Gia Lai: Còn khó khăn trong thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học
18/05/2012 08:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Đề án kiên cố hóa trường lớp học được triển khai ở Gia Lai từ năm 2008 đến nay với tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục các địa phương về vấn đề cơ sở vật chất, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Đề án kiên cố hóa trường lớp học được triển khai ở Gia Lai từ năm 2008 đến nay với tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục các địa phương về vấn đề cơ sở vật chất, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, theo chủ trương cắt giảm đầu tư công của Chính phủ thời gian qua, nhiều trường học thuộc đề án buộc phải dừng đầu tư xây dựng. Hư hỏng, xuống cấp nhưng không thể đầu tư bằng nguồn vốn khác là thực trạng chung của nhiều phòng học trên địa bàn tỉnh trong đó có huyện Đak Đoa. Vượt qua trở ngại về ngôn ngữ, cô giáo Nguyễn Thị Lệ Quyên đã từng bước gắn bó với công việc dạy học ở điểm trường làng Grek, xã Hnol, huyện Đak Đoa. Thế nhưng, khó khăn vì lớp học xuống cấp như thế này là một thử thách lớn đối với cả cô và 21 cháu đều là con em đồng bào dân tộc Bahnar. Không chỉ lo lắng những khi thời tiết mưa gió, bão lũ mà cả việc mất trộm những đồ dùng dạy và học được phòng giáo dục đào tạo huyện cấp về vì không có tường rào bao quanh, cửa nẻo lại không đảm bảo. Đây là trở ngại lớn đối với yêu cầu nâng cao chất lượng về chuyên môn. Cô Nguyễn Thị Lệ Quyên bày tỏ sự lo lắng: “Với cơ sở vật chất xuống cấp như thế này, việc triển khai chương trình giáo dục mầm non mới sắp tới đây chắc là sẽ gặp nhiều khó khăn”.
Xã Hnol, huyện Đak Đoa hiện có 7 làng nhưng chỉ mới mở được 6 lớp mẫu giáo với tổng số 137 cháu, trong đó gần 90% là con em đồng bào DTTS. Thông tư liên tịch số 29 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Tài chính về hỗ trợ tiền ăn trưa cho các cháu mầm non 5 tuổi ở các địa phương khó khăn bên cạnh niềm vui là niềm trăn trở của ban giám hiệu nhà trường làm sao để phát huy được hết tác dụng của chính sách hỗ trợ này trong việc huy động học sinh bám lớp bám trường. Cô Lê Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng trường mẫu giáo xã Hnol, Đak Đoa cho biết: Hướng sử dụng ngân sách này ở các điểm trường là chuyển cho phụ huynh học sinh để ở nhà tự mua sữa cho các cháu uống vì ở trường không có cơ sở vật chất cũng như không tuyển được cấp dưỡng để tổ chức nấu nướng cho các cháu. Bên cạnh đó, trường sẽ tổ chức họp và thông báo đến phụ huynh để nguồn kinh phí này được sử dụng đúng mục đích.
Không chỉ bậc mầm non, bậc tiểu học của huyện Đak Đoa cũng đối mặt với tình trạng nhiều phòng học xuống cấp. Cái khó của ngành giáo dục địa phương là vướng mắc trong việc lập đề án xin hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hoặc sửa chữa cho những phòng học này bởi phần lớn chúng đều đã có tên trong danh sách đầu tư của chương trình kiên cố hóa trường lớp học với ngân sách Trung ương. Theo ông Bùi Văn Hớn- Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đak Đoa thì do việc triển khai chương trình kiên cố hóa trường lớp học bị đình lại trong năm 2011 nên một số hạng mục công trình huyện đang đầu tư bị tạm dừng. Cùng với đó, phòng giáo dục huyện vướng phải khó khăn khi nguồn kinh phí đầu tư cho trường tiểu học và mầm non phụ thuộc ngân sách huyện nên chỉ đủ xây dựng phòng học còn các khu nhà hiệu bộ thì hầu như không có. Trong chuyến thăm và làm việc tại Gia Lai vào tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, nguồn vốn cho chương trình kiên cố hóa trường lớp học dành cho Gia Lai trong năm 2012 sẽ là 38,2 tỷ đồng và đang đề xuất thêm khoảng 20 tỷ nữa. Hy vọng việc phân bổ nguồn kinh phí này sẽ được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả nhằm giải quyết tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp ở huyện Đak Đoa nói riêng và Gia Lai nói chung trong thời gian sớm nhất.
Theo Báo Gia Lai
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...