Gia Lai: Rộn ràng ngày hội tư vấn tuyển sinh

05/03/2012 08:20 AM


Sáng 4-3, tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai, Báo Tuổi trẻ, Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo và Tỉnh đoàn Gia Lai tổ chức chương trình Tư vấn tuyển sinh và Hướng nghiệp 2012 cho học sinh và phụ huynh học sinh các trường THPT trên địa bàn TP .Pleiku và các huyện lân cận. Gần 2.000 học sinh, phụ huynh học sinh đã tới tham gia sự kiện này.

Sáng 4-3, tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Gia Lai, Báo Tuổi trẻ, Bộ Giáo dục-Đào tạo phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo và Tỉnh đoàn Gia Lai tổ chức chương trình Tư vấn tuyển sinh và Hướng nghiệp 2012 cho học sinh và phụ huynh học sinh các trường THPT trên địa bàn TP .Pleiku và các huyện lân cận. Gần 2.000 học sinh, phụ huynh học sinh đã tới tham gia sự kiện này.

Thành phần Ban tư vấn tuyển sinh có thầy Nguyễn Đức Nghĩa-Thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia cùng lãnh đạo, cán bộ phụ trách đào tạo của trên 10 trường đại học khu vực phía Nam, Tây Nguyên và đại diện Sở Giáo dục- Đào tạo Gia Lai. Thời tiết khá oi bức khiến không khí buổi tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp thêm “nóng” hơn. Hàng trăm lượt câu hỏi đã được các em học sinh đề cập trực tiếp tại buổi lễ tư vấn, nhiều câu hỏi thiết thực, thú vị bao trùm nhiều lĩnh vực ngành nghề, trường đào tạo…

* Các trường, ngành thuộc khối kinh tế: Dẫn đầu về tỷ lệ câu hỏi
 

Đã có hơn 2.000 học sinh và phụ huynh tham dự buổi tư vấn. Ảnh: Lê Hòa
Đã có hơn 2.000 học sinh và phụ huynh tham dự buổi tư vấn. Ảnh: Lê Hòa

Ở phần tư vấn tuyển sinh chung, các câu hỏi dành cho lĩnh vực ngành nghề thuộc khối kinh tế (Kinh tế- Tài chính- Ngân hàng- Nông lâm…) luôn nhận được nhiều câu hỏi nhất từ phía các em học sinh, chứng tỏ “sức nóng” của nhóm ngành nghề này với các em hiện nay. Điều này tiếp tục được thể hiện rõ ở phần tư vấn theo nhóm ngành. Hơn một nửa lượng học sinh và phụ huynh học sinh đã dành sự quan tâm của mình cho nhóm ngành kinh tế. Thậm chí, đã khá trưa, song rất nhiều phụ huynh, học sinh vẫn tiếp tục tham gia để được tư vấn trực tiếp, đặt câu hỏi với thành viên ban tư vấn, lãnh đạo trường mà các em đang quan tâm, “nhắm” đến trong kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới. Tiếp đến là nhóm ngành thuộc Khoa học xã hội, Sư phạm, Công an, Quân đội… và nhóm ngành thuộc Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ…

* Nhiều câu hỏi hay, thiết thực

Mở đầu chương trình tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp tại Gia Lai là câu hỏi về phạm vi ra đề của kỳ thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2012. Thầy Nguyễn Đức Nghĩa- Thành viên Ban tư vấn, cho biết: Đề thi tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2012 sẽ tập trung ở cả ba khối lớp 10, 11, 12 và sẽ không ra đề trong phần nội dung đã giảm tải theo quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo. Ngoài ra, thầy còn giải đáp cho các em về một số thắc mắc như: Máy tính nào được đem và sử dụng trong phòng thi, học sinh thuộc diện tuyển thẳng… Cụ thể, học sinh đạt giải nhất, nhì và ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia sẽ được xét tuyển thẳng vào các trường đại học trên toàn quốc, học sinh đạt giải khuyến khích sẽ được tuyển thẳng vào các trường Cao đẳng. Ngành nghề được xét tuyển thẳng là những ngành đúng hoặc ngành gần mà tới đây Bộ Giáo dục- Đào tạo sẽ đưa ra quy định cụ thể về vấn đề này để học sinh và nhà trường thực hiện.

Nhiều em cũng dành sự quan tâm tới điểm ưu tiên, cách tính điểm ưu tiên. Theo đó, mức tính điểm ưu tiên cho học sinh tại Gia Lai là 1,5 điểm; Học sinh thuộc diện ưu tiên như: Con thương binh có tỷ lệ trên 81% là 2 điểm, con thương binh có tỷ lệ dưới 81% là 1 điểm… Thí sinh thuộc 2 diện ưu tiên được tính điểm cả hai.

Em Ngô Hà Uyên Thảo- học sinh trường THPT chuyên Hùng Vương đưa ra câu hỏi khá thú vị: Sự khác nhau và lợi thế của các ngành đào tạo chuyên sâu với các ngành đào tạo mang tính chất bao quát? PGS.TS Đỗ Văn Dũng- Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng: Đào tạo chuyên sâu sẽ trang bị những kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực cụ thể, sinh viên ra trường sẽ nắm rất chắc kiến thức về lĩnh vực được đào tạo. Tuy nhiên, sự chuyển đổi cơ hội nghề nghiệp và phạm vi hành nghề lại hạn chế hơn, và ngược lại.

Đặc biệt, điều quan tâm nhiều nhất và có mật độ đậm đặc nhất là những câu hỏi không chỉ liên quan đến ngành nghề đào tạo mà còn hướng đến khả năng “hậu đại học”, tức là khả năng tìm việc sau khi ra trường. Em Lê Thị Hồng Dung (12A9- trường THPT Nguyễn Huệ- Đăk Đoa- Gia Lai), đưa ra câu hỏi: Em dự định sẽ đăng ký thi vào ngành Thiết kế và điều hành tour du lịch của trường ĐH Văn hoá TP. HCM, em muốn biết cụ thể khi theo học ngành này sẽ được đào tạo những gì? Khả năng ra trường tìm việc làm ra sao? Hay nhiều em đặt câu hỏi: Em học ngành này ra trường có thể xin việc ở đâu? Cơ hội việc làm thế nào? Thậm chí, một học sinh trường THPT Pleiku đã đưa ra câu hỏi: Ban tư vấn có thể hỗ trợ cho chúng em những thông tin dự đoán về nhu cầu tuyển dụng lao động, ngành nghề của khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới?...

* Học sinh dân tộc thiểu số, học sinh huyện nghèo đã tốt nghiệp THPT được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng

Đó là thông tin được ban tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2012 đưa ra. Thông tin này thực sự gây “sốc” với các em học sinh và phụ huynh. Đây là cơ hội cho các em người dân tộc thiểu số để các em được vào học trong các trường đại học, cao đẳng mà không phải trải qua kỳ thi chung như trước đây. “Tuy nhiên, các em được vào học theo diện tuyển thẳng này sẽ phải trải qua một thời gian nhất định bồi dưỡng kiến thức thì mới được bắt tay vào học chương trình đào tạo chính thức của nhà trường”- Một thành viên ban tư vấn cho biết.

* Quan tâm các ngành mới, các hệ đào tạo chất lượng cao, đào tạo ngoài chỉ tiêu

Nhiều em đã bày tỏ mối quan tâm của mình tới các ngành đào tạo mới. Em Phạm Thị Như Quỳnh (trường THPT Pleiku- TP Pleiku- Gia Lai) đưa ra câu hỏi: Em có ý định đăng ký thi vào ngành quản lý môi trường. Em được biết đây là một ngành mới, các thầy có thể tư vấn cho em biết thông tin về ngành này được không và học ngành này, ra trường em có thể làm việc ở đâu? Một học sinh trường THPT Pleiku cũng đặt câu hỏi tương tự như trên về ngành quản trị luật- ngành mới duy nhất có ở trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh. Nhiều em khác cũng đưa ra câu hỏi tương tự nhưng đối với các ngành khá mới mẻ khác như: Công tác xã hội, Quản trị lữ hành- Quản trị du lịch…

Một số em quan tâm đến hệ đào tạo chất lượng cao của các trường như: Đại học Luật TP. HCM, Đại học Khoa học tự nhiên- Đại học Quốc gia TP. HCM…

Nhiều em yêu thích ngành y dược nhưng lo ngại không đủ khả năng để thi đậu vào hệ đại học và muốn được tư vấn vào các hệ trung cấp, cao đẳng y dược và những khả năng được theo học liên thông tại các trường này. Nhóm ngành công an, quân đội thu hút chủ yếu các câu hỏi liên quan đến tiêu chuẩn đầu vào như sức khoẻ, thể lực, tiêu chuẩn đối với nữ…

Nhóm ngành Khoa học tự nhiên- Kỹ thuật, Công nghệ… ngoài những câu hỏi liên quan đến khả năng tìm kiếm việc làm, các em còn đề cập đến những cơ hội được học liên thông và học lên các bậc học cao hơn.

* Học sinh phải lượng sức để tránh lãng phí cơ hội

Đó là ý kiến của TS Nguyễn Đức Nghĩa- Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên ban chỉ đạo tuyển sinh quốc gia. “Xét trong các năm qua, Gia Lai là tỉnh có tỷ lệ học sinh thi đậu đại học cũng như điểm bình quân chung thấp, đứng ở vị trí 59/63 tỉnh, thành trong cả nước. Số thi sinh đạt điểm sàn Đại học chỉ trên 40%, nên tuy được hưởng điểm ưu tiên, song các em cũng phải nên căn nhắc thật kỹ và cẩn trọng lựa chọn những ngành, trường vừa sức, tránh lãng phí thời gian cũng như cơ hội vào học các trường Đại học. Bên cạnh đó, dù đậu đại học rồi thì quá trình học tập vẫn là một thử thách lớn, đòi hỏi năng lực và khả năng của mỗi em, nếu không rất dễ bị đào thải nên các em nên cân nhắc lựa chọn”.

Về một số câu hỏi liên quan đến vấn đề lựa chọn ngành nghề theo ý thích của học sinh hay sự áp đặt, định hướng của phụ huynh, các thành viên trong ban tư vấn cũng cho rằng, tốt nhất các em nên lựa chọn học và làm theo những gì mình thích, mình đam mê trên cơ sở năng lực thực tế của bản thân thì mới có thể gắn bó lâu dài và thành công. Các em phải biết khám phá năng lực bản thân, xác định đúng thế mạnh của mình để lựa chọn ngành nghề cho phù hợp, có cơ hội được phát huy tốt nhất khả năng của mình.

* Sau đây là một số hình ảnh về buổi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp 2012:

Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa
Ảnh: Lê Hòa

Theo Báo Gia Lai