Thành phố Pleiku: Hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc

06/07/2012 03:19 PM


Cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình ở TP. Pleiku ngày càng cải thiện. Theo đó, con người có điều kiện để tiếp thu, xây dựng và phát triển những giá trị nhân văn mới của gia đình. Nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của gia đình đối với con người nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung được nâng lên.

Cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của các gia đình ở TP. Pleiku ngày càng cải thiện. Theo đó, con người có điều kiện để tiếp thu, xây dựng và phát triển những giá trị nhân văn mới của gia đình. Nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của gia đình đối với con người nói riêng và sự phát triển của xã hội nói chung được nâng lên.

Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách”.

 

Theo đó, việc tạo dựng một gia đình ấm no, hạnh phúc luôn được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện mà trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố được coi là “đầu mối” của mọi hoạt động vì mục tiêu này. Thời gian qua, các cấp Hội tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ hội viên trong việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” lồng ghép đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, tiếp tục nhân rộng mô hình “Gia đình không có trẻ bỏ học và suy dinh dưỡng”, Câu lạc bộ “3 sạch” với gần 280 chị tham gia.

Tích cực thực hiện các chương trình quốc gia về dân số-KHHGĐ, phòng-chống suy dinh dưỡng trẻ em, phòng-chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội… Đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động Câu lạc bộ “Gia đình không sinh con thứ 3”, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, Câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”.

Gia đình hạnh phúc, ngoài việc các thành viên yêu thương, chia sẻ, có trách nhiệm với nhau thì yếu tố kinh tế vẫn là điều tiên quyết. Bởi vậy, nỗ lực giảm nghèo, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình hết sức được chú trọng. Các hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đều được Hội vận động giúp đỡ để phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, Hội cơ sở đã vận động và giúp đỡ 63 chị vay không lấy lãi với số tiền gần 135 triệu đồng và 12 chỉ vàng.

Thành hội đang tiếp tục cho 85 chị vay quỹ “Vì phụ nữ nghèo” và giao nuôi 19 con bò sinh sản. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho phụ nữ nghèo vay vốn lãi suất thấp với tổng dư nợ đầu năm đến nay gần 89,2 tỷ đồng (cho gần 5.300 hộ vay). Duy trì và xây dựng 44 tổ, nhóm tiết kiệm xoay vòng với trên 500 chị tham gia với tổng số tiền trên 120 triệu đồng. Toàn thành phố hiện có trên 890 tổ, nhóm tiết kiệm xoay vòng với gần 14.400 chị tham gia, tổng số vốn gần 5,2 tỷ đồng.

Ngoài giúp đỡ bằng tiền, các Hội cơ sở còn tổ chức cho trên 440 chị tham gia tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, kỹ thuật sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu bệnh… Khảo sát nhu cầu và tổ chức đăng ký học nghề tại các cơ sở theo tinh thần đề án “Hỗ trợ phụ nữ nghèo học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015”. Đồng thời tổ chức cho các chị đi tham quan các mô hình “Nuôi heo sạch”, “Trồng rau ngót” ở phường Thắng Lợi để học hỏi. Nhìn chung, với các hoạt động thiết thực này các cấp Hội đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho phụ nữ nghèo, các gia đình nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế gia đình bền vững.

Những năm qua, TP. Pleiku đã quan tâm đầu tư nhiều cho công tác gia đình, thể hiện qua kế hoạch của UBND thành phố về phòng-chống bạo lực gia đình giai đoạn 2009-2015 và thành lập Ban Quản lý kế hoạch tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống gia đình TP. Pleiku giai đoạn 2011-2015. Thông qua các chi hội cơ sở, các nhóm phụ nữ được tập hợp dưới các hình thức, mô hình câu lạc bộ “Gia đình phát triển bền vững”, “Gia đình không sinh con thứ 3”, “Gia đình không có trẻ bỏ học và suy dinh dưỡng”, “Gia đình hạnh phúc”… Từ đó thường xuyên truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ và các gia đình, cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, phòng-chống bạo lực gia đình.

Những thành công của công tác gia đình đã đưa tỷ lệ các hộ gia đình đạt danh hiệu văn hóa của thành phố năm sau cao hơn năm trước. Cuối năm 2011, UBND thành phố đã ra quyết định công nhận 187/247 thôn, làng, tổ dân phố văn hóa (đạt 75,7%). Số gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa là 42.353/48.583 hộ đạt 87,18% (năm 2010 đạt 78,6%). Đến thời điểm này, 100% hộ gia đình có phương tiện nghe nhìn, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn 5,93%.

Theo Báo Gia Lai