Thổ Nhĩ Kỳ có thể không bao giờ mua máy bay Mỹ nữa
30/09/2019 07:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo giới chuyên gia, việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35 là “điều may mắn lớn cho nước này".
Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển tiêm kích F-35 sau khi Ankara quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Các chuyên gia tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây có thể mua máy bay quân sự từ Nga.
Theo hãng tin Sputnik, người phát ngôn Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Şentop tuần này cho hay Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua tiêm kích Su-35 và Su-57 của Nga với các điều khoản có lợi sau khi bị Mỹ loại khỏi chương trình F-35.
Các linh kiện của tổ hợp S-400 được chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: REUTERS
Tại cuộc triển lãm hàng không quốc tế MAKS-2019 tổ chức ở Zhukovsky, ngoại ô thủ đô Moscow, Nga tháng trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã mục sở thị máy bay chiến đấu Su-57 và MiG-35. Ông Erdogan sau đó nói với truyền thông rằng Su-35 và Su-57 có thể thay thế cho tiêm kích F-35 của Tập đoàn Lockheed Martin sau khi nhà thầu này không bàn giao số F-35 Ankara đã đặt mua.
Ông Mesut Hakki Casin, giáo sư luật tại ĐH Yeditepe, giáo sư quan hệ quốc tế tại Học viện Không quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul, đã có những bình luận về phát triển xa hơn trong hợp tác kỹ thuật hàng không của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Mỹ trong một cuộc phỏng vấn của Sputnik.
“Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ đang ở giai đoạn đưa ra một quyết định rất nghiêm túc. Một trong những lý do cho điều này là việc Mỹ từ chối bàn giao các tiêm kích F-35 mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ đã trả tiền toàn bộ. Quyết định này của Mỹ được biết có liên quan tới việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga. Trong khi đó, động thái này lại trái với luật pháp quốc tế bởi một bên nói về hệ thống phòng không, bên kia lại nói về máy bay quân sự. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ về mặt pháp lý là một trong những nhà sản xuất máy bay F-35” - ông Casin nói.
“Trong chuyến thăm Nga mới đây, Tổng thống Erdogan đã đặc biệt chú ý tới việc thảo luận hai vấn đề quan trọng - mua tiêm kích Su-35 và thực hiện những dự án về sản xuất chung máy bay Su-57 thế hệ thứ 5. Những vấn đề này hiện đang được các chuyên gia của Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan có thẩm quyền khác nghiên cứu. Song song đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang bảo vệ các quyền của nước mình về chuyện bàn giao F-35 trong khi tiếp tục đàm phán với Mỹ về vấn đề này.
Tiêm kích đa nhiệm Su-35 của Nga bay trình diễn tại triển lãm hàng không MAKS-2019 ở Moscow. Ảnh: SPUTNIK
Nếu Mỹ tiếp tục từ chối cung cấp F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, nước này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng mua Su-35 và cùng tham gia sản xuất Su-57. Ngoài ra, trong trường hợp này, Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ sẽ không bao giờ mua máy bay Mỹ lần nữa. Tương tự như thế, sau khi Anh tịch thu tàu chiến Sultan Osman và Reşadiye của Thổ Nhĩ Kỳ trong Thế chiến thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ không còn mua tàu chiến, máy bay hay bất cứ trang thiết bị quân sự nào từ Anh nữa” - ông Casin nói thêm.
Phát biểu về sự thành công của công nghệ Nga tại triển lãm hàng không Teknofest 2019 ở Istanbuk, vị chuyên gia này lưu ý:
“Các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao về khả năng cơ động của Su-35 và nhìn chung cho thấy sự quan tâm lớn đối với máy bay dân sự và quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ. Nói chung, chúng tôi có thể tự tin nói rằng sự hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga trong lĩnh vực kinh tế, hàng không và không gian đã đạt đến cấp độ mới về mặt chất lượng”.
Đến lượt mình, nhà kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Şevket Apuhan bình luận về các thỏa thuận tiềm năng trong lĩnh vực hàng không giữa Ankara và Moscow. Ông nhấn mạnh rằng Nga “là quốc gia lớn để hợp tác mà từ đó Thổ Nhĩ Kỳ có thể phát triển công nghệ cao hiện đại và kiến lập việc sản xuất thiết bị quốc gia”.
Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 của Nga tại triển lãm hàng không MAKS - 2019. Ảnh: SPUTNIK
Theo nhà kinh tế Apuhan, việc Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình F-35 là “điều may mắn lớn cho nước này vì mỗi đồng đôla Mỹ nhận được từ việc bán thiết bị quân sự được sử dụng để cung cấp vũ khí hạng nặng cho Đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ xem là tổ chức khủng bố. Trong tình hình này, Thổ Nhĩ Kỳ cứ nghĩ rằng mình trả tiền để được bảo vệ nhưng thực tế lại đang tự khiến bản thân dễ bị tổn thương hơn bằng chính đôi tay của mình. Do đó, việc ngừng trả chi phí an ninh vào túi Mỹ cũng là một bước chiến lược quan trọng”.
“Tuyên bố của Tổng thống Erdogan trong chuyến thăm Moscow về khả năng mua máy bay quân sự của Nga có thể được coi là một thông điệp gửi tới Mỹ và toàn bộ thế giới. Hợp tác với Nga sẽ giúp củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực này và đảm bảo sự độc lập đối với Mỹ” - ông kết luận.
Theo Dân Trí
Công thức tính lương hưu tháng 9 năm 2024
Chi trả lương hưu qua tài khoản từ 1.9 cụ thể ra ...
BHXH Krông Pa linh hoạt trong tuyên truyền, phát ...