Ia Lâu ngày ấy, bây giờ…

01/03/2012 07:50 AM


Vẫn cái nóng như thiêu, như đốt đến cháy sạm người, cái bụi mịt mù của con đường đất dài cả chục cây số như muốn xua đuổi, cản đường bất cứ ai muốn xâm nhập Ia Lâu. Khắc nghiệt là thế, nhưng với ý chí cần cù lao động, sức người Ia Lâu đã biến cái khắc nghiệt vùng biên cương thành gạo, thành cơm. Cảnh hoang vu ngày nào nay đã trở thành một vùng cư dân trù phú với cánh đồng lúa hàng trăm ha, công trình thủy lợi rộng lớn… Ia Lâu bây giờ đã khác, ấm no và thay da đổi thịt từng ngày.

Vẫn cái nóng như thiêu, như đốt đến cháy sạm người, cái bụi mịt mù của con đường đất dài cả chục cây số như muốn xua đuổi, cản đường bất cứ ai muốn xâm nhập Ia Lâu. Khắc nghiệt là thế, nhưng với ý chí cần cù lao động, sức người Ia Lâu đã biến cái khắc nghiệt vùng biên cương thành gạo, thành cơm. Cảnh hoang vu ngày nào nay đã trở thành một vùng cư dân trù phú với cánh đồng lúa hàng trăm ha, công trình thủy lợi rộng lớn… Ia Lâu bây giờ đã khác, ấm no và thay da đổi thịt từng ngày.
 
Vượt qua con đường đất dài hơn chục cây số từ trục tỉnh lộ 675 đến Ia Lâu vào mùa khô quả đúng là một thử thách không nhỏ với những ai muốn chinh phục. Từng lớp cát bột nhìn đẹp chẳng khác bãi cát mịn bên bờ biển, nhưng là… cái bẫy không dễ chiều đối với người đi đường. Nếu “đối thủ” dám khinh thường, vọt xe qua sẽ “vồ ếch” như chơi… Hai bên đường là rừng khộp, thuộc dự án chuyển đổi 50.000 ha rừng nghèo sang trồng cao su. Đến Ia Lâu, ngoài khu trung tâm xã được xây dựng hoành tráng với trường học, UBND xã, trạm xá, chợ… thì những cánh đồng lúa xanh rì, những rẫy mì đang mùa thu hoạch hay những ruộng dưa hấu mấp mô quả... khiến ai nấy dễ ngỡ ngàng đặt câu hỏi: “Liệu có phải là Ia Lâu?”…
 
Ngày ấy, Ia Lâu…
Trong ký ức của mình, Bí thư Đảng ủy xã Ia Lâu- ông Nông Văn Hoàng vẫn còn nhớ như in Ia Lâu của những ngày cách đây hơn 20 năm về trước: “Khi ấy, tôi mới chỉ là chàng trai 21 tuổi, từ Thái Nguyên theo các bác, các chú- chủ yếu là cán bộ về hưu, di dân từ dự án lòng hồ sông Đà vào xây dựng công trình thủy lợi Ia Lâu. Đây chính là những cư dân đầu tiên nhập cư đến Ia Lâu. Cả xã chỉ có duy nhất 6 làng bà con người Jrai sinh sống lọt thỏm giữa đại ngàn mênh mông. Nói thật, là thanh niên nhưng nhìn cảnh rừng núi hoang vu, chính tôi cũng còn nản”.
 
Ia Lâu ngày ấy chẳng khác một “ốc đảo” giữa rừng sâu, bốn bề là rừng. Mùa mưa, Ia Lâu lâm vào thế “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Cả một vùng rộng gần 28.200 ha, không nhìn thấy ranh giới chỉ vẻn vẹn có 6 làng bà con người Jrai sinh sống: Tu 1, Tu 2, Khôi, Bang, Đút, Pia 1, Pia 2, Me và làng Cùi (Bây giờ tách ra thành Ia Lâu và Ia Piơr nên Ia Lâu chỉ còn hơn 12.000 ha). Sợi dây duy nhất kết nối với bên ngoài là con đường mòn do một đơn vị lâm nghiệp vào khai thác tạo ra. “Bà con khi ấy chỉ biết làm lúa một vụ, ngoài ra trồng mì, bắp… nói chung chỉ làm đủ nhu cầu ăn, ở đây chẳng ai nghĩ tới chuyện trồng dôi dư làm gì vào cái thời ấy”- anh Hoàng kể lại. 
Công trình thủy điện Plei Pai. Ảnh: Lê hòa
Công trình thủy điện Plei Pai. Ảnh: Lê Hòa
“Tuy nghèo, nhưng bà con tình cảm vô cùng. Người từ vùng khác vào làm ăn, thiếu gì, bà con giúp nấy”- anh Hoàng nhấn mạnh thêm. 
 
18 người trong đoàn di cư làm kinh tế mới khi ấy được xã tạo điều kiện cho ở tạm trong một khu tập thể. Mới đến nên cuộc sống tạm bợ. “Chúng tôi phải chặt tạm cây để làm… cối giã gạo. Biết khổ nên Chủ tịch xã Ia Lâu khi đó là bác Rơ Lan La đã thường xuyên đến động viên anh em ở lại cùng bà con, giúp bà con trồng cây lúa nước, làm ăn kinh tế…”- Anh Hoàng nhớ lại. Cuối năm 1992, xã cấp đất cho các hộ và thành lập thôn Bắc Thái. Cả xã có một trường học cấp I nên con em trong xã hầu hết chỉ học hết cấp I rồi… nghỉ ở nhà. Ia Lâu ngày ấy khốn khó vô cùng.
 
Một kỷ niệm mà anh không thể nào quên, đó là lần anh và mấy anh em vào rừng gặp cọp. “Làm sao quên được, đó là vào khoảng tháng 7-1993, tôi và mấy anh em lên rừng. Vừa đến con suối cát dưới chân núi Chư Gây, anh em phát hiện thấy dấu vết của cọp. Mùi hôi tanh nồng nặc rất gần… Quả thật, bên kia suối là 2 mẹ con cọp đang hướng cặp mắt đỏ lòm về phía đoàn người. Hoảng quá, một anh trong đoàn rút khẩu K63 bắn thẳng về phía cọp mẹ và rồi quay lưng bỏ chạy tán loạn. Ngày hôm sau, đoàn quay lại kiếm thì chẳng thấy xác cọp đâu, chỉ thấy dấu vết máu còn để lại”- anh Hoàng kể.
 
Nghèo khó, thú dữ… vẫn không sợ bằng sốt rét rừng hành hạ. “Lạ nước, lạ cái”, ai cũng bợ bị sốt rét rừng “hỏi thăm”, dù đoàn di dân có cả y sỹ quân đội về hưu. “Cũng may, dù không ít lần bị sốt rét rừng hành hạ nhưng không ai bị chúng đánh gục. Khốn khó qua khi Nhà nước hỗ trợ cho những người dân đi làm kinh tế mới nhà cửa, đất sản xuất…”- anh Hoàng trải lòng.
 
Ia Lâu khởi sắc
Ia Lâu bây giờ đã thay da đổi thịt. Ảnh: Lê Hòa
Ia Lâu bây giờ đã thay da đổi thịt. Ảnh: Lê Hòa
Từ 18 hộ lập thành thôn Bắc Thái và 6 làng Jrai nghèo khó, tách biệt, Ia Lâu bây giờ đã khởi sắc và lớn mạnh rất nhiều. Không những thế, Ia Lâu lại sở hữu trong mình những tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển trong tương lai không xa. Ia Lâu hiện có hơn 12.000 ha diện tích đất tự nhiên, trong đó có 7.608 ha đất lâm nghiệp và 4.451 ha đất nông nghiệp. Cả xã có 1.881 hộ với 8.655 khẩu thuộc 14 dân tộc anh em sinh sống, trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 92%. Năm 2011, tổng thu ngân sách trên địa bàn xã đạt trên 2,25 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,35/người/năm.
 
Lúa nước là cây trồng chủ lực của Ia Lâu. Toàn xã có 673 ha lúa, năng suất trung bình 5,5 tấn/ha. Nếu như trước đây, bà con bản địa chỉ biết canh tác lúa một vụ hoặc trồng lúa cạn thì giờ đây, nhờ có công trình thủy lợi Ia Lâu và sắp tới- công trình đập thủy lợi Plei Pai, sức tưới 500-700 ha sắp tới sẽ đưa vào sử dụng đã, đang và sẽ góp phần không nhỏ tạo thêm “năng lượng” cho việc sản xuất lúa nước, nâng hiệu quả sản xuất từ 1 vụ/năm lên 2-3 vụ/năm, năng suất lúa nhờ thế cũng được cải thiện rất lớn. 
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông. Ảnh: Lê Hòa
Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông. Ảnh: Lê Hòa
Ông Nguyễn Đức Tuyên- Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, phấn khởi khoe về thế mạnh Ia Lâu: “Ia Lâu được tự nhiên ưu ái, ban tặng nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế. Ngoài cây lúa nước, cây lúa, điều, dưa hấu… không chỉ giúp người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo mà còn vươn lên làm giàu trong thời gian qua thì cây cao su thuộc dự án chuyển đổi rừng nghèo đang được triển khai cũng hứa hẹn đem lại cho người dân Ia Lâu một nguồn lợi không nhỏ nữa, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, hướng đến đảm bảo an ninh chính trị”.
 
Song song với việc trồng trọt, chăn nuôi cũng là thế mạnh của Ia Lâu. Tổng đàn gia súc, gia cầm của xã hiện lên đến gần 12.500 con, góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo cân bằng và an ninh lương thực cũng như cung cấp nguồn thực phẩm cho các vùng khác. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 38% theo tiêu chí mới.
 
Bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế, các lĩnh vực văn hóa-xã hội cũng được đặc biệt quan tâm. Xã hiện có 3 trường học (1 trường mầm non, 1 Tiểu học và 1 THCS), đội ngũ giáo viên trẻ, năng động và nhiệt tình. Con em trong xã đã không còn cái thời học biết mặt chữ rồi nghỉ vì không có lớp, việc học bây giờ đã khá rất nhiều, trường lớp khang trang. Bên cạnh đó, Phòng khám đa khoa khu vực với cơ sở vật chất khá đảm bảo, có bác sỹ chính quy… phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh cho bà con. Song song với đó, các chương trình thực hiện an sinh xã hội cũng được quan tâm thực hiện: Làm nhà 167 (60 căn nhà), các dự án 134, chương trình hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của thiên tai… 
 
Ia Lâu đang ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước đang được tích cực triển khai cũng đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên một diện mạo mới cho Ia Lâu trong tương lai không xa. “Điểm nhấn của Ia Lâu bây giờ chính là công trình thủy lợi Plei Pai với năng lực tưới tiêu thiết kế đạt khoảng 900 ha cây trồng 2 vụ, phục vụ nuôi trồng thủy sản, cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan cho khu vực biên giới và thậm chí là phát triển du lịch trong tương lai. Công trình trị giá gần 200 tỷ đồng đang trong quá trình hoàn thiện này, khi được đưa vào sử dụng sẽ là bầu nước mát, đem lại nguồn lợi không nhỏ cho không chỉ cư dân vùng đất Ia Lâu mà còn mở rộng ra các vùng lân cận. 
 
Không những thế, chợ Ia Lâu đang được đầu tư xây dựng trị giá hàng tỷ đồng nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm, trao đổi của bà con sẽ giúp Ia Lâu đẩy mạnh việc giao lưu, buôn bán, phấn đấu trở thành trung tâm của khu vực Đông Nam huyện Chư Prông…”- Chủ tịch xã Ia Lâu- Nguyễn Đức Tuyên nhận định.
 
Hy vọng rằng, với những tiềm năng đã và đang có, Ia Lâu sẽ có thêm những bước phát triển, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho huyện biên giới Chư Prông.

Theo Báo Gia Lai