Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao

29/05/2019 09:25 AM


Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 28/5, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 28/5, Quốc hội đã nghe các báo cáo về dự án dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.

Ảnh: quochoi.vn
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết: Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 9 thông qua ngày 27/8/1996, có hiệu lực thi hành từ ngày 9/9/1996. Sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên (DBĐV) nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV chưa được thể chế, cụ thể hóa; một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành có quy định liên quan đến lực lượng DBĐV, như: Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ. Nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản QPPL tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Luật được xây dựng với mục đích xây dựng lực lượng DBĐV hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cũng nhấn mạnh quan điểm xây dựng luật là: Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội; thống lĩnh của Chủ tịch nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân; sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ; sự chỉ huy, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đối với lực lượng DBĐV.

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Hiến pháp năm 2013 về xây dựng quân đội nhân dân: “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng DBĐV hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về lực lượng DBĐV, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn và quy định của pháp luật hiện hành về lực lượng DBĐV; đồng thời, bổ sung những quy định mới đã được thực tiễn kiểm nghiệm, chứng minh là phù hợp; bảo đảm tính kế thừa, phát triển các quy định của pháp luật hiện hành về lực lượng DBĐV.

Nghiên cứu những ưu điểm, tồn tại, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, các nhóm giải pháp, kiến nghị, đề nghị được rút ra từ tổng kết 20 năm thực hiện Pháp lệnh hiện hành để bảo đảm tính thực tiễn, khả thi.

Bảo đảm tính công khai, dân chủ, minh bạch và dễ tiếp cận; tiếp thu những ý kiến hợp lý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học trong quá trình soạn thảo.

Phù hợp với xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế; trên cơ sở giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không để bị phụ thuộc, lệ thuộc vừa phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nguồn lực của đất nước trong xây dựng và huy động lực lượng DBĐV trong tình hình mới.

Dự thảo Luật Lực lượng DBĐV hiện được xây dựng với bố cục gồm 5 chương, 47 điều, quy định về xây dựng, huy động lực lượng DBĐV; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, huy động lực lượng DBĐV.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Lực lượng DBĐV do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày khẳng định, Ủy ban nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng DBĐV; khắc phục những vướng mắc, bất cập và hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng DBĐV; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, nhất là các luật điều chỉnh quan hệ xã hội trong trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để lực lượng DBĐV hoạt động hiệu quả, hiệu lực.

Về tính hợp hiến, sự phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi, ông Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật cơ bản đã cụ thể hóa được đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất với các luật có liên quan; nghiên cứu quy định ngay trong luật một số nội dung giao Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết, nhất là những nội dung liên quan đến quyền công dân, quyền về tài sản, bảo đảm công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân.

Về bố cục của dự thảo Luật, một số ý kiến cho rằng, nội dung về sĩ quan dự bị, quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị đã được quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng và Luật Nghĩa vụ quân sự. Do đó, đề nghị rà soát quy định cho phù hợp hoặc bỏ các Điều 11, 19 và Điều 26 dự thảo Luật.

Có ý kiến đề nghị bỏ Điều 2 và Điều 47 vì không cần thiết; bỏ Điều 43 và Điều 45, vì các nội dung này đã được quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự và Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Có ý kiến đề nghị bổ sung vào Chương I quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, hoạt động của lực lượng DBĐV để làm cơ sở để xây dựng các nội dung khác của dự thảo Luật. Có ý kiến đề nghị rà soát Chương III để quy định bảo đảm sự công bằng về chế độ, chính sách, động viên lực lượng DBĐV hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời, một số nội dung chỉ quy định khái quát, tránh chồng chéo với các luật khác; đề nghị sửa lại tên Chương IV là: “Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân” và rà soát nội dung các điều luật cho phù hợp. Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm phối hợp của các cơ quan trong việc đăng ký, quản lý phương tiện kỹ thuật để bảo đảm tính khả thi; quy định cụ thể về cơ chế đăng ký, kiểm tra, phúc tra quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật để thuận tiện trong tổ chức thực hiện; bổ sung 1 điều quy định về việc tiếp nhận quân nhân dự bị sau khi hoàn thành nhiệm vụ về địa phương.

Ủy ban Quốc phòng-An ninh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên để xây dựng bố cục của dự thảo Luật rõ ràng, phù hợp về hình thức, nội dung, bảo đảm tính logic, hiệu quả trong tổ chức thực hiện.

Theo Chinhphu.vn