Mất mùa lúa vì rầy nâu
12/04/2012 01:18 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Gần một tuần nay, nông dân ở các huyện phía Đông Nam tỉnh đã bước vào thu hoạch lúa Đông Xuân. Trên bình diện chung thì vụ lúa năm nay được bà con nông dân đón đợi với niềm vui được mùa, năng suất gần 7 tấn/ha tính chung cho cả vùng hơn 10.000 ha. Vậy nhưng, đối nghịch với niềm hoan hỉ đó là nỗi buồn của hàng trăm hộ dân ở xã Ia Tul, huyện Ia Pa vì những đám ruộng đã cháy khô, hạt lúa bị lép.
Gần một tuần nay, nông dân ở các huyện phía Đông Nam tỉnh đã bước vào thu hoạch lúa Đông Xuân. Trên bình diện chung thì vụ lúa năm nay được bà con nông dân đón đợi với niềm vui được mùa, năng suất gần 7 tấn/ha tính chung cho cả vùng hơn 10.000 ha. Vậy nhưng, đối nghịch với niềm hoan hỉ đó là nỗi buồn của hàng trăm hộ dân ở xã Ia Tul, huyện Ia Pa vì những đám ruộng đã cháy khô, hạt lúa bị lép. Anh Ksor Rơm đang cùng với người nhà tập trung gặt đám ruộng ở cánh đồng Chroh Yang phía dưới chân núi Chư Mố. Vào mùa thu hoạch nhưng anh chẳng lấy gì làm vui, vì gia đình có 2 ha lúa ở đồng này thì gần một nửa trong số đó đã bị rầy nâu tàn phá. Cả đám ruộng của anh Rơm đang gặt khoảng 8 sào chỉ còn lại một ít rẻo lúa xung quanh bờ là có màu vàng của hạt thóc, còn lại đa số đã bị rầy khiến cả phần bông và thân lúa ngả sang màu trắng bạc dưới cái nắng gay gắt.
“Gần một tháng trước, lúa thì bị nhiễm rầy nâu. Cán bộ nhắc nhở phun thuốc diệt rầy nâu, nhưng cả nhà mình đang bận nhổ mì trên rẫy xa nên không về phun thuốc được. Cứ nghĩ là không sao, ai ngờ bị thiệt hại nặng quá. Cả 8 sào lúa nước bị rầy nâu phá, mất trắng!”- anh Rơm ngán ngẩm. Dọc đoạn đường từ trung tâm xã Ia Tul đến sát chân núi Chư Mố, hai bên đường có nhiều đám ruộng bạc phếch, có đám lúa đen sạm và lụi tàn nham nhở giữa cánh đồng như hình da báo. Một số nông dân đã cắt hết phần lúa bị rầy rồi chất đống đốt thành tro ngay đầu bờ ruộng. Ông Ksor Lách nói: “Nhà tôi có 5 sào lúa thì bị nhiễm rầy nâu thiệt hại mất 3 sào, phải cắt bỏ, đốt ngay tại ruộng để mầm bệnh rầy nâu không còn tồn tại đến mùa sau”. Rầy nâu gây hại trải rộng trên cả 3 cánh đồng Trạm bơm số 1, 2 và 3 của xã Ia Tul. Trong số hộ dân có lúa bị rầy nâu tàn phá có cả những hộ ở xã Ia Broăi và xã Chư Mố sang xâm canh, nhưng nặng nhất là lúa của người dân ở thôn Blanh, xã Ia Tul. Ông Siu Sứ-Chủ tịch UBND xã Ia Tul, cho biết: “Toàn xã có 30 ha lúa bị rầy nâu tàn phá dẫn đến mất trắng và nhiều diện tích lúa bị giảm năng suất còn lại 3-4 tạ/sào”. Nguyên nhân dẫn tới việc bệnh rầy nâu tàn phá lúa theo ông Siu Sứ là do sự chủ quan của người dân. Bởi vì đây không phải là mùa đầu tiên lúa của xã bị nhiễm rầy nâu, các mùa trước đã có rồi. Nhưng ở các lần đó, khi cán bộ đến nhà vận động thì người dân tập trung đi phun thuốc phòng trừ nên rầy nâu giảm rõ rệt. Còn lần này, “do đang vào mùa thu hoạch mì, lại có mấy cơn mưa trái mùa nên người dân lo sợ mì bị thối, bán không được, do đó đa số họ tập trung lên rẫy nhổ mì mà bỏ bê cây lúa khiến cho rầy nâu được dịp bùng phát, gây hại trên diện rộng”- ông Siu Sứ nói. Ông Nguyễn Đức Vinh- Trưởng trạm Bảo vệ Thực vật huyện Ia Pa cho biết: Lúa bị rầy nâu tàn phá nặng một phần vì người dân kém hiểu biết, họ cứ nghĩ là còn khoảng 1 tháng nữa là đến lúc gặt thì không cần phun thuốc, điều này là sai lầm vì giai đoạn này thường bị rầy gây hại nặng; vòng đời trung bình của rầy nâu tương đối ngắn, khoảng 20-25 ngày (nhiệt độ không khí 27-30 độ C), trong thời gian đó trứng 5-7 ngày, rầy non 12-15 ngày, rầy trưởng thành 3-5 ngày đẻ trứng và có thể sống 2 tuần lễ. Riêng vụ Đông Xuân này, Trạm Bảo vệ Thực vật đã phát hiện lúa bị nhiễm rầy nâu từ đầu tháng 3 và báo cáo UBND huyện kịp thời chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT, UBND các xã phối hợp tuyên truyền vận động người dân triển khai biện pháp phòng trừ; thế nhưng người dân vẫn cứ lơ là, ít quan tâm nên không triển khai phun thuốc đồng loạt, khiến rầy nâu lây lan nhanh, bùng phát trên diện rộng. “Từ đầu tháng 3 mới chỉ có 1 ổ rầy nâu gây cháy cục bộ 1 sào lúa ở xã Ia Tul, đến giữa tháng 3 thì có thêm 2 ổ rầy nâu với diện tích gây cháy là 2 ha ở xã Ia Tul và Ia Trôk. Thế nhưng đến giai đoạn lúa chín thì xảy ra hậu quả đáng tiếc như dự báo là chỉ riêng xã Ia Tul đã có đến 30 ha lúa bị cháy rầy thiệt hại nặng”- ông Vinh khẳng định. Điều chúng tôi cảm nhận được ở xã Ia Tul lần này là hầu hết nông dân bị mất mùa lúa đều tỏ ra hối tiếc vì đã thờ ơ, xem nhẹ khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chuyên môn trong phòng-chống bệnh rầy nâu. Có lẽ đây cũng là bài học để cho nông dân và chính quyền địa phương cần phải tích cực hơn trong việc phòng-chống sâu bệnh cho cây trồng ở những mùa vụ tiếp theo.
Theo Báo Gia Lai
Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và điều kiện ...
Trợ cấp thai sản đối với người tham gia BHXH tự ...
Hướng dẫn tham gia ý kiến góp ý dự thảo Nghị ...