Đề xuất cấm bán online với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt

12/08/2024 08:10 AM


Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược quy định cấm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ.

Sáng 12/8, phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Ủy ban Xã hội cho biết Dự thảo Luật lần này đã lược bỏ một số nội dung, làm rõ và cụ thể hơn các quy định so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể điều kiện, các loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc, giá bán, biện pháp bảo đảm bảo mật thông tin người mua…

Ủy ban Xã hội khẳng định dự thảo luật đã quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại khoản 1a Điều 42 quy định "Thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc Danh mục thuốc không kê đơn trừ thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt"; "Thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt".

Dự thảo luật cũng bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm, như "cấm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ"; "cấm bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt".

Dự thảo luật cũng cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Về cách thức tiến hành, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, dự thảo Luật ủy quyền giao Bộ trưởng Y tế quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc đến người mua.

Về cơ chế quản lý quảng cáo thuốc, một số ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình việc bỏ xác nhận quảng cáo thuốc và yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, quy định chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, tăng cường trách nhiệm đối tượng tham gia quảng cáo.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giữ lại quy định xác nhận nội dung quảng cáo thuốc như Luật hiện hành và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung quảng cáo thuốc, hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và xác định nội dung quảng cáo thuốc; yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể chính sách ưu đãi đủ mạnh, có trọng tâm, trọng điểm để khắc phục tồn tại, khó khăn trong phát triển ngành dược trong nước và tăng khả năng tiếp cận của người dân với các thuốc nhập khẩu chất lượng cao.

Ủy ban Xã hội cho biết các chính sách của Nhà nước về dược và lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp dược được dự kiến chỉnh lý theo hướng này.

Theo đó, dự thảo Luật đã quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho doanh nghiệp dược; chính sách ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập; phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; cải cách, ưu tiên về thủ tục hành chính trong cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu…

Cũng liên quan đến dự thảo Luật, có đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung quy định quản lý đối với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm điều trị vào phạm vi điều chỉnh của Luật, song theo Ủy ban Xã hội, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm điều trị không phải là thuốc nên không điều chỉnh các sản phẩm này trong dự thảo Luật.

Với những bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm điều trị, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.

Theo Hoài Thu (dantri.com.vn)