Gia Lai: Nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

02/07/2012 07:10 AM


Năm học 2011-2012 đã khép lại với những thành tựu đánh dấu bước phát triển mới của ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) tỉnh nhà, trong đó có giáo dục dân tộc (GDDT). Đây là kết quả của những chính sách ưu việt mà Đảng và Nhà nước luôn dành cho khu vực miền núi nói chung và GDDT nói riêng. Năm học vừa qua cũng là năm học mà GDDT tỉnh ta tiếp tục được ưu tiên phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực.

Năm học 2011-2012 đã khép lại với những thành tựu đánh dấu bước phát triển mới của ngành Giáo dục - Đào tạo (GDĐT) tỉnh nhà, trong đó có giáo dục dân tộc (GDDT). Đây là kết quả của những chính sách ưu việt mà Đảng và Nhà nước luôn dành cho khu vực miền núi nói chung và GDDT nói riêng. Năm học vừa qua cũng là năm học mà GDDT tỉnh ta tiếp tục được ưu tiên phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực.

Từ kết quả bước đầu…

Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 13 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) cấp trung học cơ sở (THCS) và 1 trường PTDTNT cấp trung học phổ thông (THPT) với tổng số 2.289 học sinh (HS), hiện nay, tỉnh đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đầu tư xây dựng thêm 1 trường PTDTNT cấp THPT tại thị xã An Khê và 2 trường PTDTNT cấp THCS tại Chư Pưh và Phú Thiện, dự kiến năm học 2012-2013, toàn tỉnh sẽ có 2 trường PTDTNT bậc THPT và 15 trường PTDTNT bậc THCS.

 

Năm học vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyển sinh, thực hiện các chế độ chính sách và chỉ đạo tổ chức các hoạt động, nâng cao chất lượng giáo dục, tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề về phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc, về công tác quản lý nội trú... Duy trì tốt giao ban hiệu trưởng các trường PTDTNT trong tỉnh.
 

Bên cạnh đó, chất lượng và hiệu quả đào tạo của trường PTDTNT ngày càng được cải thiện. Kỳ thi tốt nghiệp THPT của các trường PTDTNT năm học 2011-2013, toàn tỉnh có 105 HS dự thi, thì cả 105 em đều đậu tốt nghiệp với tỷ lệ 100% (tăng 1,38% so với năm học trước), trong đó tốt nghiệp loại giỏi có 4 em, khá 31 em, trung bình có 70 em, đặc biệt hơn trường PTDTNT tỉnh nằm trong tốp 11 đơn vị của tỉnh đậu tốt nghiệp 100%; đứng vị trí thứ 2/41 đơn vị trường THPT của tỉnh tham gia dự thi.

Kể từ năm học 2011-2012, toàn tỉnh có 14 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại 7 huyện: Kbang, Kông Chro, Mang Yang, Chư Sê, Phú Thiện, Đức Cơ và Krông Pa (trong đó, có 3 trường tiểu học, 2 trường trung học và THCS, 9 trường THCS) với 2.257 học sinh.

 

Theo lộ trình, từ năm học 2012-2013, tỉnh dự kiến sẽ thành lập thêm 9 trường PTDTBT phân bố tại các huyện: Krông Pa (4 trường), Kông Chro (2 trường), Mang Yang (3 trường) và Phú Thiện (1 trường). Năm học vừa qua có nhiều địa phương đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho đối tượng HS nội trú, bán trú dân nuôi; thực hiện đề án “Xây dựng nhà bán trú cho HS các trường THCS, THPT miền núi” kết hợp từ nguồn kinh phí do nhà nước đầu tư và nhân dân đóng góp.

Bên cạnh đó, lớp ghép cũng là một giải pháp tình thế mà trong điều kiện hiện nay vẫn đang phát huy tác dụng khá tốt, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc. Tính đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 119 trường học đang thực hiện dạy lớp ghép với 469 lớp và tổng số HS là 8.953 HS theo học và có 469 GV giảng dạy theo chương trình trên. Số GV dạy lớp ghép trong những năm gần đây luân chuyển công tác nhiều, do đó số GV đã được tập huấn về tổ chức và phương pháp dạy học lớp ghép chiếm tỉ lệ còn thấp.

… đến chính sách nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

Sau khi Chính phủ ban hành các văn bản về thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên. Tỉnh đã tích cực triển khai nội dung chuẩn bị tiếng Việt và tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc cấp tiểu học; lựa chọn phương án thích hợp như: Chương trình làm quen với tiếng Việt của lớp mẫu giáo 5 tuổi; bước đầu thử nghiệm dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; bước đầu triển khai thực hành giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ… nhằm đẩy mạnh việc phá vỡ những rào cản về ngôn ngữ phổ thông đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số, với 5 chương trình tăng cường tiếng Việt khác nhau dành cho mầm non và tiểu học.

Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp để phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chế độ chính sách miễn học phí đối với HS vùng dân tộc và các xã đặc biệt khó khăn; đầu tư mua sắm trang thiết bị, sách giáo khoa (SGK) cho các trường vùng khó khăn, các trường thuộc khu vực miền núi vùng dân tộc và vùng đặc biệt khó khăn; cấp đầy đủ vở viết, dụng cụ học tập SGK cho HS vùng đặc biệt khó khăn trước khi bước vào năm học mới; thực hiện chế độ, chính sách đối với HS trường PTDTNT, dự bị đại học dân tộc.

Bên cạnh đó, các chế độ, chính sách của GV cũng được quan tâm giải quyết đầy đủ, kịp thời; có chính sách đãi ngộ đối với GV dạy giỏi, GV công tác lâu năm ở vùng sâu, vùng xa, GV dạy phụ đạo, bồi dưỡng cho HS yếu kém trong dịp hè và dạy thêm tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo đối với HS là người đồng bào dân tộc thiếu số; chỉ đạo ngành GD tỉnh nhà phối hợp cùng địa phương tích cực chăm lo nâng cao đời sống cho đội ngũ GV; đầu tư xây dựng nhà công vụ, cung cấp nước sạch, công trình phụ, cung cấp trang thiết bị nghe nhìn, dụng cụ thể thao và hoạt động văn hóa văn nghệ cho GV vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ GV và HS vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; củng cố phát triển trường PTDTBT đảm bảo HS có chỗ ở an toàn, đủ ăn, đủ mặc và đủ sách học; phát triển hệ thống trường PTDTNT theo quy hoạch thống nhất, nâng cao chất lượng dạy học của trường PTDTNT; tiếp tục các giải pháp tăng cuờng tiếng Việt cho HS đồng bào dân tộc thiểu số ở bậc mầm non, tiểu học; dạy tiếng dân tộc trong các trường phổ thông và sư phạm, bồi dưỡng tiếng dân tộc cho GV… để giáo dục dân tộc ngày càng phát triển.

Theo Báo Gia Lai