Gia Lai: Bám trụ, gieo chữ trên vùng đất khó

16/04/2012 08:23 AM


Từ cái duyên nghiệp và lòng yêu nghề, những thầy, cô giáo trẻ từ nhiều miền quê đã tình nguyện dồn hết sức trẻ, tri thức của mình để đến và gieo cái chữ cho con em của đồng bào ở 3 xã Ia Nan, Ia Dom và Ia Pnôn vùng biên giới, nơi được xếp vào diện đặc biệt khó khăn của huyện Đức Cơ-Gia Lai.

Từ cái duyên nghiệp và lòng yêu nghề, những thầy, cô giáo trẻ từ nhiều miền quê đã tình nguyện dồn hết sức trẻ, tri thức của mình để đến và gieo cái chữ cho con em của đồng bào ở 3 xã Ia Nan, Ia Dom và Ia Pnôn vùng biên giới, nơi được xếp vào diện đặc biệt khó khăn của huyện Đức Cơ-Gia Lai.

Cõng chữ lên non

Trong khí thế sôi sục khi vừa tốt nghiệp, các thầy cô mong ngóng sớm đến được nơi nhận công tác, đến nơi, những cơn mưa như đổ cùng với con đường lầy lội đầy đất đỏ đón chân các cô thấy khiến mọi người đều muốn chùng bước. Tuy nhiên, với sự quyết tâm các cô thầy đã tự hào khi mình quyết định ở lại với học trò còn nhiều gian khó của vùng biên giới.

Các em trên đường đến trường. Ảnh: Nguyễn Giác
Các em trên đường đến trường. Ảnh: Nguyễn Giác

Cô giáo Phan Thị Tâm nhớ lại ngày chân ước, chân ráo đến với Tây Nguyên: 14 năm trước, từ việc xa cách về tập tục, bất đồng ngôn ngữ, những ngày đầu tôi chỉ biết tròn xoe đôi mắt nhìn học sinh nói chuyện, rồi đến việc học sinh rời lớp, bỏ trường như cơm bữa… khiến nước mắt cứ như chực trào ra, trong lòng lúc ấy chỉ muốn trở về quê nhà.

Vượt qua những gian khó trở ngại ban đầu ấy, mỗi sáng đến lớp nhìn ánh mắt trong trẻo, tràn đầy niềm tin của học sinh làm cho nghị lực của các cô, thầy thêm ý chí và lòng quyết tâm gieo con chữ cho học sinh vùng khó. Ngoài chuyện tỉ mẫn gieo từng con chữ, cầm tay làm từng phép tính giúp các em nắm vững kiến thức trên lớp thì cô Tâm cũng như các cô, thầy khác còn kiêm luôn nhiệm vụ vận động phụ huynh, học sinh để các em đến lớp…

Đổi lại, sự cảm mến của học trò và gửi gắm của phụ huynh, những thầy cô giáo như cô Tâm đã giúp họ quyết định gắn bó lâu dài với miền biên viễn và ngôi Trường tiểu học Trần Phú, xã Ia Dom là địa chỉ cô Tâm gắn bó đến lớp mỗi ngày.

Ban đầu tôi cũng gặp rất nhiều bỡ ngỡ, nhất là ngày đầu tiên khi nhận công tác, qua hơn hai năm công tác tôi thấy quen với cuộc sống ở đây và yêu mến học sinh vì các em đều rất dễ mến- cô giáo Nguyễn Thị Phượng, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Ia Pnôn chia sẻ.

Khó khăn chồng chất

Trong số các trường tại 3 xã vùng biên giới, thì Trường tiểu học Cù Chính Lan, xã Ia Nan được xem là nơi còn gặp nhiều khó khăn nhất, bởi hầu hết cơ sở vật chất của nhà trường chưa hề có gì thay đổi so với lúc thành lập (năm 1988). Thầy giáo Hoàng Danh Long- Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thành lập hơn 20 năm, nhưng chưa một lần được đầu tư nâng cấp, tu bổ".

Một lớp học tại Trường Phù Đổng, xã Ia Puch. Ảnh: Nguyễn Giác
Một lớp học tại Trường Tiểu học Phù Đổng, xã Ia Puch. Ảnh: Nguyễn Giác

Hầu hết tất cả các trang thiết bị, cơ sở vật chất đều rất cũ kỹ. Cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, phòng học thì dột nát, lại thiếu nên chúng tôi phải mượn phòng khám của Công ty 72 bỏ trống để dạy. Điều kiện khó khăn, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học, mà còn là nguy cơ đe dọa đến tính mạng của các thầy, cô và học sinh của trường”.

Nơi học là thế, chốn sinh hoạt chung của các thầy cô giáo cũng không khá gì mấy bởi cũng là căn phòng mượn lại của trạm y tế - Công ty 72 bỏ hoang từ lâu, sực mùi hôi, mốc, mưa tạt, gió lùa. Cô giáo Nguyễn Thị Kim Thoa- giáo viên Trường tiểu học Cù Chính Lan, xã Ia Nan chia sẻ: “Chỗ ở rất khó khăn. Phòng tập thể 4 người, tôi với một cô nữa ở chung với 1 chị đã có con”.

Công việc cùng với khó khăn chất chồng, nhưng thế hệ thầy cô giáo nơi đây đã dạy dỗ nhiều thế hệ học trò, trong đó có nhiều người thành đạt và đây chính là nguồn động viên, niềm tự hào để các thầy cô tiếp tục mang tri thức, kinh nghiệm của mình đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Cô giáo Siu H’Luyến- giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Ia Pnôn tự hào nói: Trong số nhiều học trò trưởng thành đã có người làm Chủ tịch xã rồi, đó là tấm gương để các em học sinh đồng bào trong làng noi theo, học tập.

Từ sự nhiệt tình, tấm lòng tận tâm không mệt mỏi của thế hệ thầy cô, họ đã đến và gieo chữ vùng biên đầy gian khó và cũng chính họ đã mang lại kiến thức và tương lai tươi sáng cho con em đồng bào trên vùng đất khó Tây Nguyên.

 

Theo Báo Gia Lai