối với xã trong điều kiện hiện nay. Khi người dân đồng thuận Theo ông Trần Xuân Nam, qua công tác tuyên truyền vận động, người dân đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới. Từ đó nhiều người đã sẵn sàng hiến đất, hoa màu để nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, các hạng mục công trình xây dựng cơ bản khác. Sự quan tâm của các cấp chính quyền cùng sự đồng lòng của người dân trên con đường xây dựng nông thôn mới khiến bộ mặt nông thôn của xã ngày một thay đổi rõ rệt. Điển hình như đường từ xã xuống các làng với chiều dài 13 km đã được bê tông hóa phẳng phiu nối các làng với xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, buôn bán. Trong trí nhớ của ông Châu Minh Kiệt-Trưởng thôn Nam Cao: “Những năm trước, đường sá mù mịt bụi vào mùa nắng, trơn trượt và lầy lội vào mùa mưa, những chuyến xe chở hàng vào hoặc chở hàng ra phải mất cả tuần nếu gặp phải lúc trời mưa”. Nhưng ngày nay khi con đường tới xã đa phần đã được trải nhựa hoặc bê tông kiên cố thì sự vui mừng của người dân nơi đây là điều tất nhiên. Với nụ cười vui vẻ, ông Kiệt chia sẻ: “Tơ Tung ngày nay khác rồi. Với sự đầu tư và quan tâm của các cấp chính quyền về xây dựng nông thôn mới thì bộ mặt nông thôn của xã ngày một tốt hơn, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành thì người dân cũng đã có sự hiểu biết, đồng lòng ủng hộ về đất đai, tiền của để góp phần xây dựng bộ mặt nông thôn ngày một giàu đẹp hơn”. Bên cạnh đó, 10 km đường Trường Sơn Đông đi qua xã tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu và phát triển cả về kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn xã. Thật vậy, đời sống kinh tế ổn định sẽ là điều kiện và là tiền đề để Tơ Tung vươn mình thoát khỏi đói nghèo trong một ngày không xa. Bên cạnh đó, người dân nơi đây đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và chọn cây mía làm cây trồng chủ lực, bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Cả xã có khoảng 1.800 ha đất trồng mía, với 94% người dân tham gia sản xuất. Ông Kiệt còn cho biết thêm: “Hiện nay, cây mía ở đây rất phát triển và là cây chủ lực đem về lợi nhuận cho người dân. Nếu giá mía ổn định thì vài năm nữa đời sống người dân sẽ khá hơn, qua đó việc xây dựng nông thôn mới sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn”. Với sự quan tâm chỉ đạo của cấc cấp chính quyền kết hợp với sự đồng thuận của người dân, tin chắc rằng Tơ Tung sẽ thoát ra khỏi diện xã khó khăn và hoàn thành các tiêu chí trong đề án xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.
Theo Báo Gia Lai
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...
Quản lý, đầu tư Quỹ BHXH an toàn, hiệu quả, đảm ...