Coi trọng dự báo các vấn đề phát sinh của thương mại thế giới
04/06/2019 01:39 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại diễn ra trên toàn thế giới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, địa phương coi trọng, tăng cường công tác nghiên cứu, đánh giá và dự báo các vấn đề mới phát sinh của thương mại toàn cầu để giảm thiểu tác động tới kinh tế trong nước.
Tham dự cuộc họp còn có lãnh đạo nhiều bộ, ngành, thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là thành viên của Ban chỉ đạo.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo đánh giá tình hình kinh tế thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế trong nước, đồng thời khẳng định tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập toàn diện mà trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế để góp phần cơ cấu lại nền kinh tế trong nước, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành đàm phán 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 3 FTA khác. Nếu được phê duyệt và đưa vào thực thi đầy đủ, Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nước trong khu vực có được quan hệ FTA cùng lúc với các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Nga và nhiều đối tác khác.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các bộ, ngành phải triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam với các khu vực, quốc gia như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Nga... để giảm thiểu các ảnh hưởng của xung đột thương mại quốc tế. Đồng thời tiếp tục đa dạng hoá thị trường, quan tâm tới các khu vực mới như khối Mecosur...
“Nền kinh tế thế giới đang chuyển dịch dòng đầu tư và thương mại thì công tác nghiên cứu, tham mưu phải theo dõi sát các xung đột thương mại, tăng cường quản lý, kỷ luật thị trường, thực hiện hiệu quả chống buôn gian bán lận, hàng giả hàng nhái, tăng cường thông tin cho doanh nghiệp trong nước để phòng tránh rủi ro”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị.
Đồng tình với Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc nhấn mạnh thêm rằng: “Các nội dung cam kết trong các hiệp định FTA có tiêu chuẩn cao và yêu cầu thực thi mạnh mẽ. Do đó, mọi vấn đề đều có thể là đối tượng tranh chấp khiếu kiện nên các bộ và địa phương phải xây dựng đội ngũ chuyên gia tư vấn tham mưu, trong thực thi chính sách”.
Trong khi đó, cho rằng dòng vốn đầu tư gián tiếp đang có thay đổi nên Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị các bộ, địa phương theo dõi giám sát chặt chẽ để giúp Chính phủ điều tiết kinh tế vĩ mô, bảo đảm cho các hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu, lưu thông tiền tệ diễn ra phù hợp với mục tiêu chung, phòng ngừa các rủi ro tác động tới nền kinh tế.
Trong dòng chảy thương mại, đầu tư toàn cầu diễn biến phức tạp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung đề nghị tiếp tục thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) có chất lượng cao về công nghệ và vốn; xây dựng hàng rào kỹ thuật để kiểm soát các dự án FDI bảo đảm các yêu cầu về môi trường, công nghệ, kiểm soát việc đầu tư núp bóng, nghiên cứu xây dựng các quy định chặt chẽ hơn về việc góp vốn mua cổ phần, thực hiện kiểm tra sau cấp phép các dự án FDI.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã tích cực, chủ động hơn trong hội nhập kinh tế quốc tế, khi tới nay, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản các FTA trong giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, các bộ, địa phương cũng thực hiện hiệu quả công tác chuẩn bị và triển khai các cam kết trên thực tiễn.
Đồng tình với ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ phải nâng tầm hội nhập kinh tế quốc tế với chất lượng cao hơn, toàn diện, sâu rộng, đổi mới sáng tạo và hiệu quả trong thời gian tới.
Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, địa phương coi trọng, tăng cường nghiên cứu, đánh giá, dự báo các vấn đề mới của hội nhập kinh tế quốc tế tác động tới Việt Nam. Cụ thể, Bộ Công Thương chủ trì nâng cao năng lực Tổ công tác dự báo để cập nhật, báo cáo kịp thời tới Thủ tướng Chính phủ thực trạng nền kinh tế, xu hướng chuyển dịch, cấu trúc dòng thương mại thế giới nhất là các tác động tới Việt Nam.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ ngành liên quan đánh giá việc thu hút, sử dụng FDI thời gian qua và làm rõ các cơ hội, thách thức với Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước báo cáo việc tham gia đầu tư, mua trái phiếu, cổ phiếu của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán. Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế về quốc tế phối hợp cùng các bộ, ngành tiến hành hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp, địa phương...
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì, tập trung tổ chức Diễn đàn hội nhập quốc tế về kinh tế quốc tế lần thứ 3 với các nội dung cụ thể, thiết thực, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu của doanh nghiệp.
Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện Nghị quyết số 72 của Quốc hội phê duyệt Hiệp định thương mại CPTPP và Quyết định số 121 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 72 của Quốc hội; tiếp tục rà soát pháp luật trong nước để chỉnh sửa cho phù hợp với các cam kết thương mại quốc tế.
Theo Chinhphu.vn
Chuyên mục Dân hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời
Tác phẩm đạt giải Đặc biệt, giải A và giải B cuộc ...
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...