“Nóng” chuyện di dân tự do, phá rừng làm rẫy

17/05/2012 07:19 AM


Hàng chục hộ dân Mông, Tày, Ê-đê ở nhiều tỉnh đã lén di cư đến phát rừng làm rẫy trong một thời gian dài, đến khi chính quyền huyện Krông Pa phát hiện sự việc thì họ đã kịp dựng nhà ở, ổn định sản xuất có thu hoạch, có hộ đã chăn nuôi lên cả trăm con bò. Thế nhưng câu chuyện giải quyết hậu quả thì vẫn đang gặp nhiều trắc trở…

Hàng chục hộ dân Mông, Tày, Ê-đê ở nhiều tỉnh đã lén di cư đến phát rừng làm rẫy trong một thời gian dài, đến khi chính quyền huyện Krông Pa phát hiện sự việc thì họ đã kịp dựng nhà ở, ổn định sản xuất có thu hoạch, có hộ đã chăn nuôi lên cả trăm con bò. Thế nhưng câu chuyện giải quyết hậu quả thì vẫn đang gặp nhiều trắc trở…

Vào khoảng năm 2010 và đầu 2011 đến nay đã có 29 hộ, 56 khẩu các dân tộc Mông, Tày, Êđê ở các tỉnh: Sơn La, Đak Lak di cư tự do và xâm canh phát rừng làm rẫy trên diện tích khoảng 17 ha tại vùng rừng sản xuất thuộc lâm phần quản lý thuộc xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, giáp ranh với huyện Krông Năng, tỉnh Đak Lak.

“Điểm nóng” vùng giáp ranh

Nằm cách trung tâm xã Chư Drăng, huyện Krông Pa chừng 30 cây số đường rừng rất khó đi, khu vực dân di cư tự do và xâm canh phát rừng làm rẫy nói trên ở lùi sâu vào trong phần đất của tỉnh Gia Lai quản lý. Phần đất này nằm ở vị trí tiểu khu 1395 và 1396 thuộc lâm phần rừng sản xuất do xã Chư Drăng quản lý. Trên hiện trạng vùng rừng này đang có 6 hộ, 31 khẩu dân di cư tự do người dân tộc Mông và 23 hộ, 25 khẩu sản xuất xâm canh người dân tộc Êđê, Tày cư trú tại hai địa điểm cách xa nhau từ 1 km đến 4 km. Theo báo cáo của UBND huyện Krông Pa thì tổng diện tích dân di cư tự do và xâm canh phát rừng làm rẫy ở khu vực này là 17 ha thuộc loại rừng sản xuất.

 

Ruộng lúa nước của dân di cư tự do, xâm canh đã bước sang mùa sản xuất thứ 2.
Ruộng lúa nước của dân di cư tự do, xâm canh đã bước sang mùa sản xuất thứ 2.

Đáng kinh ngạc là số người trên đã bước đầu tạo dựng chỗ ở, sinh hoạt và sản xuất ngay giữa rừng theo 3 nhóm tách biệt nhau gồm: Nhóm thứ nhất có 6 hộ, 31 khẩu người dân tộc Mông, quê quán ở huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chuyển đến trong khoảng thời gian năm 2010-2011 cư trú tại tiểu khu 1395; nhóm thứ 2 có 7 hộ, 9 khẩu xâm canh bao gồm 5 hộ, 7 khẩu người Tày, quê quán ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn và huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng (những người này có hộ khẩu thường trú tại huyện Krông Năng và huyện Ea Ka, tỉnh Đak Lak); họ sản xuất tại vùng đất thuộc tiểu khu 1396, cùng 1 hộ người Kinh quê ở tỉnh Trà Vinh, vào cư trú khai thác cát trái phép ở đây làm vật liệu xây dựng; Nhóm thứ 3 có 16 hộ dân tộc Êđê theo đạo Tin lành có hộ khẩu thường trú và nhà cửa, ổn định ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đak Lak, chuyển đến xâm canh tại tiểu khu 1396 từ năm 2008 đến nay.

Nhìn chung, về đời sống, các hộ dân tộc Tày đã có chòi lợp tôn; dân tộc Mông có chòi trệt, nhà lợp cỏ tranh, vách bằng nứa hoặc bạt. Nhà ở kết hợp với bếp nấu ăn, phương tiện sản xuất thô sơ; các hộ đều có xe gắn máy để lưu thông ra bên ngoài trao đổi hàng hóa. Họ sản xuất bắp, lúa cạn và tận dụng các khu vực dọc ven các suối nhỏ thuận lợi về nước để canh tác lúa nước được chừng 1 năm với diện tích khoảng 5 ha rẫy, 1 ha lúa nước; chăn nuôi heo, gia cầm. Đời sống của các hộ tạm bợ, mỗi hộ có từ 2 đến 4 con nhỏ từ 2-13 tuổi; các em theo cha mẹ, không được học hành… Còn các hộ dân tộc Ê-đê chủ yếu là người đã lớn tuổi cũng đã có chòi tranh; những người này chủ yếu ăn ở tại chòi rẫy để thuận tiện cho sản xuất.

Có những hộ đã trồng cây cà phê khoảng 1-2 năm tuổi với diện tích khoảng 2 ha; có hộ thì có máy cày công nông kết hợp với xay xát gạo; có hộ khai thác cát làm vật liệu xây dựng; và thậm chí có hộ đã phát triển đàn bò lên khoảng 100 con.

Điều lo lắng là những người di cư tự do, xâm canh này đang tiếp tục phát rừng, đốt rừng làm rẫy; thậm chí là khai thác gỗ trái phép. Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Krông Pa vào kiểm tra phát hiện hộ ông Nguyễn Văn Hoán ở nhóm người dân tộc Tày đang phát thêm 0,3 ha rừng làm rẫy; ở nhóm hộ dân tộc Mông cũng đang phát thêm 0,4 ha rừng làm rẫy. Nhiều đám rừng sản xuất ở gần các nhóm người này cư trú cũng đang bị đốt cháy loang lổ để lấy đất sản xuất. Đáng lưu ý là đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều súc gỗ hương mới bị khai thác trái phép giấu trong bìa rừng và một số lán nhỏ dựng trong rừng. Ngoài ra, đoàn kiểm tra của huyện cũng đã phát hiện và thu giữ 4 khẩu súng kíp từ những người di cư tự do, cư trú bất hợp pháp trên.

Khó trong giải quyết hậu quả

Từ sự việc trên cho thấy, hàng chục hộ dân di cư tự do và xâm canh đến phát rừng làm rẫy trong một thời gian dài, họ đã tạo lập dần các điều kiện để sản xuất và sinh sống với mục đích định canh, định cư lâu dài, nhưng chính quyền và ngành chức năng phát hiện quá muộn.

Sau khi phát hiện sự việc, UBND huyện Krông Pa đã lập đoàn công tác vào tận nơi để kiểm tra, triệu tập đại diện các hộ để lập danh sách thống kê nhân-hộ khẩu; đồng thời tổ chức nhóm họp, tuyên truyền công tác cam kết quản lý bảo vệ rừng, cam kết bảo vệ an ninh trật tự và vận động các hộ tự giác rời bỏ khu vực trở về định canh định cư nơi ở cũ, nhưng các hộ dân tộc Mông đã không chịu ký vào biên bản làm việc. Theo UBND huyện thì các hộ dân tộc Tày và Mông có nguyện vọng là xin được định cư lâu dài để sản xuất, sinh sống lập nghiệp ổn định cuộc sống tại đây. Còn các hộ dân tộc Ê-đê thì có nguyện vọng được xâm canh để sản xuất lâu dài, tăng thu nhập ổn định kinh tế gia đình.

Từ sự việc trên, cho thấy chính quyền huyện Krông Pa đang lưỡng lự và gặp lúng túng trong cách giải quyết dứt điểm tình hình này. Sau khi đoàn kiểm tra của UBND huyện và đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh phối hợp với huyện đi thực địa tại khu vực trên, phía UBND huyện Krông Pa đang gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh “xem xét, làm việc cụ thể với tỉnh Đak Lak và tỉnh Sơn La để có biện pháp phối hợp cưỡng chế các hộ thuộc dân tộc Mông ra khỏi khu vực rừng. Còn đối với các hộ Ê-đê và dân tộc Tày xâm canh cần cam kết có biện pháp quản lý về nhân-hộ khẩu và không phát rừng ngoài diện tích đang sản xuất lúa nước”.

Theo Báo Gia Lai