Thách thức trong phát triển du lịch Gia Lai

31/05/2012 09:21 AM


Hiện trạng du lịch Gia Lai có nhiều tiềm năng du lịch. Nằm trên độ cao trung bình trên 600 mét so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 22-25 độ C, mát mẻ quanh năm, địa hình nhiều đồi núi, rừng nguyên sinh, sông hồ, thác ghềnh, rất thuận lợi để Gia Lai phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đi bộ, tham quan, nghiên cứu. Hệ thống giao thông của Gia Lai có đường bộ với 2 quốc lộ quan trọng 19 và 14 nối các tỉnh trong khu vực, các tỉnh Duyên hải miền Trung và TP. Hồ Chí Minh. Hệ thống các tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã cũng khá hoàn chỉnh.

Hiện trạng du lịch

Gia Lai có nhiều tiềm năng du lịch. Nằm trên độ cao trung bình trên 600 mét so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình 22-25 độ C, mát mẻ quanh năm, địa hình nhiều đồi núi, rừng nguyên sinh, sông hồ, thác ghềnh, rất thuận lợi để Gia Lai phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đi bộ, tham quan, nghiên cứu. Hệ thống giao thông của Gia Lai có đường bộ với 2 quốc lộ quan trọng 19 và 14 nối các tỉnh trong khu vực, các tỉnh Duyên hải miền Trung và TP. Hồ Chí Minh. Hệ thống các tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã cũng khá hoàn chỉnh.

Đường không Gia Lai có Cảng Hàng không Pleiku với các chuyến bay đến-đi trong tuần thuận lợi, nối các thành phố lớn của cả nước. Đây là tỉnh sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa, các danh lam thắng cảnh, là quê hương của 2 tộc người bản địa Jrai và Bahnar có bề dày truyền thống và bản sắc văn hóa giàu có, phong phú.

 

Thác Phú Cường.
Thác Phú Cường.

Cùng với việc quy hoạch, xã hội hóa nguồn lực, đầu tư các tour, tuyến điểm, cơ sở kinh doanh du lịch cũng có những khởi sắc nhất định. Nếu năm 2001, toàn tỉnh mới chỉ có 14 khách sạn và nhà khách kinh doanh du lịch gồm 410 phòng ngủ với 720 giường, trong đó có 5 khách sạn xếp hạng 1-2 sao, 187 phòng ngủ đủ tiêu chuẩn đón khách quốc tế thì đến năm 2011, tổng số cơ sở lưu trú du lịch của tỉnh là 55 với 1.362 phòng, 2.455 giường. Trong đó có 14 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 đến 4 sao, 41 khách sạn khác và nhà khách, nhà nghỉ đủ điều kiện kinh doanh lưu trú.

Quan tâm đến sản phẩm và dịch vụ nên hoạt động du lịch Gia Lai có những chuyển biến quan trọng, tạo được sức hút với du khách. Năm 2011, tổng lượng khách đến Gia Lai đạt 173.679 lượt, tăng 8,5% so với năm trước. Trong đó, khách quốc tế đạt 8.755 lượt (giảm 11% so với cùng kỳ năm trước). Tổng doanh thu du lịch đạt 157,307 tỷ đồng, tăng 26,4% so với năm 2010. Doanh thu lưu trú và từ dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao trong tổng doanh thu du lịch. Doanh thu lữ hành tăng 82% so với năm 2010, do có thêm đóng góp của đơn vị du lịch Hải Vân-Đak Lak (đi vào hoạt động từ tháng 6-2011).

Thách thức phát triển

 

Tuy có những cố gắng nhưng nhìn chung, du lịch Gia Lai còn chưa khai thác tốt tiềm năng, lợi thế vốn có, vì vậy đóng góp chưa nhiều vào nguồn thu của tỉnh. Lượng khách trong nước và quốc tế đến Gia Lai chưa nhiều, thậm chí còn giảm so với trước đây. Nguyên nhân một phần do tình hình kinh tế-xã hội có những diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến hoạt động của du lịch. Việc khai thác các tour hiện chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu sự hấp dẫn du khách. Ông Nguyễn Đức Hoàng-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: Hiện Gia Lai chỉ có 3 hãng du lịch lữ hành (quá ít so với trung bình 20 hãng/mỗi tỉnh và với cả nước là có khoảng 1 ngàn hãng lữ hành), vì vậy chưa đủ sức khai thác tiềm năng vốn có.

Gia Lai đã có các chính sách và định hướng quan trọng nhằm thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội khai thác du lịch; hoạt động kinh doanh lữ hành, quy hoạch đầu tư hạ tầng du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch, tham gia các chương trình, dự án của ngành du lịch như con đường xanh Tây Nguyên, gắn kết các di sản trong bản đồ du lịch miền Trung, hành lang Đông-Tây, kết nối khai thác du lịch với các địa phương trong “Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”, tham gia Năm Du lịch với các chủ đề khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn chưa tạo ra sự phát triển tương xứng.

Có thể nói Gia Lai không thiếu sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được. Đó là di tích Pơ tao Puih (Vua Lửa), Pơ tao Ia (Vua Nước), về cụm 10 di tích Tây Sơn Thượng đạo như di tích núi ông Bình (Nguyễn Huệ), hồ nước ăn, vườn trầu, vườn cam, kho tiền ông Nhạc (Nguyễn Nhạc); di tích làng Stơr gắn liền với tên tuổi Anh hùng Núp; Plei Me với anh hùng nhỏ tuổi Kpă Klơng, xã Gào; các danh lam thắng cảnh lồng trong những truyền thuyết tuyệt đẹp như núi Hàm Rồng, thác Ia Ly, Biển Hồ, thác Chín Tầng, thác Phú Cường; độc đáo rừng nguyên sinh Kông Ka King, Kông Chơ Rang… Nhưng trong khi các di tích, các điểm du lịch chỉ dừng lại ở việc khai thác “thô”, thậm chí khai thác kiệt quệ mà không có giải pháp tôn tạo, bảo vệ thì bên cạnh đó, việc đầu tư mở rộng, tạo thêm sản phẩm mới, điểm đến thu hút du khách, ngành du lịch tỉnh nhà cũng chưa làm được.

Đây là điều đáng lo ngại bởi hiện đang có nhiều tuyến, điểm du lịch có giá trị vô giá đang đứng trước nguy cơ mai một và mất đi. Ví như các di tích liên quan đến Tây Sơn tam kiệt-Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ, Nguyễn Huệ trên vùng đất phía Đông Gia Lai. Nhiều di tích trong cụm 10 di tích Tây Sơn Thượng đạo đang bị xuống cấp, hư hỏng đến mức thảm thương. Đó còn là sự “tha hóa” di tích theo một nghĩa nào đó trước sự biến động của xã hội như đối với di tích Plei Ơi (gắn liền truyền thuyết cây gươm thần Vua Lửa) mà nếu không có chính sách bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ thì sẽ không tránh khỏi mất mát.

Bà Nguyễn Thị Thúy Lan- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Lữ hành Gia Lai (Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Gia Lai) cho rằng, nguyên nhân du khách chưa mặn mà với du lịch Gia Lai là vì các sản phẩm và dịch vụ du lịch trong khu vực na ná như nhau, chất lượng của từng sản phẩm cũng chưa được nâng cao. Quá trình phát triển xã hội đã khiến nhiều buôn làng truyền thống bị đô thị hóa, “Kinh hóa”, làm mất đi bản sắc truyền thống.

Hình thức du lịch cưỡi voi xuyên rừng nguyên sinh, thăm thú buôn làng dân tộc thiểu số vốn rất được khách quốc tế thích thú nhưng nay thì làng voi Nhơn Hòa gần như “tuyệt chủng”. Đó là chưa kể chất lượng các cơ sở lưu trú, phương tiện phục vụ và dịch vụ đi kèm của du lịch tỉnh nhà còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa làm vừa lòng du khách.

Những khó khăn vướng mắc nêu trên rõ ràng là những thách thức không nhỏ, mà muốn vượt qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh và những người làm du lịch Gia Lai phải nỗ lực rất nhiều.

Theo Báo Gia Lai