Trung Quốc “giữ chân” doanh nghiệp nước ngoài trước làn sóng rời đi ồ ạt

17/09/2019 07:43 AM


Giới chức Trung Quốc đã sử dụng nhiều cách để giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài tại khu công nghiệp khi áp lực từ cuộc chiến thương mại khiến họ tính cách chuyển dây chuyền sản xuất sang nước khác.

Giới chức Trung Quốc đã sử dụng nhiều cách để giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài tại khu công nghiệp khi áp lực từ cuộc chiến thương mại khiến họ tính cách chuyển dây chuyền sản xuất sang nước khác.
>>Doanh nghiệp Mỹ “tăng tốc” rời Trung Quốc khi thương chiến leo thang
>>Doanh nghiệp Nhật Bản đồng loạt tính cách rời khỏi Trung Quốc
>>Rời Trung Quốc do chiến tranh thương mại, doanh nghiệp “để mắt” Đông Nam Á

Trung Quốc “giữ chân” doanh nghiệp nước ngoài trước làn sóng rời đi ồ ạt - 1

Khu công nghiệp Tô Châu là nơi có tới 5.000 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động (Ảnh: SCMP)

Nằm ở phía đông tỉnh Giang Tô, khu công nghiệp Tô Châu, một trong những mắt xích quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng đáng kể của Trung Quốc trong 30 năm qua, là nơi đang chứng kiến những vấn đề khó khăn của nền kinh tế nước này.

Được xây dựng trên khu vực có diện tích gấp 5 lần trung tâm tài chính kinh tế Manhattan nổi tiếng ở thành phố New York, Mỹ, khu công nghiệp Tô Châu trước đây từng là những cánh đồng và khu chăn nuôi trồng trọt. Sau đó, khu công nghiệp này được thiết kế lại và lấy cảm hứng từ Singapore, trong đó tập trung vào quy hoạch đô thị và cảnh quan xanh.

Thành phố Tô Châu, trung tâm tơ lụa thường được ví như Venice của phương Đông vì có nhiều kênh rạch, đã hiện đại hóa và trở thành một trong những biểu tượng cho sự phát triển công nghiệp của Trung Quốc.

25 năm kể từ khi thành lập khu công nghiệp Tô Châu, khu vực này đã thành công trong việc thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài đặt chân tới đây, với đề xuất hấp dẫn về lao động giá rẻ và cơ sở hạ tầng hiện đại. Sự xuất hiện của họ giúp khu công nghiệp Tô Châu tăng trưởng kinh tế gấp đôi trong vòng 10 năm đầu tiên khi thu hút các doanh nghiệp đa quốc gia hàng đầu như Microsoft, Siemens, Honeywell và Panasonic. Trong nửa đầu năm nay, đóng góp của khu công nghiệp Tô Châu chiếm 14% trong toàn bộ nền kinh tế của thành phố.

Tuy nhiên, những khó khăn của nền kinh tế Tô Châu có thể cảm nhận rõ trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức, từ tăng trưởng chậm chạp cho tới chiến tranh thương mại với Mỹ và lo ngại về làn sóng rời đi ồ ạt các doanh nghiệp sản xuất. Giới chức Tô Châu đang phải “căng mình” để giữ chân các công ty nước ngoài - nguồn cung cấp việc làm và doanh thu từ thuế dồi dào cho thành phố. Họ đề xuất trợ cấp và các hình thức hỗ trợ khác để thuyết phục các công ty này ở lại.

Là nơi tập trung 5.000 doanh nghiệp nước ngoài, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp xuất khẩu, khu công nghiệp Tô Châu đã chứng kiến xuất khẩu giảm 10% trong 7 tháng đầu năm 2019 so với năm trước đó, trong khi nhập khẩu giảm 15%. Đây là sự sụt giảm đáng kể đối với một khu công nghiệp như Tô Châu, nơi vốn được xây dựng để phục vụ cho thương mại quốc tế, còn bây giờ ngày càng phục vụ nhiều cho thị trường nội địa tại Trung Quốc. Đây cũng là một trong những tác động từ đòn áp thuế liên tiếp của chính quyền Tổng thống Donald Trump lên hàng hóa Trung Quốc thời gian qua.

Hồi tháng 8, các quan chức từ Phòng Thương mại Giang Tô đã tới thăm một số doanh nghiệp nước ngoài tại khu công nghiệp để hỏi về các vấn đề mà họ đang gặp phải cũng như cách chính quyền tỉnh có thể giúp đỡ. Chính quyền Giang Tô nỗ lực để ngăn chặn ngày càng nhiều công ty chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước Đông Nam Á, nơi có chi phí rẻ hơn và thuế thấp hơn.

Trong số các công ty được chính quyền Giang Tô gặp gỡ có công ty bao bì SIG Combibloc của Thụy Điển - doanh nghiệp bị mất 8% đơn hàng do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Mặc dù đây không phải vấn đề quá lớn với SIG do hầu hết khách hàng lớn nhất của công ty này là ở Trung Quốc, nhưng mức thuế 10% do Trung Quốc áp lên nhiều hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đã có ảnh hưởng nhất định. Mặc dù vậy, về mặt nhập khẩu, SIG đang được chính quyền địa phương trợ cấp và giảm thuế.

Trung Quốc “giữ chân” doanh nghiệp nước ngoài trước làn sóng rời đi ồ ạt - 2

 

Khu công nghiệp Tô Châu được thành lập từ năm 1994 và là dự án hợp tác liên chính phủ giữa Trung Quốc và Singapore. (Ảnh: Xinhua)

Chúng tôi phải nhập khẩu các máy móc sản xuất rất đắt và chính quyền đã đồng ý miễn áp thuế 10% đối với chúng tôi. Điều này có ý nghĩa rất lớn. Chẳng hạn nếu chúng tôi nhập khẩu 1 tỷ Nhân dân tệ (141,9 triệu USD)  tiền máy móc, chúng tôi có thể tiết kiệm 100 triệu Nhân dân tệ”, Chen Minhua, giám đốc quan hệ đối ngoại của SIG, cho biết.

Chính phủ các nước Đông Nam Á cũng đang đề xuất các chính sách hỗ trợ nhiều hơn, do vậy một trong số các đối thủ của chúng tôi đã thiết lập cơ sở mới tại Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn lựa chọn lập cơ sở mới tại Tô Châu nhờ sự trợ cấp của chính quyền địa phương. Chúng tôi quyết định đầu tư 3 tỷ Nhân dân tệ vào cơ sở mới”, Sha Haito, giám đốc SIG, nói thêm.

Việc giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài như SIG là điều rất cần thiết đối với khu công nghiệp Tô Châu.

Các doanh nghiệp nước ngoài chiếm từ 60 - 70% hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu tại Tô Châu. Tại khu công nghiệp Tô Châu, nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu thô và máy móc để sản xuất, do vậy những thay đổi về mặt chiến lược nhằm vào các doanh nghiệp nước ngoài sẽ ảnh hưởng tới nhập khẩu và xuất khẩu”, Liu Zhibiao, hiệu trưởng Trường Kinh tế tại Đại học Nam Kinh, nhận định.

Ngoài việc bị sụt giảm về hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu tại khu công nghiệp Tô Châu, GDP của thành phố Tô Châu cũng giảm xuống còn 6% trong nửa đầu năm nay, thấp hơn mức 6,5% của cả tỉnh Giang Tô. Trong khi đó, khu công nghiệp Tô Châu vẫn đóng góp nhiều nhất vào GDP của tỉnh trong số các khu công nghiệp tại Giang Tô.

Những thay đổi trong các chuỗi cung ứng toàn cầu đang định hình lại vai trò của Trung Quốc như một công xưởng thế giới. Các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu buộc phải chuyển trọng tâm của họ sang thị trường nội địa Trung Quốc.

Công nghệ tự động Tô Châu, một công ty sản xuất phụ tùng ô tô Đức có trụ sở tại khu công nghiệp Tô Châu, trước đây thường xuất khẩu khoảng 30% sản phẩm. Bây giờ, xuất khẩu của công ty này giảm xuống còn 10%. Tuy nhiên, nhờ các chính sách ưu đãi của khu công nghiệp, công ty vẫn cam kết ở lại, thay vì rời đi.

Sự trợ cấp không quá lớn, nhưng ngành công nghiệp ô tô vẫn rất khả quan. Ngoài được hỗ trợ về quảng cáo, chúng tôi còn được hoàn thuế nghiên cứu phát triển và hỗ trợ xuất khẩu. Chính quyền bắt đầu trợ cấp cho chúng tôi từ 3-4 năm trước, cũng có một số trợ cấp sau chiến tranh thương mại nhưng chúng tôi chưa sử dụng nhiều vì chúng tôi không bị ảnh hưởng nhiều như các công ty khác”, Oliver Buergestein, giám đốc quản lý của công ty công nghệ tự động Tô Châu, cho biết.

Sự đóng góp của khu công nghiệp Tô Châu vào nền kinh tế của tỉnh là lý do khiến các nhà hoạch định chính sách tại Tô Châu nỗ lực để hỗ trợ cho khu công nghiệp này. Kể từ khi thành lập vào năm 1994, khu công nghiệp Tô Châu đã thu hút 31,27 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài và đóng góp hơn 800 tỷ Nhân dân tệ vào nguồn thu thuế tính đến cuối năm 2018.

Theo Dân Trí